/ 3
52

LƯỢC GIẢNG ĐẠI NGUYỆN DI ĐÀ

NIỆM PHẬT VÃNG SANH

TÔI CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC HAY KHÔNG?

(Giảng lần thứ 2)

TẬP 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng

Giảng tại: Viện Hán Học Minh Luân Đường Malaysia

Thời gian: 18/02/2018

Dịch giả: Thích Thiện Trang

Biên tập: Thích Thiện Luận

(AMTB: 02-046-0003)


Kính chào chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu. Hôm nay chúng ta tiếp tục thảo luận vấn đề: Niệm Phật vãng sanh tôi có thể làm được hay không?

Chúng tôi mong rằng từng vị đồng tu, mỗi người đều làm được vãng sanh. Bởi vì Bổn nguyện của A Di Đà Phật là hy vọng phổ độ chúng sanh của khắp thập pháp giới biến pháp giới hư không giới. Từ chúng sanh ở pháp giới cao nhất trong mười pháp giới là pháp giới Phật, cho đến chúng sanh ở pháp giới thấp nhất là địa ngục. A Di Đà Phật đều hy vọng độ họ đến Thế Giới Cực Lạc thành Phật. Nên nếu nguyện của chúng ta với nguyện của Phật giống nhau, không chống trái, thì quyết định chúng ta có thể làm được, không còn ưu tư, lo lắng nghi ngờ gì nữa, nhất định làm được rồi. Hôm nay thảo luận chữ cuối cùng là hạnh. Ba điều: tín, nguyện, hạnh này, thật quá quan trọng rồi! Ba chữ này là tổng nguyên tắc, tổng cương lĩnh phổ độ chúng sanh của tất cả chư Phật xuất hiện ở thế gian, không có một tôn Phật nào là ngoại lệ, nên chúng ta cần chú ý đến điều này. Chúng ta có duyên với Phật, tâm chúng ta chân thành, nguyện tha thiết, suốt cả ngày trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật, đó là quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

Hôm nay chúng ta thảo luận đến việc này, 第十八、十念必生願 “Đệ thập bát, thập niệm tất sanh nguyện” (Nguyện thứ mười tám: mười niệm tất vãng sanh), đây là nguyện thứ 18 trong 48 nguyện, tiếp theo là văn của nguyện: 我作佛時。十方眾生。聞我名號。至心信樂。所有善根。心心回向。願生我國。乃至十念。若不生者。不取正覺。唯除五逆。誹謗正法。 “Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả, bất thủ Chánh-giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp” (Khi tôi thành Phật, mười phương chúng sanh nghe danh hiệu tôi, chí tâm tin ưa, có bao nhiêu thiện căn đều tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh nước tôi, dù chỉ mười niệm, nếu không được sanh thì tôi chẳng lấy Chánh-giác, chỉ trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp). Phần văn chữ của nguyện này ngắn gọn, có thể nói là mũi nhọn, là đỉnh cao nhất của Phật pháp, giáo pháp của tất cả mười phương ba đời chư Phật Như Lai đều không thể vượt qua. Có người hỏi tôi: thế nào là Phật pháp? Tôi bèn dùng mấy câu này để nói cho họ nghe, thì một chút cũng không sai. Câu quan trọng nhất là mười niệm tất vãng sanh. Tôi cần niệm bao nhiêu Phật hiệu thì mới có thể vãng sanh? Đương nhiên là niệm càng nhiều thì càng lợi ích, niệm càng nhiều càng tốt, tối thiểu là một câu. Mười niệm tất vãng sanh thì ít nhất là bốn chữ A Di Đà Phật, tối thiểu là một câu như vậy, hoặc là Nam Mô A Di Đà Phật đều được. Mười tiếng Phật hiệu thì quyết định được vãng sanh, một chút hoài nghi đều không có, đi đến đâu để tìm được như vậy!

Cần ghi nhớ cổ Đại đức Tịnh-tông Nhật Bản, đem tất cả kinh của Thích Ca Mâu Ni Phật đã thuyết trong 49 năm ra so sánh, 餘經 “dư kinh” (chữ dư kinh), tức chỉ cho tất cả các kinh đã thuyết trong 49 năm, thì trong các kinh ấy chỉ duy nhất Kinh Hoa Nghiêm là chân thật đầy đủ. Quý vị nói bộ kinh nào quan trọng nhất? Kinh Hoa Nghiêm là quan trọng nhất, vì Kinh Hoa Nghiêm là tổng cương lĩnh của Phật pháp, tất cả Phật pháp đều không rời Kinh Hoa Nghiêm. Nếu đem Kinh Hoa Nghiêm so sánh với Kinh Vô Lượng Thọ, thì Kinh Vô Lượng Thọ này là chân thật, đem Kinh Hoa Nghiêm để thấp hơn, 又本經諸大願與此願相較 “hựu bổn kinh chư đại nguyện dữ thử nguyên tương giảo” (lại đem các đại nguyện trong kinh này so sánh), thì nguyện thứ 18 này là chân thật, là chân thật trong chân thật.

Lại tiếp tục xem, 至心 “chí tâm” (chí tâm), liên quan đến việc vãng sanh được hay không then chốt là tại chỗ này. Điều này không ở trên thân của người khác, mà do ở chính mình. Thế nào là chí tâm? 至誠之心也,至極之心也 “chí thành chi tâm dã, chí cực chi tâm dã” (là tâm chí thành, tâm đến tột cùng vậy). Chúng ta đổi cách nói để mọi người dễ dàng hiểu rõ: tức là tâm chân thành, chân thật đến tột cùng. Cho nên tôi thường thường xuyên khuyến khích đồng học, nhưng trên thực tế đó cũng là khuyến khích chính mình, từ sáng đến tối xử việc đối người tiếp vật, đã học Phật rồi, học Phật cùng với mọi người ở những nơi khác nhau thì thế nào? Dùng tâm khác nhau. Từ sáng đến tối chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, dùng tâm như thế nào? Dùng tâm chân thành. Thế nào là tâm chân thành? Không có vọng tâm tức là tâm chân thành. Vọng tâm là sao? Tham sân si mạn nghi là vọng tâm. Đem năm loại vọng tâm đó xoay trở lại, triệt để buông xuống tham sân si mạn nghi, trong mọi lúc mọi nơi, không kể là ngày hay đêm, đều không được để cho 5 loại tâm đó khởi lên. Đây là bí quyết của vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc. Cần dùng phương pháp nào? Là niệm A Di Đà Phật để trừ đi vọng niệm. Khi tham sân si mạn nghi khởi lên, thì niệm A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, hoặc Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật đều được. Niệm sáu chữ hay bốn chữ đều được, nhanh chóng đem vọng niệm thay đổi đi, càng nhanh càng tốt. Tôi nói với chư vị đồng học: như vậy là chân tu hành. Đem vọng tâm sửa đổi thành chân tâm, chân tâm tức là A Di Đà Phật, nếu chúng ta rời khỏi A Di Đà Phật thì đều là vọng tâm, thì tìm chân tâm cũng không tìm được. Ở đây không cần nói lời khách sáo, vì tôi có bổn phận: phải nói thật không nói lời giả. Bổn phận thật sự của chúng ta, là dùng một câu A Di Đà Phật, làm thay thế cho tham sân si mạn nghi, dùng một câu A Di Đà Phật, để thay thế tất cả tạp niệm, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, như vậy là làm được tốt rồi. Nên Cổ Đại đức dạy chúng ta, 不怕念起,只怕覺遲 “bất phạ niệm khởi, chỉ phạ giác trì” (không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm). Vì sao không sợ niệm khởi? Vì niệm khởi là tập khí, là căn bệnh, được nuôi lớn từ vô thỉ kiếp đến nay, thì làm sao mà có thể đoạn trừ đơn giản vậy được? Cổ Đại đức hiểu rõ tình trạng sự thật này, nên quý ngài nói với chúng ta, có ý nghĩ, vọng niệm khởi lên cũng không sợ, không sao, biết đó là vọng niệm, thì chuyển qua ‘A Di Đà Phật’. Cần phải chuyển cho nhanh, chuyển được chính xác. Như vậy gọi là chí tâm tột cùng, chân thành đến tột cùng.

/ 3