/ 10
126

PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN

PHẨM THỨ 6 KINH VÔ LƯỢNG THỌ

TẬP 8

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: tại Nhật Bản.

Thời gian: ngày 15 tháng 5 năm 2015

(Tại Nhật Bản, Lão Pháp Sư Tịnh Không giảng phẩm thứ 6 này gồm có 10 tập).


Chư vị Pháp sư, chư vị đồng học!

Mời xem hàng thứ ba, trang 45 của bổn kinh, xem từ đây:

Trước đó chúng ta có nói đến, hiện nay chẳng luận xuất gia hay tại gia, người học Phật không còn tìm thấy lão sư nữa rồi. 64 năm trước, tôi gặp được tiên sinh Phương Đông Mỹ; thuở đó Thầy có nói với tôi, Thầy bảo trường học hiện thời (tức là đại học của Đài Loan vào 64 năm trước), Thầy nói: “Thầy không ra thầy, trò không ra trò”. Vì tôi muốn đến đại học để nghe giảng, nên Thầy nói với tôi: “Anh sẽ thấy thất vọng”. Lời nói này có ý gì? Cũng phải mấy năm sau, tôi mới hiểu ra vấn đề. Quan trọng nhất là lúc đó vẫn có thầy tốt; nhưng vì sao thầy không ra thầy? Chính vì thầy tốt thì chẳng dạy nữa. Nguyên nhân do đâu? Vì học trò không muốn học. Học sinh ở bậc tiểu học vì chúng mong được lên trung học, nên phải dốc lòng mà học cho tốt. Học sinh trung học lại phải chăm chỉ để còn lên đại học. Lên được đại học thì không còn nghiêm chỉnh để học tập rồi. Vì sao? Vì chúng chỉ đợi ngày lấy bằng mà thôi; sau này có thể bước vào xã hội tìm một công việc tốt, mục đích chỉ có thế. Bởi vậy, chúng chẳng thiết gì đến việc học hành. Cũng bởi do tâm khí bao chao, không nghiêm túc trong việc học, dẫu thầy cô giáo có dạy họ cũng vô ích; họ nghe không lọt tai, học không vào. Vì lẽ đó, nên lão sư cũng chỉ đành dạy lấy lệ mà thôi. Vì sao phải miễn cưỡng dạy lấy lệ vậy? Vì cái nghề giáo này rất là nghèo, thầy cô chỉ dựa vào chút đồng lương này để nuôi gia đình, không thể không lên lớp được. Nhưng chí của học trò lại không nằm ở việc học, chí đều chỉ đợi ngày tốt nghiệp lấy bằng; may mắn thì ra bên ngoài tìm được một công việc tốt. Vì thế, Thầy rất cảm thán mà nói: “Tiên sinh không ra tiên sinh, học trò không ra học trò”.

Các vị ngẫm nghĩ thử xem, chuyện đó cách nay đã 64 năm. Trường học thời nay so với thời đó thua xa lắm. Học sinh thời đó tuy không chuyên tâm học nhưng họ vẫn còn xem qua một chút. Hiện nay, ngay cả một chút đó cũng không còn. Qua đó chứng tỏ, học vấn cứ một đời lại không bằng một đời. Về sau thì sao? Tôi thường hay suy nghĩ: hai, ba mươi năm sau, trong các trường đại học, không tìm thấy giáo viên, không có thầy cô tốt nữa rồi. Học sinh ở trường cũng không muốn học, không chăm chỉ học hành. Hiện nay, học sinh tiểu học đều tâm khí bao chao, vậy làm sao mà thành tựu được? Chân thật muốn học thì sao? Vẫn là phải tìm người xưa. Bây giờ, đọc sách cổ tương đối khó khăn. Nhưng cũng may con người thời nay có lưu lại đĩa, số lượng rất phong phú. Mọi người dùng các trước tác cũng như đĩa của họ để dạy học, sử dụng giáo trình bằng đĩa quang; những năm qua có không ít người vẫn đang tiến hành thực nghiệm, làm được rất thành công. Chúng tôi nghe rồi, thấy rồi rất khâm phục; thậm chí cho đến bây giờ, bản thân chúng tôi vẫn không hề từ bỏ lối dạy học dùng đĩa quang này. Vì bạn không thể tìm được một vị thầy, có thể giảng tới giảng lui một bộ kinh cho bạn được, đó là chuyện không thể nào. Nhưng nếu có một bộ đĩa, bạn nghe 100 lần, 200 lần hay 300 lần đều được. Chỉ cần bạn chịu nghe, có nghe đến một ngàn lần cũng chẳng ai quấy rầy bạn. Thế thì quá tốt rồi!

Cổ nhân Trung Quốc dạy chúng ta nguyên lý, nguyên tắc trong việc dạy học. Hôm nay, chúng ta nói đến lý niệm giảng dạy là: “Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”, “Đọc sách ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”. Tự hiểu tức là tự mình khai ngộ rồi. Một khi đã nhuần nhuyễn rồi thì có thể sẽ khai ngộ. Đấy là do nguyên nhân gì? Chúng ta học Phật bao nhiêu năm nay, lúc thường cùng nhau trao đổi học tập; tôi thường khuyên mọi người: chúng ta phải dùng chân tâm, đừng dùng vọng tâm! Chân tâm là gì? Chân tâm là nhất tâm. Tam tâm hai ý là vọng tâm. Dùng chân tâm, nếu có thể đọc sách trên ngàn lần thì vọng tâm sẽ không còn, mà tạp niệm cũng không còn, chân tâm liền xuất hiện. Xuất hiện chân tâm, tự nhiên có thể khai ngộ; những ý nghĩa hàm chứa trong bộ kinh này bạn thảy đều hiểu rõ. Phương pháp này là thật, là chân lý, không hề giả. Thời cổ đại, các bậc thánh nhân, những điều mà họ nói ra, vì sao bảo là chân lý vĩnh hằng bất biến vậy? Vì họ dùng chân tâm để nói ra những điều ấy; họ dùng chân tâm mà viết ra. Chính là đạo lý như vậy.

/ 10