MƯỜI HẠNH NGUYỆN CỦA BỒ TÁT PHỔ HIỀN
Phần 2
(Trích từ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh,
Phẩm Tỳ Lô Giá Na thứ sáu)
Người giảng: Pháp sư Tịnh Không
Giảng tại: Hiệp hội Giáo dục Phật đà Hồng Kông
Thời gian: Tháng 12 năm 2002
Biên tập: Phật tử Diệu Hiền, Tịnh Thái
Chào các vị đồng tu! Chúng ta còn phải tiếp tục cùng nhau học tập.
Ý nghĩa của Thỉnh Chuyển Pháp Luân hiểu được rồi, đặc biệt là thời buổi hiện đại khoa học kỹ thuật đang không ngừng tiến bộ, mạng Internet cũng không ngừng cải tiến, chúng ta tin tưởng khoảng 2-3 năm sau rất có thể nó sẽ thay thế truyền hình, mức độ tiện lợi, máy tính cỡ nhỏ, lớn bằng bàn tay như vầy có thể mang theo bên mình bất cứ lúc nào, có thể truy cập lên mạng trên toàn thế giới, chúng ta cần biết những công cụ tiên tiến này. Hôm qua, có một bạn đồng tu tặng tôi bản mục lục ở trên mạng Internet, tôi đã xem, vô cùng phong phú, rất nhiều tư liệu giảng kinh của pháp sư đều có trong đó, bạn thấy điều này tiện lợi biết bao, các bạn ở trong nhà, muốn học với pháp sư nào, bạn đều có thể học được cả. Có cần phải gần gũi vị pháp sư này không vậy? Không cần thiết, không cần thiết phải gần gũi vị pháp sư này, ta gặp ở trên mạng là rất tốt rồi. Sau này có duyên gặp mặt hay không, điều này không quan trọng. Quan trọng là ta thật sự đã học được điều gì ở nơi họ. Đích thực bớt phiền não, trí tuệ được tăng trưởng, bớt oán giận, có thể chung sống hòa mục với tất cả chúng sanh, có thể biết dùng Tứ Nhiếp Pháp để xử lý tốt tất cả các mối quan hệ với nhau, thích giúp đỡ người khác, đương nhiên cũng biết tiếp nhận sự giúp đỡ của người khác, đây đích thực là sống trong thế giới chân thiện mỹ tuệ. Cho nên ở trong gia đình có những thiết bị đơn giản này là đủ rồi, Phật pháp đã đến với gia đình bạn rồi, giáo dục thánh hiền học không khó.
Hiện nay quan trọng là nguyện tiếp theo Thỉnh Phật trụ thế. Nguyện thứ bảy này chúng ta cũng cần có lời giải thích mới. Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni 80 tuổi thì nhập Bát Niết Bàn. Ngài thọ 80 tuổi. Vậy làm thế nào mới có thể mời Ngài trụ thế? Chúng ta đắp một bức tượng để cúng dường Ngài, đó là ngưỡng mộ Ngài, tỏ chút lòng thành kính của chúng ta, rốt cuộc đó không phải trụ thế thực sự. Vậy thực sự trụ thế là gì? Là giáo hóa của Ngài. Hiện nay việc giáo hóa, việc dạy học của Ngài nằm trong Đại Tạng Kinh. Đại Tạng Kinh ở thế gian chính là Phật Đà trụ thế. Nhưng kinh điển tuy có đó, mà nếu không có người học, không có người y giáo phụng hành, không có người giảng giải cho tất cả chúng sanh thì cũng vô ích. Kinh điển mấy năm gần đây chúng tôi đã in ấn rất nhiều, bản thân chúng tôi đem Đại Tạng Kinh tặng cho toàn thế giới, tôi tính một cách sơ bộ chúng tôi tặng cũng khoảng 1700 bộ, ngoài ra còn có rất nhiều thiện nam tín nữ phát tâm ấn tặng, số lượng này so với chúng tôi không biết nhiều gấp bao nhiêu lần. Cho nên kinh điển ở trong thế gian này sẽ không bị mất đi. Chúng ta có thể khẳng định, người nào học, người nào đem nó phát huy rộng rãi, đây chính là người kế thừa, người thỉnh Phật trụ thế.
Chúng ta phải nghĩ đến người truyền pháp, người truyền thừa, điều này quan trọng. Bất kể sự nghiệp thế gian hay xuất thế gian, tôi đã nói qua rất nhiều lần rồi, bản thân bạn có thông minh trí tuệ, có phước báo, rất nhiều sự nghiệp thành tựu vô cùng rực rỡ, nhưng nếu như không có người truyền thừa, sau khi bạn qua đời thì công ty của bạn bị đóng cửa, sự nghiệp của bạn tiêu tan, thành tích của bạn là con số không. Đây là do nguyên nhân gì vậy? Bạn không chú ý đến việc bồi dưỡng nhân tài kế thừa, bạn sai rồi. Bạn thử xem, bất kể là Trung Quốc hay ngoại quốc, đế vương thời xưa, ngày đăng cơ của những vị đế vương này (hiện nay gọi là lễ nhậm chức), việc đầu tiên phải làm là gì vậy? Là lập Thái Tử, tức là tuyển chọn người kế thừa họ. Vì vậy quốc gia của họ có thể kéo dài mấy trăm năm, có thể truyền được mấy chục đời. Đạo lý gì vậy? Là làm tốt việc tuyển chọn người kế thừa. Đời sau cùng thì sao? Đời sau cùng mọi người lơ là vấn đề này, tuyển người kế thừa sai, tuyển một người không có đức hạnh, không có năng lực nên mất nước thôi! Thế xuất thế gian đều như vậy, xưa nay trong ngoài nước đều không có ngoại lệ. Người làm giáo dục, người tu đạo cũng không ngoại lệ, họ phải đi tìm người truyền pháp để cái đạo chính thống này thường còn tại thế gian.