74Thứ Hai, 26/08/2024, 07:17
5 · Phật Pháp Vấn Đáp - 5

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 25/08/2024.

-----------------------------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 05

Những nghi vấn của các đồng tu khắp nơi trên thế giới cũng là những nghi vấn của chúng ta. Chúng ta được nghe, được học để biết trước những gì chúng ta sẽ gặp phải trên con đường tu học và có cách giải quyết cho thỏa đáng.

Câu hỏi thứ nhất trong bài học hôm nay là: “Kính bạch Hòa Thượng, lúc sanh tiền con có ý muốn hiến tạng, nhưng con không biết trước và sau khi lâm chung, người ta động dao kéo lấy nội tạng có chướng ngại việc vãng sanh không?” Có nhiều người phát tâm hiến tạng cho y học nhưng sau đó lại lăn tăn, do dự. Nếu đã do dự thì không cần tự tìm phiền não như vậy. Chúng ta hiến bộ phận còn dùng được trên cơ thể mình cho họ thì sẽ giúp họ sống thêm vài ba năm hay vài ba chục năm. Nếu chúng ta hiến tạng mà còn sợ được sợ mất, sợ tốt sợ xấu thì tốt nhất chúng ta không nên tìm phiền não. Còn nếu chúng ta chân thật có thể buông xả được thì nên phát tâm hiến tạng.

Hòa Thượng trả lời: “Nếu lâm chung, bác sĩ cắt lấy nội tạng mà bạn không sân hận thì bạn có thể làm, còn nếu bạn không có công phu này thì không nên. Bạn còn cảm thấy đau khổ và hối hận thì bạn sẽ đọa lạc. Cho nên phải có sức định mới được. Nếu không có sức định thì rất mạo hiểm. Nếu chúng ta nắm chắc phần vãng sanh thì tức khắc chúng ta đã về Tây Phương Cực Lạc. Nếu chưa chắc chắn thì thân trung ấm từ 8 thậm chí là 24 giờ chưa rời thân xác. Mà chưa rời thân xác những lại thấy cơ thể bị cắt xẻ thì chúng ta chấp thân và sẽ khởi tâm sân hận.

Hòa Thượng tiếp lời: “Bạn hiến tặng cơ quan nội tạng của mình sẽ giúp người ta kéo dài thêm được vài chục năm. Bạn chân thật tu hành, vãng sanh Thế Giới Tây Phương Cực Lạc, bạn thành Phật, phổ độ chúng sanh thì khi đó phạm vi bạn phổ độ đến chúng sanh sẽ rộng lớn vô cùng vô tận, rất nhiều chúng sanh sẽ được bạn cứu giúp. Việc này phải nên hết sức cẩn trọng.

Tôi từng nghe nói có một vị xuất gia từng có nguyện vọng hiến thân xác cho y học và sau khi vị đó chết do tai nạn giao thông, người nhà theo lời dặn bảo lúc trước, đưa thân xác đến bệnh viện. Cái xác được sử dụng để cho công tác nghiên cứu nên không mặc quần áo. Cho nên thần thức của vị này đã báo mộng và hỏi rằng: “Sao lại để thân thể không mặc quần áo?” Đây chính là chấp thân.

Nếu chúng ta biết thân thể có thể cống hiến cho đời và nếu chúng ta biết thân này là vô thường, là không thật thì tại sao ngay lúc còn sống, chúng ta không dùng hết thời gian của sinh mạng để hy sinh phụng hiến, làm lợi ích cho cộng đồng cho xã hội. Lúc còn sống thì chểnh mảng, không biết tận dụng thân này để phục vụ mọi người nhưng lại có mong muốn hiến thân cho y học thì sau khi chết, người vốn không biết phụng hiến, khi linh hồn của họ chưa đi thọ sanh, vẫn còn ở xung quanh đó, người này rơi vào trạng thái chấp thân. Họ thấy thân xác nằm phơi bày ra đó không có quần áo, họ khởi tâm xấu hổ, khởi tâm hối hận.

Hòa Thượng từng dạy rằng khi hơi thở còn trong chúng ta, linh hồn chưa rời khỏi thân tứ đại thì mau mau làm việc tốt, đợi đến khi không còn hơi thở, linh hồn đã rời thân xác này thì muốn làm việc tốt cũng không thể làm gì được.

Câu hỏi thứ hai: Có người khác hỏi Hòa Thượng rằng: “Trong cuộc sống thường ngày, khi làm việc, con phải ứng đối và tùy lúc tùy nơi khởi niệm Phật. Thế nhưng, nếu công việc cần phải dụng tâm để làm. Vậy thì con phải làm thế nào để niệm Phật?

Hòa Thượng trả lời: “Điều này rất đơn giản! Nếu công việc không phải dùng sự tư duy thì một mặt làm việc, một mặt niệm Phật. Ngược lại, nếu công việc phải dùng đến sự tư duy thì nhất định chúng ta phải chuyên tâm. Chúng ta gác câu Phật hiệu lại và đợi khi làm việc xong chúng ta buông bỏ công việc và tiếp tục để khởi câu Phật hiệu”. Ví dụ chúng ta trồng cây, cuốc đất đã theo quy trình thì chúng ta không cần dụng tâm, cứ một mặt làm việc một mặt niệm Phật là phù hợp.

Đây cũng là nội dung nhất tâm niệm Phật mà Hòa Thượng từng giảng trong bộ 1200 Chuyên Đề. Câu trả lời của Hòa Thượng đã giúp chúng ta không còn băn khoăn và do dự vì trong qua trình làm việc sợ rằng sẽ bị gián đoạn việc niệm Phật mà niệm Phật thì lại sợ bị gián đoạn công việc. Ví dụ như đối với công việc của các Thầy Cô giáo, các Thầy Cô không thể vừa dạy học lại vừa niệm Phật được. Quan trọng nhất là nhất tâm, không xen tạp.

Khi làm việc thì nhất tâm làm việc, khi niệm Phật thì nhất tâm niệm Phật. Không nên khi làm việc thì xen tạp niệm Phật và khi niệm Phật lại xen tạp làm việc. Hòa Thượng từng chỉ dạy rằng chúng ta đang lái xe mà nhất tâm niệm Phật rồi gây ra tai nạn giao thông là sai rồi hoặc khi đang học tập mà lại nhất tâm niệm Phật thì cả niệm Phật và học tập đều đang bị xen tạp. Nhất tâm là một tâm không phải hai tâm, vậy tâm nào niệm Phật, tâm nào làm việc?

Câu hỏi thứ ba: Có một vị đồng tu hỏi rằng “Người lỗ tai bị điếc không nghe được âm thanh thì khi lâm chung làm sao có thể trợ niệm được cho họ ạ?” Hòa Thượng trả lời: “Lỗ tai điếc là do căn tai bị chướng ngại nhưng thức của họ lại có thể nghe.” Đối với người khi còn sanh tiền, họ từng thấy chúng ta tu hành niệm Phật, biết khẩu hình niệm Phật thì khi chúng ta hộ niệm cho họ, họ vẫn cảm nhận được.

Khi sắp đi vào cõi chết thì thần thức của họ vẫn có thể nghe tiếng niệm Phật. Nếu những người xung quanh tập trung lại niệm Phật một cách chân thật, chuyên tâm thì thần thức của họ có thể nương vào tiếng niệm Phật của đại chúng mà ra đi. Niệm Phật vẫn có công hiệu với những người bị điếc. Khi niệm Phật có lực mà hộ niệm cho họ sẽ giúp được họ, ngược lại thì lực mang đến rất mong manh thì việc hộ niệm chỉ là làm cho dễ coi.

Câu hỏi thứ tư: “Kính bạch Hòa Thượng, con muốn ở thôn Di Đà – Xinh-ga-po niệm Phật ba năm thì con làm thế nào để có thể tham dự được?” Ngay đến bây giờ khi Hòa Thượng đã vãng sanh thì thôn Di Đà vẫn chưa hình thành mặc dù công tác trù bị diễn ra rất mạnh mẽ, tu hút các đồng tu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, khi ông Lý Mộc Nguyên ra đi thì lý do việc chưa xây được thôn Di Đà vẫn không ai biết.

Hòa Thượng khi đó giảng được phân nửa Bộ Kinh Vô Lượng Thọ lần thứ 10 tại Xinh-ga-po thì đã chuyển sang Úc nên lần giảng thứ 10 bị gián đoạn. Trong lúc giảng Kinh Vô Lượng Thọ, Hòa Thượng từng trả lời câu hỏi này: “Vấn đề này là việc của Lâm trưởng (ông Lý Mộc Nguyên) thuộc Cư Sĩ Lâm tại Xinh-ga-po. Cư sĩ Lâm là đạo tràng của 10 phương, bất cứ người nào đến tham dự tu học, niệm Phật đều hoan nghênh. Thế nhưng đất nước Xinh-ga-po rất nhỏ, nhân khẩu rất đông nên nghiêm ngặt về vấn đề này do đó người nước ngoài đến cư ngụ dài lâu tại đây bị hạn chế.

Tôi nhớ mấy lần tôi sang Xinh-ga-po đều có thời hạn chỉ 8-10 ngày. Tại Cư Sĩ Lâm, các Phật tử đã phát tâm xây dựng hai chiếc tháp bằng đồng cao 3-4 mét để kỷ niệm hai bộ Kinh mà Hòa Thượng đã giảng tại đây là Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Hoa Nghiêm. Tuy nhiên, khi tôi đến, Hòa Thượng đã rời Xinh-ga-po, những dấu ấn của Ngài thậm chí đến một tấm hình của Ngài, những người nơi đó, cũng không để lại chút nào! Họ thích thì tôn sùng mà không thích thì gạt bỏ.

Trả lời câu hỏi thứ tư này Hòa Thượng không nói thôn Di Đà ở Xinh-ga-po có thành công hay không mà trả lời rằng ngoài Xinh-ga-po, đất nước của Ngài hy vọng rằng tương lai duyên chín mùi sẽ xây dựng được thôn Di Đà. Thôn Di Đà là mô hình lý tưởng cho người tu hành nhưng thôn Di Đà đòi hỏi người quản lý phải là người chuyên tâm, thật sự hy sinh phụng hiến, giúp cho những người vãng sanh thành Phật và những người đến niệm Phật phải là người buông bỏ thân tâm thế giới để nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương Cực Lạc.

Nếu người quản lý có một chút tư lợi thì chắc chắn thôn Di Đà không thể tồn tại được. Có nhiều người mong muốn xây dựng thôn Di Đà nhưng họ quên rằng tâm phải đặt ở sự chân thật, trên cầu thành Phật, dưới độ chúng sanh như Hòa Thượng và hoàn toàn không có tâm tư lợi mới có thể làm được.

Câu hỏi thứ năm: “Từ khi con học Phật đến nay, thân thể, sức khỏe rất ổn định nhưng tu hành một thời gian khoảng một hai năm, thân thể xuất hiện sự nóng sốt thường xuyên, rất bất thường. Gần đây tình hình càng nghiêm trọng hơn, mỗi sáng thức dậy thì toàn thân cảm thấy không có lực.

Sau giờ Ngọ mới có thể tốt hơn một chút nên việc niệm Phật tu hành không được như trước. Có phải do con tu học không đắc lực hay là tu học không đúng pháp hay đây là nghiệp chướng rất nặng, hay có nguyên nhân gì khác. Xin Hòa Thượng chỉ dạy cho con?

Thực tế có nhiều người rơi vào tình trạng này, thậm chí người ngoài nhìn vào thấy họ không chỉ trong thời khóa tu học công phu mà trong đời sống và làm việc cũng không có chút khí lực nào cả, mọi thứ lờ đờ và thích ngủ thì li bì. Đây là tinh thần bạc nhược! Khi chúng ta thấy tinh thần đi xuống thì chúng ta phải đề khởi sự phấn chấn từ nói năng đến hành động thì khi niệm Phật tu học cũng sẽ có sự phấn chấn.

Trả lời câu hỏi thứ năm Hòa Thượng nói rằng: “Tình huống này nên đi kiểm tra bác sỹ trước để hiểu rõ tình trạng sức khỏe. Việc này cũng cho thấy có sự liên quan đến phương pháp tu hành và nghiệp chướng. Bệnh khổ đến không ngoài ba loại lớn: Thứ nhất là bệnh do ăn uống ngủ nghỉ. Bệnh của thân thì thuốc có thể điều trị.

Thứ hai là bệnh do oán thân trái chủ dựa thân. Bệnh này bác sỹ không thể trị được, thuốc thang không ích gì. Giống như Ngộ Đạt Quốc Sư bị mụn ghẻ mặt người được ghi trong Từ Bi Tam Muội Thủy Sám pháp. Đây không phải là bệnh của thân. Phàm hễ gặp bệnh này thì phải điều giải với oán thân trái chủ. Chính mình cũng có thể phát nguyện để hóa giải với họ hoặc thỉnh một số người có đức hạnh tu hành hay cư sĩ tại gia vì những oán thân trái chủ này mà giảng khai thị, tụng kinh, niệm Phật hồi hướng cho họ. Nếu đối phương tiếp nhận thì bệnh liền khỏi.

Thứ ba là bệnh nghiệp chướng do chính mình trong đời quá khứ hoặc đời này đã tạo nhiều ác nghiệp nên ác nghiệp chiêu cảm. Loại này không phải bệnh của thân, hoặc là bệnh do oan gia trái chủ. Loại bệnh này rất phiền phức nhưng chỉ cần chúng ta chí thành sám hối, chân thật thay đổi tự làm mới và đoạn ác tu thiện thì vẫn có hiệu lực.” Rõ ràng bệnh do nghiệp chướng không phải là không thể thay đổi được.

Bệnh do sinh lý thì bác sỹ có thể điều trị được nhưng nhiều người chấp trước tự cho rằng niệm Phật thì không cần phải đi thăm khám bác sỹ. Còn bệnh do oán thân trái chủ thì phải dùng đến phương pháp hóa giải. Tiều Thố vì báo oán Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư mà biến thành ghẻ mặt người trên đầu gối của Ngài. Sau đó, nhờ một vị A La Hán dùng nước tam muội từ lòng từ bi của mình hóa giải oán kết. Tiều Thố đã cảm phục trước đức hạnh của vị A La Hán đó mà rời đi. Vừa rời khỏi thì bệnh của Ngài Ngộ Đạt liền khỏi. Cho nên tuy rằng có nghiệp lực nhiều đời vẫn có thể thay đổi được.

Hòa Thượng tiếp lời: “Do đây có thể biết, bất cứ bệnh gì đều có phương pháp để đối trị. Chính mình phải hiểu được phương pháp như lý, như pháp mà làm thì tự nhiên có thể giải quyết được. Niệm Phật nhất định cầu Phật và Bồ Tát gia trì. Thế Tôn trên Kinh Vô Lượng Thọ đã nói với chúng ta rằng ngay khi có cấp nạn thì chúng ta phải tụng Kinh, niệm Phật bằng tâm chân thành thì cũng sẽ có hiệu lực.” Đó chính là cầu Phật gia trì chứ không phải thốt lên rằng “Phật ơi! Phật cứu giúp con, con bệnh sắp chết rồi”. Không chuyên tâm niệm Phật, không chuyên tâm hành trì thì không được, cho nên phải hiểu được cầu gia trì ở chỗ nào.

Nếu chúng ta từ sáng đến chiều chỉ niệm Phật hiệu, không niệm “danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si” thì chẳng phải là Phật A Di Đà đang hộ trì cho chúng ta hay sao? Niệm các thứ khác chúng ta bị phiền não nhưng niệm “A Di Đà Phật chính là trong tâm mình có “A Di Đà Phật” đang bảo hộ. Trạng thái tu hành bị lui sụt là rất phổ biến, chúng ta trên bước đường tu học, sẽ gặp vài lần. Chúng ta hãy cố gắng, dũng mãnh tinh tấn để vực dậy chứ nếu chểnh mảng tùy thuận nó thì nó sẽ đi xuống luôn. Còn nếu chúng ta mạnh mẽ cố gắng thì chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn đó.

Lúc trước khi tôi lạy Phật, tôi luôn có cảm giác bồng bềnh như trên thuyền, như thể sẵn sàng ngã bất cứ lúc nào. Nhưng tôi không bỏ cuộc, vẫn miệt mài lạy Phật. Cho nên, trạng thái tu hành mà chúng ta bị lui sụt này rất thường xuyên, chúng ta mỗi người sẽ gặp vài lần. Những lần như vậy, chúng ta phải dõng mãnh hơn tinh tấn hơn thì chúng ta sẽ vượt qua được giai đoạn đó.

Chúng ta nên nhớ rằng tất cả mọi bệnh khổ đều có nguyên nhân và không nằm ngoài ba loại mà Hòa Thượng đã nêu trên: Một là thân bệnh sinh lý thì cần bác sỹ kiểm tra và biết cách điều trị. Thân thể, đầu óc khỏe thì tu hành mới tốt, giúp ích được cho nhiều chúng sanh. Cho nên chúng ta không nên tự chấp trước tự nghe người khác nói rằng đi khám bệnh hay uống thuốc là không đủ niềm tin, niềm tin bị xen tạp.

Bản thân tôi, vốn dĩ hay bị cảm sổ mũi, ho đến nỗi trong các buổi học, tôi luôn phải lau nước mắt, nước mũi nhưng nay nhờ dùng dầu và uống một chút thảo dược mà cơ thể có thể chống được những cái lạnh, cảm gió bên ngoài. Hiện giờ, tôi không bị sổ mũi hắt hơi nữa do vậy mà lúc tu học và niệm Phật có sự thuận tiện hơn. Cho nên, tất cả các bệnh khổ từ nơi thân thì cần bác sỹ.

Hai là bệnh oan gia trái chủ thì phải dùng phương pháp hóa giải, cần phát tâm rộng lớn làm nhiều việc thiện hồi hướng cho họ. Ba là bệnh nghiệp chướng thì chính mình quá khứ hay đời này đã tạo ra quả báo ác nghiệt nên phải chí thành sám hối, cải đổi tự làm mới, đoạn ác tu thiện (tích cực không làm việc ác chỉ làm việc thiện, thậm chí ngay đến khởi tâm động niệm cũng chỉ là khởi tâm động niệm đến việc thiện lành) thì có thể vượt qua./.

****************************

Nam Mô A Di Đà Phật

Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!

Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!