/ 2
47

NÓI VỀ HIẾU ĐẠO

Phần 1

Người giảng: Lão Hòa thượng Tịnh Không (“HT”)

Người dẫn chương trình: Uông Dụng Hòa (“MC”)

Địa điểm: Đài truyền hình Vĩ Lai

Thời gian: Ngày 12-06-2003

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ, Tịnh Thái cư sĩ


MC: A Di Đà Phật! Xin chào các vị cư sĩ đại đức. Tôi là Uông Dụng Hòa, rất vui mừng ngày hôm nay có thể có được cơ hội phỏng vấn Pháp sư Tịnh Không, mời Pháp sư Tịnh Không đến vì mọi người khai thị ý nghĩa của hiếu đạo.

Trước tiên xin chúng ta hoan nghênh Pháp sư Tịnh Không. Thưa Pháp sư, chúng con xin chào Ngài!

HT: Xin chào quý vị!

MC: Thưa sư phụ! Tôi nghĩ có rất nhiều cư sĩ bạn bè ở Đài Loan đều rất hy vọng có thể nghe được Ngài nói về chủ đề có liên quan đến chữ hiếu. Trước tiên xin Ngài có thể khai thị cho mọi người nghe ý nghĩa của hiếu đạo, tác dụng lớn nhất của hiếu đạo đến sau cùng là như thế nào?

HT: Hiếu đạo không chỉ là hạt nhân của tinh thần văn hóa dân tộc Trung Hoa mà còn là nền tảng cội gốc của Phật pháp Đại thừa. Từ trên văn tự Trung quốc có thể hiện rõ ý nghĩa của chữ Hiếu. Bên trên của chữ Hiếu là chữ lão, phía dưới là chữ tử. Trong Lục Thư thì chữ Hiếu thuộc về chữ hội ý, khi bạn nhìn thấy cái chữ này, bạn liền thể hội được ý nghĩa của nó. Lão là biểu thị cho thế hệ trước, tử là biểu thị cho thế hệ sau, thế hệ trước cùng thế hệ sau là một thể. Cho nên, người ngoại quốc hiện tại nói có cách khoảng, cách khỏang thì không có hiếu, trên dưới đã tách rời. Thế hệ trước còn có thế hệ trước nữa, thế hệ sau còn có thế hệ sau nữa. Cho nên, nếu bạn tỉ mỉ mà thể hội thì chữ Hiếu là quá khứ không cùng vị lai vô tận, cấu thành một thể sinh mạng. Nếu như chúng ta nói sinh mạng là đồng thể, vậy thì còn có rất nhiều giai đọan, đó không phải là ý nghĩa chân thật của chữ hiếu. Hiếu là một thể, tổ tông vô lượng kiếp trước của chúng ta cùng với thế hệ đời sau là vô cùng vô tận, là một chỉnh thể sinh mạng. Đây là ý nghĩa căn bản của hiếu đạo.

Trong Phật pháp nói được càng thấu đáo hơn, Phật pháp nói: “quá khứ không cùng, vị lai vô tận, rộng khắp mười phương, suốt cùng ba cõi” là một thể sinh mạng, đây chính là Pháp thân mà trong Phật pháp Đại thừa đã nói. Pháp thân bao lớn vậy? Khắp hư không pháp giới. Pháp thân không bị hạn chế bởi thời gian, không bị hạn chế bởi không gian, thời gian cùng không gian dung hòa cùng một thể, trong thời gian và không gian bao gồm tất cả vạn sự vạn vật, chỉ có Phật pháp nói được rõ ràng. Vậy thì nó là cái gì vậy? Phật nói: Thảy đều là chính mình. Trong Đại thừa giáo nói Hư không. Hư không từ nơi đâu mà ra vậy? Thế giới từ đâu mà ra vậy? Thế giới đây không phải là nói địa cầu, cũng không phải là nói một Thái Dương Hệ, một Hệ Ngân Hà, trên thực tế là bao gồm tất cả tinh cầu và hệ ngân hà ở trong thời gian và không gian. Trong cảm quan chúng ta có thể nhìn thấy chỉ giống như trên màn hình ti vi vậy, nhìn thấy được một kênh nhưng trên thực tế kênh đài đang đồng thời trình chiếu thì nhiều vô kể. Chúng ta ấn vào kênh nào thì kênh đó chiếu ra, nếu như tất cả các kênh thảy đều ấn vào, tất cả các kênh đều trình chiếu. Đây mới là chân tướng của Vũ trụ.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói với chúng ta: thế giới là trùng trùng vô tận, nếu như bạn có thể đột phá được giới hạn của thời gian và không gian thì bạn đều nhìn thấy tất cả, bạn có thể nhìn thấy được quá khứ, có thể thấy được vị lai, có thể thấy được thế giới trong vi trần. Thế giới trong vi trần cũng lớn như thế giới cảm quan của chúng ta vậy. Do đó, hiếu đạo viên mãn không những không có cự ly của thời gian và không gian, không có quá khứ, vị lai của thời gian, cũng không có lớn nhỏ. Đây chính là pháp môn bất nhị mà trong Phật pháp đã nói. Nếu như có hai thì đối lập rồi, đối lập thì bạn không thể thấy được chân tướng, không thấy được thật tướng các pháp như trong Kinh Bát Nhã nói. Hiện tại chúng ta gọi là vũ trụ, cộng thêm vào hai chữ Nhân Sinh. Kỳ thực thêm vào hai chữ Nhân Sinh là dư. Người thông đạt thấu hiểu được chân tướng của vũ trụ chúng ta gọi là Phật đà, nếu như đối với chân tướng mê mờ không thông hiểu, Phật pháp gọi họ là phàm phu. Phàm phu cùng với Phật không hề khác nhau, chỉ là một người thì thông suốt, một người thì không thông suốt.

/ 2