56Thứ Năm, 22/08/2024, 07:14
1 · Phật Pháp Vấn Đáp - 1

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 21/08/2024.

-----------------------------------------------------------------

PHẬT PHÁP VẤN ĐÁP

BÀI 01

Sau khi chúng ta học 1200 chuyên đề của Hòa Thượng Tịnh Không thì đáng lẽ chúng ta học Phật Pháp Vấn Đáp, nhưng vì sợ thời gian không đủ nên chúng ta đã bắt đầu học bộ Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục, là những lời dạy chí thiết của Hòa Thượng khuyến khích chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh.

Sau đó chúng ta học đến bộ Tịnh Không Pháp Ngữ là những lời sách tấn của Hòa Thượng giúp chúng ta niệm Phật cho tốt. 1200 chuyên đề giúp chúng ta biết rất nhiều lỗi của mình để sửa lỗi, sám hối và bây giờ chúng ta học đến bộ Phật Pháp Vấn Đáp (Đáp nghi giải hoặc) với 200 câu hỏi rất thiết thực, giải quyết các nghi hoặc của chúng ta trong cuộc sống thường ngày.

Câu hỏi 1: “Đệ tử tu Tịnh Độ, niệm Phật pháp môn nhưng con cháu trong nhà lại được gả vào những gia đình không học Phật. Gia đình chồng hoặc vợ của họ lôi kéo họ phải tin theo tín ngưỡng tôn giáo của gia đình bên ấy. Tuy nhiên, vì thời gian bận rộn với học tập và làm việc nên họ không tham gia các hoạt động của các tôn giáo đó, cho nên, họ chẳng tin các tôn giáo đó mà ngay đến Phật cũng không tin và cũng không thắp hương. Đệ tử có thể vì họ mà cầu gia đình hạnh phúc, công việc tiến bộ và có thể vì tổ tiên của họ mà siêu độ được hay không?.

 Đây cũng là câu hỏi mà nhiều người đang thắc mắc bởi vì chúng ta tưởng rằng mình hiểu nhưng khi thực tiễn thì không mạch lạc, không chu đáo, không thích hợp. Nếu con cháu đã được gả sang gia đình có tôn giáo khác chúng ta mà chúng ta bắt con cháu phải học Phật cho rằng Phật là nhất thì là sai rồi, sẽ gây chướng ngại cho chúng, làm gia đình bên đó không vui.

Trước kia tôi làm lễ tri ân cho một gia đình, tôi thấy trong nhà có cả bàn thờ Phật và bàn thờ Chúa. Người chồng tin Chúa, người vợ tin Phật. Khi làm lễ tri ân, tôi đã tán thán Chúa, nói về sự giáng sanh của Chúa và hướng dẫn họ tri ân Chúa, tri ân Cha Mẹ. Con người chúng ta mang bốn ân nặng từ Chúa (với người tin chúa) (từ Phật-với người tin Phật), từ Cha Mẹ, từ Quốc gia và từ những người thành toàn cho mình.

Trả lời câu hỏi này, Hòa Thượng nói: “Việc tin Phật hay thắp hương không có liên hệ gì với nhau. Không luận là họ tin vào tôn giáo nào, bạn là người học Phật nhưng bạn vì họ mà hồi hướng thì đều có chỗ tốt. Quan trọng là bạn tu hành có lực hay không! Nếu có lực thì khi bạn hồi hướng cho họ, họ được nương nhờ. Bạn vì họ mà chúc nguyện cho gia đình họ được bình an hạnh phúc, công việc tiến bộ thì cũng có thể được. Thậm chí, bạn thay họ siêu độ cho tổ tiên của họ cũng có thể được.

Muốn vì ai đó mà hồi hướng phước báu cho họ thì mấu chốt là tu hành phải có lực. Thế gian có câu: “Một người hành đạo (không phải tu dễ coi mà là có công phu có lực) thì tất cả chúng sanh đều được lợi”. Nếu tu không có lực thì chúng ta hồi hướng cho ai? Tập khí phiền não vọng tưởng ngày ngày vẫn hiện hành và tạo tác tội nghiệp thì chúng ta lấy cái gì để hồi hướng? Tu hành có lực thì cho dù họ ở nơi đâu, tin hay không tin, mình chỉ cần hướng đến họ, vì họ mà chúc nguyện thì họ sẽ có được chỗ tốt. Chúng ta là người học Phật thì làm tốt vai trò của mình thì sẽ cảm động được họ.

Có một bà cư sĩ tại Hồng Công trong gia đình mỗi người đều được tự do tín ngưỡng. Lúc sau cùng, bà nói ra ngày mình sẽ vãng sanh. Bà hẹn con cháu về và hỏi chúng rằng: “Bình thường mỗi người có tín ngưỡng riêng, hôm nay Mẹ sẽ vãng sanh, liệu các con có thể niệm Phật tiễn đưa Mẹ không?” Con cháu của bà cho rằng nghĩa tử là nghĩa tận nên đều đồng ý và bà mở hội vãng sanh. Sau sự kiện này, người trong nhà trước đây tin các tôn giáo khác thì nay đều quay trở về tin Phật, niệm Phật. Cho nên, tu hành có lực là làm ra được tấm gương trong đời sống thường ngày và lúc lâm chung thì tự tại vãng sanh.

Câu hỏi thứ hai: “Có người nói với con rằng phải nhờ vào việc làm pháp sự (cúng kiếng) thì mới hóa giải được oán kết. Thiếu nợ người chết thì phải tụng Kinh Kim Cang mới chuyển được định nghiệp. Con thắc mắc về điều này, nhiều lần hỏi họ, nêu lên nghi vấn với họ là làm như vậy có được không nhưng họ không nghe. Xin hỏi sư phụ con phải làm sao?

Hòa Thượng trả lời: “Nếu thiếu nợ đời trước, đại khái là thiếu nợ của quỷ (người quá khứ), vậy thì, thiếu nợ phải trả nợ! Trả nợ là một việc tốt. Tuy nhiên, có người làm ra những việc không phải trả nợ mà là gây thêm nợ. Cho nên phải hiểu đạo lý này!