
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 06/4/2025.
****************************
PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC
Bài 035: Chúng ta lễ Phật và lễ tổ tiên
Mặc dù Kinh Vô Lượng Thọ đã dạy chúng ta cần phải: “Hiếu dưỡng Phụ Mẫu, phụng sự Sư trưởng” nhưng nhiều người tu học chỉ coi trọng pháp tu mà lại lơ là với Hiếu Thân Tôn Sư. Hòa Thượng khẳng định Phật đã dạy, người học Phật phải biết song toàn “Hiếu Kính” cho nên chúng ta lễ kính tổ tiên chính là trở thành một người con hiền cháu thảo, là “Hiếu”. Chúng ta lễ Phật nghĩa là đã đang tôn sư trọng đạo, là “Kính”. Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến khải thị này.
Tuy nhiên, ngày nay, chúng sanh không có tấm gương Hiếu Thân Tôn Sư để nương theo học tập nên họ không biết cách làm. Một số người còn có cái nhìn sai lầm và đã rao truyền sự sai lầm rằng không được phép thờ cha mẹ chung với thờ Phật. Việc này ở tại gia, chúng ta vẫn đang làm, nơi thờ Phật cũng là nơi thờ gia tiên, vừa lễ Phật cũng là lễ gia tiên. Chúng ta niệm Phật thì gia tiên cũng nghe được tiếng niệm của chúng ta. Chúng ta dụng công tu hành thì họ cũng từ đó mà dụng công tu hành. Đây là việc rất tốt, dễ làm, xong nhiều nơi không làm. Vì sao? Vì nhiều người bị dạy sai nên trên ban Phật, họ không thờ gia tiên và nếu lễ Phật mà lễ luôn cả gia tiên thì gia tiên bị mất phước.
Hòa Thượng nói: “Có không ít đồng tu thờ cúng bài vị gia tiên trong nhà. Việc làm này được chư Phật, Bồ Tát tán thán. Chúng ta cúng bài vị của tổ tiên ở hai bên nên khi chúng ta lễ Phật cũng là lễ tổ tiên và khi kính Phật cũng là kính tổ tiên.” Lời khẳng định này của Hòa Thượng được căn cứ trên Kinh điển, Ngài đã nói lại lời của Phật trên Kinh. Trong Phước thứ nhất của Tịnh Nghiệp Tam Phước thì Hiếu dưỡng Phụ Mẫu được xem là hàng đầu, rồi mới đến Phụng sự Sư Trưởng – vâng lời dạy bảo của lão sư.
Có lần tôi đi đến một nơi tụng Kinh và niệm Phật cho người chết thì gặp một người rất ngổ ngáo. Cả nhà gia đình người mất đều rất cung kính Phật nhưng người này chỉ muốn lễ vong linh người mất mà nhất định không lễ Phật. Người như vậy thật là vô phép! Chúng ta muốn kính lễ ai thì phải xem xem người đó tôn trọng ai, kính lễ ai! Nếu họ kính lễ Phật, Bồ Tát thì cho dù chúng ta không thích, chúng ta vẫn phải cúi đầu kính lễ. Làm được như vậy thì sự kính lễ của chúng ta đối với người đó mới được xem trọng.
Bản thân tôi khi đến nhà một người và biết người đó thờ Chúa, tôi đã lễ kính, xá Chúa ba xá. Tôi không biết cách họ kính lễ thế nào, tôi chỉ biết làm theo cách của mình. Việc làm này khiến chủ nhà rất hài lòng. Đây là lễ tiết, là phép tắc. Có người học Phật nhưng thầy của họ nói rằng không có Phật A Di Đà nên khi họ đến nhà ai đó, có thờ Phật A Di Đà, họ đã không lễ, không tỏ lòng cung kính. Họ chỉ lễ Phật Thích Ca Mâu Ni. Cho dù, như lời thầy của họ nói, thì khi đến nhà gia chủ mà gia chủ thờ ai thì đáng ra họ vẫn phải kính lễ, vái chào một cách cung kính. Đây cũng là đang kính lễ, vái chào gia chủ.
Việc làm này trước nhất sẽ tạo nên sự thân thiện đối với gia chủ và cũng phù hợp hai điều đầu tiên trong 10 Hạnh Nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát: “Một là Kính Lễ Chư Phật. Hai là xưng tán Như Lai”. Nếu nơi thờ tự đúng như pháp thì chúng ta vừa lễ kính vừa tán thán, còn nơi nào không đúng như pháp thì chúng ta vẫn lễ kính nhưng không tán thán. Phật đã dạy rất rõ ràng như vậy, cho nên không phải chúng ta lễ kính một ai đó, nghĩa là chúng ta theo người đó. Lễ kính là tự tánh vốn sẵn có của chúng ta. Chúng ta lễ kính với tất cả chúng sanh. Đối với quỷ thần, chúng ta đừng có ngông cuồng, ngạo mạn, họ có thể hại chết mình.
Những lần tôi đi cúng đình, cúng miếu, tôi vẫn mua lễ vật, dâng lên thắp hương, vái chào cung kính ba xá. Trưởng bối trong làng rất xem trọng việc thờ cúng ở miếu đình, cho nên, nếu chúng ta không xem trọng thì chúng ta không những xem thường vị thần đang thờ ở đó mà còn xem thường cả các vị trưởng bối. Đó chẳng phải là vô phép, vô thiên hay sao?
Vậy theo Hạnh Nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát, vì sao chúng ta phải lễ kính? Là vì Thích Ca Mâu Ni Phật từng nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” cho nên tất cả đều là Phật ở tương lai. Khi chúng ta lễ kính là lễ kính một vị Phật ở tương lai. Cho dù họ là ác thần, ác quỷ, chúng ta vẫn cung kính cúi chào. Đây là lễ phép thông thường, như là lễ kính một bậc trưởng bối. Chúng ta không tán thán, gần gũi, học tập vì nếu tán thán, gần gũi, học tập mới là đi theo. Cho nên việc lễ kính đối với mọi người, với quỷ thần là việc rất tốt. Tự tánh chúng ta vốn dĩ là hiếu là kính. Chúng ta hành hiếu, hành lễ, hành kính chính là đang quay về tự tánh của chính mình.