/ 149
90

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 02/11/2000

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 101

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang thứ mười sáu, hàng thứ nhất: “Niệm xứ trang nghiêm nên khéo tu tập quán tứ niệm xứ.” Tứ niệm xứ, lần trước tôi đã giảng hai điều là “quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ”. Trong kinh điển, Phật đã quy nạp tình hình đời sống trong lục đạo của tam giới cho chúng ta thành tam khổ, bát khổ. Ở trong bát khổ, “sanh, già, bệnh, chết” là điều mà mỗi chúng sanh đều không có cách gì tránh khỏi, đây gọi là khổ bên trong thân thể. Khổ ngoài thân cũng quy nạp thành ba loại, thứ nhất là “oán tắng hội”, nghĩa là người bạn không thích, việc không ưa thích, hoàn cảnh sống không ưa thích nhưng cứ gặp phải, không có cách gì rời khỏi, loại này đều thuộc về oán tắng hội. Chúng tôi nghĩ hầu như mỗi một người đều không có cách gì tránh được, đó là những thứ phải gặp trong đời. Thứ hai là “ái biệt ly”, người chúng ta ưa thích, việc ưa thích, hoàn cảnh sống ưa thích lại không được dài lâu, đây là điều mà ở xã hội trước mắt, chúng ta có thể nhìn thấy rất phổ biến, thậm chí ở ngay bản thân chúng ta cũng có thể cảm nhận được, loại này cũng là khổ. Đời người thì việc không như ý thường chiếm tám, chín phần, chúng ta nhất định phải thấy rõ ràng, thấy sáng tỏ. Thứ ba là “cầu bất đắc”, nguyện vọng và mong cầu ở trong tâm chúng ta đều không thể thành hiện thực. Vậy là đã bao quát hết toàn bộ nỗi khổ ở ngoài thân chúng ta rồi.

Một điều cuối cùng gọi là “ngũ ấm xí thạnh”. Nếu đem tám loại này tách biệt ra để nói thì bảy loại trước đều thuộc về quả báo, loại cuối cùng này là nhân khổ. Hay nói cách khác, nguyên nhân chúng ta có sanh, già, bệnh, chết, oán tắng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc ở phía trước là do ngũ ấm xí thạnh, câu nói này không dễ hiểu. Ngũ ấm, nói theo lời hiện nay của chúng ta thì chính là thân của chúng ta, tâm của chúng ta không khỏe mạnh, thân tâm đều đang tạo nghiệp bất thiện, cho nên mới gặt quả báo bất thiện. Nếu như thân tâm khỏe mạnh thì đều sẽ tạo thiện nghiệp, như trong bộ kinh này Phật dạy chúng ta, ngày đêm thường niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, vậy thì tám loại khổ này của chúng ta đều không còn nữa. 

Người thế gian cầu tài, tài có thể cầu được hay không? Được, chắc chắn có thể cầu được, nhà Phật thường nói “trong cửa nhà Phật, có cầu tất ứng”, nhưng bạn phải biết đạo lý, nó có nhân quả, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, bạn tạo nhân gì thì bạn sẽ được quả báo như thế ấy. Phật nói cho chúng ta biết, nhân của giàu có là bố thí, người ưa thích bố thí thì được giàu có, người tham lam keo kiệt thì quả báo bần cùng. Chúng ta thấy xã hội ngày nay có rất nhiều người, đặc biệt là trong giới kinh doanh, ông chủ doanh nghiệp của giới công thương, họ sở hữu tiền của ngàn tỷ, tiền của ngàn tỷ này là do nguyên nhân gì vậy? Do trong đời quá khứ họ tu đại bố thí, chúng ta nói là trong mạng của họ có tài, tiền tài này không phải do trời sinh, bởi nếu trời sinh thì mỗi người phải đều như nhau, vì sao mỗi người đều không giống nhau? Do nhân mỗi người tạo không như nhau. Họ bố thí nhiều thì trong mạng của họ có tài nhiều, trong mạng có tài thì bất luận làm ngành nghề nào họ cũng đều phát tài. Sự nghiệp kinh doanh của họ, đó là duyên, trong mạng của họ có nhân, nhân cộng thêm duyên thì quả báo liền hiện tiền, sự việc là như vậy. Nếu trong mạng không có nhân giàu có, cho dù họ cũng học theo người khác làm sự nghiệp kinh doanh, nhưng người ta kinh doanh phát tài, còn họ kinh doanh lỗ vốn, đó là do trong mạng không có tài.

Quý vị đọc qua Liễu Phàm Tứ Huấn thì sẽ hiểu được, “một miếng ăn, một hớp nước không gì không định trước”, đời trước ai định cho bạn vậy? Tự mình định, không phải người khác định, đây mới thật sự là công bằng. Sau khi hiểu rõ đạo lý này, trong số mệnh của chúng ta đời này thiếu tài thì cũng đừng căng thẳng, hiện tại chúng ta tu, tu tích cực cũng vẫn còn kịp. Tiên sinh Liễu Phàm sau khi hiểu rõ đạo lý này, ông tự mình biết được tu nhân, ông đều tu ba loại nhân là: bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy; bố thí tài thì được giàu có, bố thí pháp được thông minh trí tuệ, bố thí vô úy được khỏe mạnh sống lâu, không những bản thân ông làm, mà vợ ông cũng giúp ông làm, cả nhà làm, cho nên vận mệnh của ông mới thay đổi nhanh như vậy. Khi phát tài, bản thân ông không hề hưởng thụ. Thật ra mà nói, ông trải qua đời sống vô cùng vui sướng, tiết kiệm, đem tiền của mà mình tiết kiệm được tiếp tục giúp đỡ những người có nhu cầu, phú quý của ông vĩnh viễn hưởng không hết, đời đời kiếp kiếp không bị quả báo bần cùng. Ông hiểu được đạo lý này, biết được phương pháp, như lý như pháp mà cầu thì có cầu tất ứng.

/ 149