/ 2
31

MƯỜI HẠNH NGUYỆN CỦA BỒ TÁT PHỔ HIỀN

Phần 1

(Trích từ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh,

Phẩm Tỳ Lô Giá Na thứ sáu)

Người giảng: Pháp sư Tịnh Không

Giảng tại: Hiệp hội Giáo dục Phật đà Hồng Kông

Thời gian: Tháng 12 năm 2002

Cẩn Dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hiền, Tịnh Thái


Chào các vị đồng tu!

Hạnh nguyện Phổ Hiền, tổng cộng có mười hạnh nguyện. Phần trước đã giảng cho quí vị bốn hạnh nguyện rồi. Mỗi một hạnh nguyện, chúng ta đều thường niệm. Ở trong nhà Phật, các tổ sư đại đức đem mười cương mục này sắp xếp vào thời khóa tụng sáng tối, cho nên mọi người đều niệm rất thuộc: Nhất giả lễ kính chư Phật, nhị giả xưng tán Như Lai, v.v. đều rất thuộc. Nhưng [nếu] không thực hiện, chỉ có niệm như vậy thì không có ý nghĩa gì cả, chỉ gieo trồng được thiện căn trong A Lại Da Thức. Cái thiện căn này trong đời này, kiếp này không khởi tác dụng. Cho nên chúng ta nhất định phải có duyên thù thắng, có thể hiểu được trọn vẹn mười cương mục này, biết áp dụng nó vào trong đời sống thường ngày thì có lợi ích công đức rất lớn, tự nhiên chúng ta sẽ thích làm, biến nó thành cương lĩnh quan trọng chỉ đạo trong đời sống chúng ta, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều tương ưng với mười hạnh nguyện, được như vậy thì tốt.

Nguyện thứ tư là sám trừ nghiệp chướng, sám hối nghiệp chướng vô cùng quan trọng. Thực hiện nguyện này tức là mỗi ngày kiểm điểm lại mình, nghiêm túc phản tỉnh, sửa chữa lỗi lầm.

Nguyện thứ năm là tùy hỷ công đức, hạnh này rất quan trọng. Phàm phu trong sáu cõi nghiệp chướng tập khí tích lũy từ vô lượng kiếp, nghiêm trọng nhất là tham sân si mạn, tùy hỷ là để chuyên đối trị ngạo mạn, đặc biệt là tính tật đố ở trong ngạo mạn, phần phiền não này là chướng ngại nghiêm trọng nhất cho việc tu dưỡng đạo đức, học vấn của thế xuất thế gian. Chúng ta thường nói tâm tật đố rất nặng. Họ không biết rằng cái [tâm] này không hề tổn hại gì đến người khác, thật sự mà nói không tổn hại [người khác] nổi, mà chỉ tổn hại chính mình. Giả như người khác có việc làm tốt hơn mình, mình làm không được nhưng mình không phục, mình có tâm tật đố, thậm chí vì tật đố mà nghĩ đủ mọi cách để phá hoại, kết quả cuối cùng quả nhiên là phá hoại việc tốt của họ, vậy là chúng ta liền rất đắc ý [vì chúng ta cho rằng] chúng ta đã ngăn chặn được việc tốt của họ rồi. Thật sự không phải như vậy. Nếu như thật sự việc tốt của người ta mà bạn có thể ngăn cản, quấy nhiễu được thì định luật nhân quả bị lật đổ rồi. Nói cách khác, [nếu] bạn không ngăn cản họ thì sự việc đó họ làm cũng không thành công, tại sao vậy? Vì họ không có cái mạng đó: “trong mạng có thì tự nhiên có, trong mạng không có thì chớ cưỡng cầu”. Mọi thứ bạn có mà bị người khác phá hoại thì đó không phải là của bạn, điều này nhất định phải hiểu. Khi trong số mạng của bạn có thì bất kỳ người nào cũng không thể phá hoại được, bất kỳ ai cũng không thể chiếm đoạt; phàm hễ bị người khác phá hoại, bị người khác chiếm đoạt là do trong số mạng của bạn không có, định luật nhân quả này mới gọi là viên mãn. Tiên sinh Liễu Phàm hiểu rõ đạo lý này.

Cổ nhân nói: “Quân tử vui mà làm quân tử, tiểu nhân oan uổng vẫn phải làm tiểu nhân”. Tiểu nhân hằng ngày luôn tật đố, chướng ngại, vu oan, nhưng có phá hoại được người khác hay không? Không, chỉ tổn đức của mình, tổn phước của mình, cái tổn hại này lớn lắm. Cho nên Phật thường nói với chúng ta, thành tựu cho người tức là thành tựu cho chính mình, phá hoại người tức là tổn hại mình, tổn phước của mình, tổn thọ của mình, bạn thấy có oan uổng hay không? Cái đạo lý này rất sâu, nhất định phải hiểu cho thấu triệt, dứt khoát không làm cái việc khờ dại này. Cái công đức, phước báo của tùy hỷ cũng lớn bằng người thành tựu kia. Người này làm việc tốt vì xã hội, vì quốc gia, vì chúng sanh, chúng ta không đố kỵ, quyết định không làm chướng ngại, chúng ta còn có thể tùy hỷ, tùy hỷ là gì? Là hết lòng hết sức giúp đỡ họ, xúc tiến cho họ thành công thì cái công đức này lớn bằng với công đức của họ. Có phải là chúng ta đã chiếm lấy một phần công đức kia của họ không? Không phải, họ giống như một ngọn nến được thắp lên, ngọn nến của chúng ta cũng được thắp lên nhờ vào ánh sáng của họ, đây gọi là tùy hỷ. Ánh sáng của họ chẳng hề mất đi tí nào cả, ánh sáng của ta cũng lớn bằng họ. Tùy hỷ công đức không thể nghĩ bàn, ở đây, hà tất phải tổn phước của mình chứ? Việc gì phải làm cái việc khờ dại này chứ? Nếu như chúng ta không có sức, không có tiền của giúp đỡ người khác nhưng trong lòng vui vẻ tán thán, tán dương thiện tâm thiện hạnh, việc tốt của họ thì công đức cũng lớn bằng nhau, cái đạo lý này không thể không hiểu rõ.

/ 2