/ 10
28

PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN

PHẨM THỨ 6 KINH VÔ LƯỢNG THỌ

TẬP 6

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: tại Nhật Bản.

Thời gian: ngày 12 tháng 5 năm 2015

(Tại Nhật Bản, Lão Pháp Sư Tịnh Không giảng phẩm thứ 6 này gồm có 10 tập.)

 

Chư vị Pháp sư, chư vị đồng học!

Mời xem dòng thứ nhất, trang 28 của Bổn kinh. Phần Kinh văn chương 11 có hai nguyện, là nguyện 19 và nguyện 20.

Mời xem Kinh văn: Lúc con thành Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu con liền phát Bồ Ðề tâm, tu các công đức, phụng hành sáu Ba La Mật, kiên cố bất thoái, lại đem các thiện căn hồi hướng nguyện sanh cõi con, nhất tâm niệm con, ngày đêm chẳng ngớt, đây là nguyện 19.

Phần sau là nguyện 20: Lúc lâm chung, con cùng các chúng Bồ Tát hiện đến đón trước mặt, trong khoảnh khắc liền sanh cõi con, thành A Duy Việt Trí Bồ Tát. Chẳng thỏa nguyện này, thề chẳng giữ lấy Chánh Giác.

Phần trước, Thiện Đạo Đại Sư có nói đến năm nguyện, đây là năm nguyện chân thật nhất của A Di Đà Phật, trong đó có nguyện 20: “thành bậc A Duy Việt Trí Bồ Tát”. Câu này cực kỳ quan trọng, nói rõ chúng ta niệm Phật vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc là ở vào địa vị thế nào? Ở đây đã nói rõ cho chúng ta cả rồi, địa vị này vô cùng cao. “A Duy Việt Trí” là phạn ngữ, dịch thành tiếng Trung Quốc là bất thối chuyển, “A Duy Việt Trí” tức là bất thối chuyển, ba loại bất thối chuyển đều chứng đắc một cách viên mãn thì gọi là A Duy Việt Trí.

Ba loại bất thối: Thứ nhất là vị bất thối, A La Hán chứng được vị bất thối. Loại thứ hai là hạnh bất thối - hạnh bất thối là Bồ Tát; Quyền Thật Bồ Tát là hạnh bất thối, sẽ không bao giờ thối chuyển thành “Nhị thừa”. Loại thứ ba gọi là niệm bất thối, vị thứ này là cao nhất, niệm niệm đều mong ngóng về Ta Bà khổ hải.

“Ta Bà khổ” cũng là tiếng Phạn, chính là “biển nhất thiết chủng trí”. Biển nhất thiết trí tức là viên mãn thành Phật. Vì thế, chứng đắc ba loại bất thối này, trong đại thừa thảy đều gọi là pháp thân Bồ Tát, địa vị này rất cao. Các Ngài trú tại nơi nào? Trú tại cõi Thật Báo Trang Nghiêm, không phải cõi Đồng Cư. Địa vị này cùng với đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh bên Thiền tông là bình đẳng; vì thế địa vị này rất cao. Đây thật khiến mọi người khó lòng tin nổi. Niệm câu Phật hiệu này vãng sanh Thế Giới Cực Lạc, liền chứng địa vị cao như vậy. Người mà tu tám vạn bốn ngàn pháp môn, phải tu vô lượng kiếp mới có thể tu đến được vị trí ấy. Chúng ta một đời này, dễ dàng như thế là đạt được rồi, ai chịu tin chứ?! Thật vậy, người tin tưởng quá ít rồi. Người có thể tin đó chính là đại thiện căn, đại phước đức, đại nhân duyên được nói trong Kinh A Di Đà.

Trong Kinh A Di Đà có nói: “Không thể dùng một chút thiện căn, phước đức, nhân duyên mà sanh về được nước kia”, ba điều kiện này bạn có đầy đủ rồi, bạn mới có thể tin. Hôm nay chúng ta tin rồi, dựa vào điều gì để tin vậy? Dựa vào những gì do Phật nói. Chúng ta trong đời quá khứ, nhiều đời nhiều kiếp đều tu pháp môn này; cũng là trong lúc lâm chung, tín tâm chưa đủ nên không vãng sanh được. Đời này đến thế gian lại gặp được rồi, vô cùng may mắn mới gặp được. Nhiều người gặp được Tịnh Độ. Vì sao nói chúng ta may mắn chứ? Vì chúng ta gặp được bản hội tập Kinh Vô Lượng Thọ của Hạ Liên Công. Quyển sách này, trong thời kỳ kháng chiến mới được hội tập, sau khi kháng chiến thắng lợi thì mới bắt đầu cho lưu thông. Vì thế những bậc tiền bối trước đó như lão sư của chúng tôi, là các bậc tiền bối, rất nhiều người chưa hề thấy qua. Chẳng luận là trong nước hay ở nước ngoài, nước ngoài thì khỏi cần nói nữa rồi, chưa từng thấy qua quyển sách này, hết sức đáng tiếc!

Thứ hai, chú giải của Lão Cư Sĩ Hoàng Niệm Tổ, Ngài đã rất dụng tâm để chú giải, dùng 83 loại kinh luận và 110 loại chú sớ của tổ sư đại đức để chú giải cho bộ kinh này. Mỗi một câu đều có xuất xứ, đều có lai lịch rõ ràng, điều này vô cùng hiếm có. Chân thật là chánh tri chánh kiến, bổn sách do Liên Công hội tập là lấy câu chữ từ trong năm loại nguyên bổn dịch, mỗi một chữ đều không hề bị sửa đổi. Luận về bản hội tập thì đây là bản hội tập trung thực nhất, là bản hội tập hiếm có nhất. Những bản hội tập khác thông thường đều có sửa đổi kinh văn, còn bản của Ngài đến một chữ cũng không dám sửa, mất mười năm mới hoàn thành. Chúng ta gặp được rồi, thật hy hữu khó gặp.

/ 10