PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN
PHẨM THỨ 6 KINH VÔ LƯỢNG THỌ
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Địa điểm: tại Nhật Bản.
Thời gian: ngày 11 tháng 5 năm 2015
(Tại Nhật Bản, Lão Pháp Sư Tịnh Không giảng phẩm thứ 6 này gồm có 10 tập.)
Chư vị Pháp sư, chư vị đồng học!
Mời xem trang 22 của bổn kinh, hàng cuối cùng.
Niệm “A Di Đà Phật”, niệm một cách rõ ràng, rành rẽ, không có vọng tưởng cũng không có vô minh. Một câu Phật hiệu: không những phá được vọng tưởng mà còn đoạn được vô minh, tác dụng không thể nghĩ bàn.
Phần sau là nói với chúng ta phương pháp niệm Phật. Bốn chữ “A Di Đà Phật” này, điều quan trọng nhất là phải niệm cho rõ ràng, tốc độ đừng nên quá nhanh, A… Di… Đà… Phật, cứ như thế mà niệm, tâm sẽ định lại. Niệm Phật như đuổi sẽ chẳng thu được hiệu quả, vì tâm họ là động. Điều quan trọng chính là: phải niệm cho ra tâm thanh tịnh của chính chúng ta. Vì thế, không được có vọng tưởng; vọng tưởng, tạp niệm khiến tâm chúng ta không định xuống được. Vô minh cũng không được, vô minh là hôn trầm. Niệm được vài câu là ngủ mất rồi, tinh thần không đề khởi được.
Vì vậy, một câu Phật hiệu: niệm một cách rõ ràng, rành mạch; niệm một cách liễu liễu phân minh - chẳng những phá vô minh mà còn dứt trừ phiền não, tác dụng có thể giúp chúng ta được tâm thanh tịnh. Nếu tâm thanh tịnh hiển hiện, từ sớm đến tối, chúng ta thường nói là: sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần không chấp trước, không còn chấp trước nữa. Người không còn chấp trước, liền có thể tùy duyên. Giống như Hải Hiền Lão Hòa Thượng có nói “cái gì cũng tốt, cái gì cũng hoan hỷ” đây tức là buông bỏ được chấp trước, công phu đắc lực rồi.
Niệm câu Phật hiệu này; người cõi Tây Phương là người của Thế Giới Cực Lạc, vãng sanh đến Cực Lạc, dẫu là kẻ hạ hạ phẩm vãng sanh, cũng nghe được rất rõ ràng. Vãng sanh Thế Giới Cực Lạc, phẩm vị thấp nhất là hạ phẩm hạ sanh, dẫu hạ phẩm hạ sanh, cũng nghe được rất rõ ràng. Chúng sanh Tây Phương thảy đều hoan hỷ, vì họ biết bạn sắp thành Phật rồi. Không những như thế, còn được chư Phật khắp mười phương hộ niệm. Vậy các vị Thần Hộ Pháp chẳng lẽ không hộ trì cho bạn sao? Chư Phật đều xưng tán bạn, hộ niệm cho bạn, do vậy, Thần Hộ Pháp đều tôn trọng bạn, đều hộ trì bạn. Nên một câu Phật hiệu niệm cho tốt, đây là pháp môn tối thượng mà chư Phật dùng để độ chúng sanh. Không có pháp môn nào thù thắng hơn pháp môn này, không có cái nào cao hơn cái này.
Pháp môn này thật sự là “hết sức dễ dàng” nhưng lại rất khó tin. Người có thể tin, Phật trong kinh nói rất rõ, người nào có thể tin vậy? Trong Kinh A Di Đà bảo là: “Thiện căn, phước đức, nhân duyên”, đầy đủ ba thứ này, vừa nghe liền có thể tin ngay, họ liền chịu tiếp nhận. “Không thể dùng một chút thiện căn, phước đức, nhân duyên mà sanh về được nước kia”, người vãng sanh Thế Giới Cực Lạc nhất định là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên. Thiện căn, thông thường chúng ta hay nói là người thông minh, bạn vừa nghe liền hiểu được, không hề hoài nghi liền chịu tiếp nhận, đó là thiện căn. Phước đức, tức là phước báu. Phước đức thì liên quan đến cái gì? Thật làm, người thật làm là người có phước. Có thiện căn nhưng không có phước cũng không được. Tôi tin rằng, bản thân họ sẽ không chịu niệm, không chịu làm. Vì thế, khuyết một thứ cũng không được. Chân thật có thiện căn, quyết định không có hoài nghi, tín tâm dành cho Phật sanh khởi rồi. Lời Phật nói mà có thể không tin sao? Phật là bậc thánh nhân trong số thánh nhân, không thể không tin, không tin là sai. Vì vậy ở Thế Giới Cực Lạc, dù cho là người hạ hạ phẩm vãng sanh, vẫn phải nghe cho rõ ràng, niệm cho rành rẽ. Đến Tây Phương Thế Giới Cực Lạc, chúng ta biết rồi đó, họ tu cái gì vậy? Chính là chấp trì danh hiệu, vạn duyên đều buông xả, hết thảy mọi kinh giáo cũng buông xả, vì sao? Vì một câu Phật hiệu là đã bao gồm tất cả rồi.
Trước đó chúng tôi đã có nói, danh hiệu của tất cả chư Phật đều nằm trong một câu Phật hiệu này. Ý nghĩa của câu Phật hiệu “A Di Đà Phật” là tiếng Phạn; nếu dịch hoàn toàn sang ý nghĩa Trung Quốc, có thể dịch: A dịch thành vô, Di Đà dịch là lượng, Phật dịch là giác, Vô Lượng Giác. Các vị thử nghĩ xem, có vị Phật nào không phải là “Vô Lượng Giác” chứ. Vì vậy, Vô Lượng Giác là thông hiệu của tất cả chư Phật, nên bạn thảy đều niệm đến rồi, một vị cũng không sót. Không những “Vô Lượng Giác” là danh hiệu của chư Phật, đồng thời, nó cũng hàm chứa hết thảy mọi kinh giáo mà tất cả chư Phật đã thuyết trong vô lượng kiếp đến nay, cũng đều nằm trong “Vô Lượng Giác”. Bởi thế, công đức danh hiệu là bất khả tư nghì! Niệm câu Phật hiệu này, đồng nghĩa niệm đến hết thảy mọi kinh giáo, thật sự cần phải tin. Nếu bạn tin, nghĩa là bạn thật có trí huệ, thật có phước báu, bạn mới có thể tiếp nhận, mới có thể tin tưởng, mới chịu thật làm.