Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 29/12/2024.
--------------------------------------------
PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP
BÀI 130
Hòa Thượng nói tu hành là phải thật làm, không phải chỉ cần ngưỡng mộ ai đó, mong muốn đi theo sát người đó thì có thể thành tựu. Có rất nhiều người cũng ai cầu với Hòa Thượng, mong được đi theo bên cạnh Ngài nhưng Ngài nói những người đi theo Ngài không thành Bồ Tát mà thành La Sát. Nhiều vị hộ pháp đi theo Hòa Thượng có những hành động thái quá, đây là do họ không nhẫn nại được khi hằng ngày có rất nhiều người muốn được chụp hình và đi cạnh Hòa Thượng.
Cho nên tu hành là phải thực hành một cách triệt để, phải làm theo lời dạy của vị Thầy mà mình tôn kính. Khi Hòa Thượng ở thế gian, đã có rất nhiều người mong muốn tôi đến gặp Hòa Thượng, nhưng tôi không mong cầu việc đó vì tôi nghĩ rằng chỉ cần làm được những gì Hòa Thượng đã dạy mới là việc tốt. Gần Hòa Thượng, chụp một hai tấm hình rồi khoe khoang thì chẳng được lợi ích gì.
Có người từng ở bên cạnh Hòa Thượng không thành Bồ Tát mà trở thành yêu ma quỷ quái. Câu chuyện này có thể ít ai biết nhưng tôi biết. Đó là một người Việt sống tại Hồng Công nằm trong đội hộ pháp của Hòa Thượng. Vị này sau này đã vướng vào lưới tình, tham dục nên chắc chắn sau khi tỉnh ngộ sẽ vô cùng hối hận. Nhiều người vừa quy y Tam Bảo, có được tấm điệp Quy y và có pháp danh thì liền nghĩ rằng đời sống của họ sẽ tốt nên không chịu chuyển đổi, khởi tâm động niệm vẫn là chìm trong tham cầu, tư lợi. Người như vậy khổ đau vẫn khổ đau, đọa lạc vẫn đọa lạc.
Họ làm ra tấm gương xấu, quy y Phật trên hình thức thì có chứ tu học từ nơi Phật thì không có nên khiến người khác hiểu nhầm rằng tu học Phật chẳng có gì tốt. Chúng ta phải nhớ rằng chân thật tu học Phật pháp mới có hạnh phúc an vui, còn nếu chỉ quy y Phật trên hình thức thì chẳng có được gì.
Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta rằng: “Tu học Phật pháp quan trọng nhất là phải bắt đầu từ nơi tâm “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi”. Nếu chúng ta có thể có đầy đủ những điều kiện này thì việc tu học Phật pháp không hề khó”. Cho nên chúng ta luôn phải quán sát xem khi chúng ta làm bất cứ việc gì, chúng ta có làm từ nơi tâm “chân thành” hay không? Tất cả mọi sự, mọi việc, khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta đều phải bắt đầu từ tâm “chân thành”. Tâm “chân thành” phải là một mảng tâm với tất cả mọi người, không ứng xử phân biệt người tốt hay người xấu.
Để có được tâm này không cần học vị cao ở thế gian mà chú trọng ở chỗ chuyên tu chuyên hoằng, một môn thâm nhập. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tùy theo căn tánh và hoàn cảnh sống của mình để chọn lựa cách tu như thế nào cho phù hợp. Người hiểu biết, xuất phát từ tâm “chân thành”, thì ở bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng đều có thể độ chúng sanh. Một người có tâm “chân thành” mà cuốc đất cũng khiến người ta thấy lạ và đặt câu hỏi rằng người đó cuốc đất bằng nặng lực gì mà không biết mệt mỏi như vậy? Họ làm với tâm “chân thành”, từ tâm “chân thành” sản sinh ra năng lượng vô hạn.
Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta rằng chăm chỉ nỗ lực học tập trên nền tảng của tâm “chân thành” thì không ai là không thành tựu. Ở thế gian, người ta cần học vị nhưng trong Phật pháp thì không cần. Hòa Thượng từng từ chối không nhận bằng tiến sỹ danh dự khi được một trường đại học dành tặng, tuy nhiên sau đó, Ngài vì hết thảy chúng sanh mà nhận tấm bằng tiến sỹ này. Khi có bằng này, Hòa Thượng mới có đủ tư cách tham dự diễn đàn của Liên Hợp Quốc.
Có một vị Hòa Thượng từng đưa ra nhận xét của mình với Hòa Thượng Tịnh Không rằng đa phần những giảng sư thuyết pháp đều tiếp nhận giáo dục tư thục. Họ không có học vị nhưng kiến thức mà họ có được đều từ những vì thầy ở những nhóm lớp nhỏ, tuy vậy, họ vẫn có đủ năng lực mang lại lợi ích cho chúng sanh. Chúng ta biết Hòa Thượng Tịnh Không mới học hết trung cấp nhưng Ngài có đủ năng lực giảng ở đại học Phật giáo. Đây là điểm khác biệt giữa Phật pháp và thế gian pháp.
Qua câu chuyện này chúng ta hãy xem lại tâm của mình trong khởi tâm động niệm, trong hành động tạo tác, trong đối nhân xử thế tiếp vật thường ngày của chúng ta, bắt đầu từ nơi nào? Từ vọng tâm? Từ tâm tham cầu? Từ tâm bao chao dao động hay từ nơi tâm “chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi”? Những ông cụ bà lão ở quê cũng không có học vị nhưng đều có tâm chân thành, tâm cung kính.