PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN
PHẨM THỨ 6 KINH VÔ LƯỢNG THỌ
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: tại Nhật Bản.
Thời gian: ngày 16 tháng 5 năm 2015
(Tại Nhật Bản, Lão Pháp Sư Tịnh Không giảng phẩm thứ 6 này gồm có 10 tập.)
Chư vị Pháp sư, các vị đồng học!
Mời xem hàng thứ năm, trang 54 của Bổn kinh, bắt đầu xem từ Chương 19: “Khi con thành Phật, vạn vật trong nước nghiêm tịnh, quang lệ, hình sắc thù đặc, cùng vi cực diệu chẳng thể tính kể. Các chúng sanh dẫu cho có thiên nhãn mà có thể phân biệt được hình sắc, quang tướng, danh số và nói tổng quát được những sự trang nghiêm ấy, thề không thành Chánh giác”.
Chương 19 chỉ có một nguyện, Nguyện 39, nguyện: “Trang nghiêm vô lượng”.
Chúng ta xem chú giải: “Nguyện này giới thiệu về hoàn cảnh vật chất của thế giới Tây Phương Cực Lạc, đây chỉ nói một cách khái quát thôi. “Vạn vật” là chỉ cho mọi hiện tượng vật chất; “nghiêm” là trang nghiêm, chúng ta hay nói là sự tráng lệ; “tịnh” là thanh tịnh”. Môi trường toàn thế giới hiện nay, đang ô nhiễm với mức độ hết sức trầm trọng. Khi thấy bốn chữ “trang nghiêm thanh tịnh” này, tôi có một cảm xúc rất sâu sắc so với những người đời trước. “ “Quang” là quang minh sáng chói; “lệ” là hoa lệ mỹ miều; ở đây là những từ để hình dung sự trang hoàng lộng lẫy của thế giới Cực Lạc; hình sắc kỳ đặc, thù thắng, cùng vi cực diệu, chẳng thể tính kể. “Xưng” là xưng tán, có nói mãi cũng không kể hết được; “lượng” là để so sánh, ý là hết thảy cõi nước chư Phật khắp mười phương thế giới, đều không cách gì có thể so sánh với thế giới Cực Lạc”. Vẻ đẹp tráng lệ hoàn hảo của thế giới Cực Lạc, chúng ta vô phương tưởng tượng, dù bạn thấy cũng không nói ra được. Đó đều là công đức tu học trong vô lượng kiếp của A Di Đà Phật mà thành tựu nên; trong đó đương nhiên bao hàm cả việc A Di Đà Phật dùng thời gian năm kiếp tu tập để kết thành đại nguyện ấy, tức là 48 nguyện. Và cũng là do “Tịnh nghiệp” của những người vãng sanh đến thế giới Cực Lạc ở mười phương cảm vời được.
Cổ Đại đức Tịnh Tông có một câu nói rất hay: “Tâm tịnh ắt cõi Phật tịnh”. Người tu Tịnh Độ phải hết sức chú trọng về mặt tâm thanh tịnh, bởi vì tâm tịnh thì cõi Phật sẽ tịnh. Suy đi ngẫm lại, những người sinh sống trên trái đất này, hiện nay tâm họ có thanh tịnh không? Nếu so với mười năm trước - người của mười năm về trước, tâm của họ thanh tịnh hơn so với bây giờ. Nếu lùi thêm mười năm nữa - người của hai mươi năm trước, người của hai mươi năm về trước, tâm của họ thanh tịnh hơn so với người của mười năm sau. Qua đó, chúng ta liền hiểu được, người xã hội bây giờ đang trượt dốc và mức độ lao dốc này rất nhanh. Độ chênh lệch ngày càng tăng lên. Sự chênh lệch này sẽ dẫn tới việc thân tâm của chúng ta không khỏe bằng người của mười năm về trước. Đều là các cụ 90 tuổi như nhau, nhưng đầu óc người thuở đó vẫn còn minh mẫn, thân thể linh hoạt. Còn người 90 tuổi bây giờ, không thể sánh nổi với người 90 tuổi của mười năm trước. Đây là điều mà chúng tôi từ trong giáo dục Phật Đà thể nghiệm ra được. Phật nói với chúng ta, cơ thể con người có thể già nhưng không có suy; có thể làm được việc đó, chứ không phải làm không làm được. Có thể duy trì cả đời này không đau bệnh, có thể làm được chuyện đó. Chỉ cần bạn chịu làm. Làm như thế nào? Tâm địa thanh tịnh, lương thiện bạn liền có thể giữ cho cơ thể của mình già nhưng không suy.
Sanh lão bệnh tử, trong tám khổ, đã là người thì không thể nào tránh khỏi. Nhưng một người tu hành chân chính, nhớ kỹ, “tu hành”, ý nghĩa của hai chữ này: Hành là hành vi, khởi tâm động niệm là hành vi của ý nghiệp; chúng ta nói ba nghiệp thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp; khởi tâm động niệm thuộc về hành vi của ý nghiệp. Nếu khởi tâm động niệm thanh tịnh, đây là cái gốc căn bản nhất trong ba nghiệp; “gốc của ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý”; Ý là cái gốc nền tảng nhất, tức là ý niệm. Ý niệm phải thiện, chẳng những phải thiện mà còn phải thanh tịnh. Thế nào là thanh tịnh? Nghĩa là trong tâm không có tạp niệm, không có vọng tưởng - đó là thanh tịnh. Có vọng tưởng, có tạp niệm thế thì không còn tâm thanh tịnh; tâm trở nên ô nhiễm mất rồi. Tâm ô nhiễm dẫn đến ngôn hành không chuẩn mực, sẽ chiêu cảm tai nạn ập đến.