/ 22
118

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia

Thời gian: Ngày 7 Tháng 1 Năm 2010

Tập 14

Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng tu, xin mời ngồi. Xin xem tiếp đoạn thứ nhất trong kinh Vô Lượng Thọ Tinh Hoa.

Kinh văn: “Tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức, cụ túc vô lượng hạnh nguyện, an trụ nhất thiết công đức pháp trung”.

Trong phần trước, chúng tôi đã dùng hai tiếng đồng hồ để giảng đoạn kinh văn này, hàm nghĩa của đoạn kinh văn này sâu rộng vô lượng, bất luận là pháp thế gian hoặc pháp xuất thế gian, đều phải bắt đầu từ lễ kính. Câu: “Đại Sĩ chi đức”, chính là Thập Đại Nguyện Vương. Thập Đại Nguyện Vương chính là tổng cương lĩnh vô lượng hạnh nguyện của chư Phật, Bồ Tát. Ở Trung Hoa, vào thời cổ xưa lão tổ tông, từ “tam hoàng, ngũ đế”, đã chỉ dạy cho chúng ta khiêm nhường và cung kính. Câu đầu tiên trong sách Lễ Ký có nói: “Khúc lễ viết, vô bất kính”, nghĩa là hoàn toàn giống câu: “Lễ kính chư Phật”, nhưng trong kinh Phật giải thích được rất tường tận, giải thích được rất là thấu triệt. Chúng ta lại xem những tôn giáo khác, gần đây chúng tôi đã biên soạn một cuốn sách tựa đề là Tôn Giáo Thế Giới Là Một Nhà, trong quyển sách này chúng tôi đã chọn những kinh điển của mười đại tôn giáo, bất luận tôn giáo nào, họ cũng đem lễ kính đặt vào hạng tu học quan trọng nhất, do đây mới biết “lễ kính chư Phật” rất là quan trọng. Chúng ta cần phải hiểu rõ hàm nghĩa của chư Phật. Trong kinh có nói, tất cả hữu tình chúng sanh đều có Phật tánh, hữu tình tức nay chúng ta gọi là động vật. Động vật đều có sự phản ứng cảm tình rất rõ rệt, gọi là hữu tình chúng sanh, hữu tình chúng sanh có phân biệt, có chấp trước. Loại thứ hai là vô tình chúng sanh, thật tại mà nói, sự phản ứng của nó chậm chạp một chút, không được rõ rệt, giống như là thực vật, thực vật cũng có phản ứng. Còn khoáng vật, các nhà khoa học hiện nay cũng đã chứng minh khoáng vật cũng có phản ứng, thế nhưng, chẳng dễ gì phát giác được sự phản ứng của nó, phải dùng máy móc khoa học để thăm dò thì mới biết được sự phản ứng của nó. Có thể nói, nó không kém hơn hữu tình chúng sanh.

Phật nói vô tình chúng sanh có pháp tánh, hữu tình chúng sanh đều có Phật tánh, Phật có nghĩa là giác ngộ, cũng tức có sự phản ứng rõ rệt. Thực vật và khoáng vật, cho đến hiện tượng thiên nhiên, vì sao gọi là hiện tượng thiên nhiên cũng là chúng sanh? Vì nó cũng là do chúng duyên hòa hợp mà sanh ra, phàm là những hiện tượng do chúng duyên hòa hợp mà sanh ra, thảy đều gọi là chúng sanh, phạm vi của chúng sanh rất là rộng lớn. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm có nói “tình dữ vô tình”, tức là hữu tình và vô tình, đến sau cùng “đồng viên chủng trí”. Viên là viên mãn, chủng trí tức là Nhất Thiết Chủng Trí, chúng ta mới biết Phật đã chứng được Nhất Thiết Chủng Trí, Bồ Tát mà chứng được Nhất Thiết Chủng Trí gọi là thành Phật, thành Phật quả cứu cánh viên mãn. Do đây mới biết, chúng ta đối với hữu tình chúng sanh phải lễ kính, và đối với vô tình chúng sanh cũng phải cung kính như cung kính Phật vậy. Tại sao chúng ta phải cung kính vô tình chúng sanh? Trong sách Đệ Tử Quy có một đoạn nói về “Cẩn”, tức là cẩn thận, trong cẩn thận chính là cung kính.

Phải cung kính vô tình, như trong nhà chúng ta tiếp xúc đến, trong nhà chúng ta dùng những thứ gia cụ như bàn, ghế, cũng là vô tình, chúng ta đối với nó, phải lễ kính như thế nào? Chẳng phải mỗi ngày cúi đầu lễ lạy nó, đó là quý vị hoàn toàn đã làm sai rồi, mà phải dùng tâm cung kính đối xử với nó, là phải lau cho sạch sẽ, xếp cho ngay ngắn, đây chính là chúng ta đối với nó cung kính. Sạch sẽ, ngay ngắn, cách làm này chính là hạnh Phổ Hiền, đơn giản mà nói, đức hạnh của Phổ Hiền Bồ Tát, Phổ là đức hạnh khắp pháp giới, quý vị đã nghe giảng bộ luận Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán thì biết được, trong Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán có nói ba thứ châu biến, thứ nhất là châu biến pháp giới, nghĩa là đức hạnh của Bồ Tát rộng khắp pháp giới. Hiền tức là trong Tứ Đức nói chánh trực, nhu hòa, nếu nói tường tận thì nói: “Điều, Nhu, Thiện, Thuận”, bốn chữ này. “Điều, Nhu, Thiện, Thuận” là Hiền, Điều chúng ta thường nói điều giải, tức hóa giải, điều cái gì? Chẳng có đối lập, chẳng có mâu thuẫn, chẳng có xung đột, được gọi là Điều, khiến cho tâm tánh và tánh đức của mình hoàn toàn tương ứng. Nhu là nhu hòa, tức thái độ xử thế, đối người của chúng ta. Thiện là hiền lương, Thuận là tùy thuận, hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức, được gọi là Hiền, hiền có đủ bốn đức này. Bốn đức này rộng khắp pháp giới, gọi là Phổ Hiền Bồ Tát.

/ 22