Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Thứ năm, ngày 04/08/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 966
“LÀM THẾ NÀO GÌN GIỮ TÍN DỤNG CỦA CHÍNH MÌNH”
“Tín dụng của chính mình” chính là chữ tín của chúng ta. Lời nói của chúng ta phải đi đôi với việc làm. Nếu chúng ta nói và làm không bất nhất, trái nghịch nhau thì chúng ta sẽ làm người khác mất niềm tin. Chúng ta chân thật học đạo Thánh Hiền, học Phật pháp thì chúng ta sẽ nhận ra ai là người thật tu, thật làm. Chúng ta phải cẩn trọng! Chúng ta ở trong một đoàn thể, lời nói việc làm của chúng ta bất nhất sẽ làm cho người khác cảm thấy nghi ngờ, bất phục và họ sẽ rời đi.
Bài học hôm nay Hòa Thượng nhắc chúng ta phải: “Giữ gìn tín dụng”. Hòa Thượng nói: “Chúng ta bảo người ta bố thí, chúng ta bảo người ta phải sống vị tha nhưng mình thì sống ích kỷ, mình thì vô càng nhiều càng tốt. Làm gì có đạo lý đó!”. Nếu chúng ta làm như vậy thì chúng ta đang diễn kịch chỉ cần người có tâm bình lặng một chút thì họ sẽ nhận ra.
Hòa Thượng nói: “Phật dạy nguyên tắc trọng yếu để gìn giữ được tín dụng của chính mình đó chính là thành thật. “Thành thật” chính là không vọng ngữ. Lời nói của chúng ta phải có mực thước, khi nói chúng ta phải để tâm đến hoàn cảnh xung quanh để người nghe không sinh ra tâm ngờ vực”. Lời nói của chúng ta vào ngày hôm nay và lời nói của chúng ta vào 10 năm, 20 năm và suốt cuộc đời phải như nhau. Cả cuộc đời của Hòa Thượng, Ngài nói và làm khế hợp. Ngài nói và làm như nhất nên tạo được niềm tin với mọi người.
Hòa Thượng nói: “Trong xã hội hiện tại, vọng ngữ đã trở thành thói quen. Chúng ta cho rằng chúng ta phải dùng vọng ngữ để bảo hộ quyền lợi của mình. Chúng ta dùng vọng ngữ để người khác nghe theo lời của mình. Nhưng chúng ta không biết rằng những quyền lợi chúng ta có được do vọng ngữ sẽ mang lại những tổn thất vô cùng to lớn”. Khi chúng ta vọng ngữ, chúng ta đã dần đánh mất đi tín dụng của chính mình vì người khác không còn tin tưởng vào chúng ta. Có những người họ giả vờ tin chúng ta nhưng khi họ cảm thấy không cần thiết phải giả vờ tin nữa thì họ bỏ đi.
Người xưa dạy: “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thọ”. Người không có đạo nghĩa thì chúng ta không kết giao. Vật phi nghĩa thì chúng ta không lấy. “Vật phi nghĩa” là vật có được do chúng ta làm việc trái pháp luật, trái luân thường đạo đức.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta vọng ngữ mà có thể gạt được hết tất cả người sống trên địa cầu thì chúng ta vẫn không tránh khỏi sinh tử luân hồi. Bởi vì chúng ta vọng ngữ thì chúng ta không thể siêu việt tam giới, vãng sanh Tịnh Độ. Chúng ta đã bỏ qua cơ hội vãng sanh rồi! Tổn thất này vô cùng to lớn!”. Đối với người học Phật, học đạo Thánh Hiền thì đây là tổn thất quá lớn. Người thế gian, họ không cho rằng đó là tổn thất. Họ chỉ cần có lợi, có tiền để hưởng thụ. Tiền có được từ nơi phi nghĩa thì cũng đi vào những nơi phi nghĩa. Có một người lái xe thuê cho người khác, anh ta mang xe đến cửa hàng bán bộ mâm vỏ của chủ xe. Tiền có được do hành động bất chính này, anh ta cũng mang đi ăn nhậu hết.
Hòa Thượng nói: “Phần đông con người không hiểu rõ được chân tướng sự thật này nên họ luôn tùy thuận theo tập khí xấu ác của chính mình. Người hiện tại thích nói vọng ngữ cũng không thể trách họ. Họ là những “kẻ đáng thương” mà trên Kinh Phật thường nói. Trên “Kinh Vô Lượng Thọ” nói rất hay: “Tiên nhân bất thiện, bất thức đạo đức, vô hữu ngữ giả, thù vô quái dã”. Người trước bất thiện, không biết tu tích đạo đức thì không thể trách người sau. Chúng ta không trách họ nhưng họ vẫn phải nhận quả báo. Họ chính mình tạo những nghiệp nhân này thì họ phải nhận lấy quả báo. Nhân duyên quả báo không ai có thể thay đổi được. Chúng ta không thể không cẩn trọng!”.
Hàng ngày, chúng ta tùy tiện theo những tập khí phiền não của chính mình là “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”. Chúng ta khởi tâm động niệm đều “tự tư tự lợi” nên chúng ta nói lời không thật. Chúng ta muốn được lợi cho mình nên chúng ta nói lời không thật. Nếu chúng ta vì người khác thì chúng ta không phải nói lời lừa dối.