Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 11/11/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 82
Chúng ta tu hành Phật pháp cần phải có người hướng dẫn và quán sát chúng ta, giúp chúng ta tu đúng đường. Tu theo pháp Phật có thể đạt được chứng đắc thế nhưng vì sao chúng ta tu hành lại gặp phải Ma cảnh? Đều là do chúng ta tham cầu, nóng vội. Điều quan trọng nhất khi tu Phật là dụng tâm. Trong quá trình tu hành, chúng ta dụng tâm chân thành hay tâm giả dối, tham cầu? Con dao trong tay một kẻ đồ tể thì dùng để sát sanh nhưng con dao trong tay người tu hành thì chỉ để cắt rau củ. Pháp của Phật được nói ra là để chúng sanh được lợi ích nhưng chúng sanh dụng tâm sai thì sẽ gặp cảnh Ma, thậm chí bị Ma ám.
Tâm Ma sẽ bị Ma ám. Tâm Ma chính là tâm “danh vọng lợi dưỡng, tự tư tự lợi,” tâm tham cầu nên nhất định sẽ gặp Ma cảnh. Cách đây 30 năm tôi có quen một vị, người này rất trẻ nhưng có rất nhiều người lắng nghe, luôn có 7,8 cô nữ vây quanh để hầu hạ, chăm sóc. Một thời gian sau thì người này thân bại danh liệt, thậm chí tử vong. Lúc ấy tôi còn nhỏ nên không thể giải thích được việc này. Sau khi học Phật, tôi nhận ra rằng người này tu mật tông, có thần lực, nhưng không phải từ tự tánh mà là thần lực của Ma. Vì có chút thần thông nên khiến nhiều người cung kính cung phụng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn thì người này mắc phải bệnh khổ và tử vong rất nhanh.
Một người khác lúc nhỏ rất thân với tôi và lúc đó tôi đã không hiểu vì sao người này chưa từng tu học gì nhưng lại đi giảng Kinh, thu hút một số người đi theo. Tôi không biết người này giảng có đúng không, chỉ biết rằng một thời gian ngắn sau khi giảng Kinh thì người này bị sét đánh chết. Bây giờ thì tôi biết rằng đây là do dụng tâm sai nên kết quả mới sai như vậy. Họ là những người mượn pháp của Phật để truy cầu danh lợi, hưởng thụ danh lợi, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, thậm chí còn phạm trai phá giới.
Câu hỏi đầu tiên trong bài học hôm nay, có người hỏi Hòa Thượng rằng: “Con quen biết một vị tu hành đã lâu năm nhưng họ không ngừng phạm giới, tạo nghiệp. Con có nên che dấu cho người đó hoặc giả bộ không biết gì được không ạ?”
Đệ tử quy có câu “Lỗi không ngăn, đôi bên sai”. Đây không phải là lỗi mà là tội, là tạo nghiệp, là phạm trai phá giới. Nếu chúng ta không khuyên người đó mà chúng ta gần gũi người đó thì khi họ làm sai lâu ngày mà không thấy quả báo gì thì chúng ta và những người xung quanh cũng sẽ làm như chính họ.
Hòa Thượng trả lời: “Tốt nhất là bạn hãy quên đi sự việc này, đừng bao giờ để trong tâm và đừng bao giờ gần gũi người như vậy! Chúng ta tu hành phải giữ được tâm thanh tịnh. Nếu chúng ta để việc này trong tâm thì mỗi lần bạn nghĩ đến sự phạm giới của họ thì chính bạn lại phạm một lần. Lục Tổ Huệ Năng nói: “Nếu là người chân thật tu hành thì không thấy lỗi thế gian”. Nếu chúng ta làm được đến câu nói này thì đạo nghiệp của bạn một đời thành tựu. Bạn thường đem lỗi lầm của người khác để ở trong tâm mình thì bạn đã hủy hoại tiền đồ của mình rồi! ”
Chúng ta phải biết rằng người ta tạo tội nơi thân còn chúng ta nhớ đến lỗi của họ là chúng ta đã ở nơi ý mà tạo tội. Ý tạo tội tuy không bị vi phạm pháp luật thế gian nhưng lại phá hỏng tâm thanh tịnh. Tâm tịnh thì mới tương ưng cõi tịnh. Nếu vì người sai phạm mà mình để trong lòng thì mình đã phá hủy tiền đồ vãng sanh Tây Phương Cực Lạc của chính mình.
Nhà Phật có câu chuyện hai vị huynh đệ cùng đi trên đường, người sư huynh đã cứu vớt một cô gái bị rơi xuống sông và đưa cô lên bờ, tuy nhiên người sư đệ lại canh cánh trong lòng và trách vị sư huynh đã ôm cô gái kia. Vị sư huynh liền nói: “Huynh cứu cô gái và đã để cô ấy trên bờ còn đệ đã ôm cô ấy về tận chùa rồi.”
Chúng ta thấy và ấn tượng với người này, người kia tạo tội một lần, hai lần thì việc đó sẽ ghi nhớ trong não chúng ta. Đến khi gặp lại, người tạo tội thì bản thân họ không nhớ gì còn chúng ta lại nhớ rất rõ tội lỗi của họ, người ta phạm tội nơi thân còn chúng ta phạm tội nơi ý. Chính chúng ta chẳng phải là đã phá hỏng tâm thanh tịnh của mình rồi hay sao?
Do đó, chúng ta nên tránh các duyên bất thiện, không nên giao lưu qua lại với người bất thiện và ngay cả người thiện nhưng không cùng chí hướng, không cùng tu tập một pháp môn. Người đồng pháp môn với chúng ta nhưng cách làm, cách tu tập của họ khác với chúng ta thì họ vẫn làm nhiễu loạn tâm thanh tịnh của chúng ta.