Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba ngày 19/04/2022.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 859
NHẤT ĐỊNH SẼ KHÔNG KẾT OÁN THÙ VỚI NGƯỜI KHÁC”
“Người chân thật giác ngộ nhất định sẽ không kết oán thù với người khác”, tên đề tài cũng làm chúng ta phải suy ngẫm. Người thế gian rất tùy tiện kết oán thù với người khác vì “danh vọng lợi dưỡng”, vì “tự tư tự lợi”, vì “tham sân si mạn”. Chúng ta quán chiếu lại trong cuộc sống thường ngày của chúng ta sẽ thấy con bạc đãi Cha, học trò phản nghịch với Thầy, bạn bè phản nghịch với nhau, người ta vì tư lợi mà sẵn sàng kết oán thù với người cho dù đó là người có ân với mình. Chúng ta sẵn sàng kết oán thù với người mà cả đời chúng ta phải mang ơn đội đức, vậy thì làm sao mà chúng ta không gặp oán thù! Những oán thù đó không phải là do người mà chúng ta đã kết oán thù tạo ra mà do chính cái nhân chúng ta đã tạo trong nhiều đời nhiều kiếp, hiện tại chúng ta tạo “duyên” tiếp nối với “nhân” quá khứ để hình thành “quả” ở hiện tại.
Hòa Thượng nói: “Người chân chính giác ngộ nhất định sẽ không kết oán thù với người. Người giác ngộ giả hoặc người không có giác ngộ mới đi kết oán thù với người”. Đừng tưởng chúng ta làm việc tốt mà không bị thế gian ganh ghét, chính bản thân chúng ta khi nhìn thấy người khác làm việc tốt chúng ta cũng ganh ghét. Người xưa hay tìm một nơi tịnh tĩnh để ẩn mình. Những người có công phu tu hành mà còn muốn tìm nơi tịnh tĩnh để ẩn mình huống chi chúng ta là người không có công phu! Những việc đó càng làm chúng ta mất đi tâm thanh tịnh, thế gian gọi là “yếu còn ra gió”. Trong Phật pháp, nếu chúng ta chưa có công phu, công phu chưa tới thì khi gặp “tài, sắc, danh, thực, thùy”, chúng ta đều bị dính mắc tất cả, không thiếu thứ gì, giống như Hòa Thượng nói, gặp danh dính danh, gặp lợi dính lợi, gặp ăn dính ăn, gặp ngủ dính ngủ.
Trong “Kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao” khai thị rất hay: “Người học Phật bố thí pháp đúng nhất chính là dĩ thân tác tắc”. Chính mình phải làm gương, chính mình y giáo phụng hành, y theo lời giáo huấn của Phật. Chúng ta tận tâm tận lực với chúng sanh nhưng phải xem mình đang tận tâm tận lực vì chúng sanh hay vì bản ngã của chính mình. Nhiều năm về trước tôi cũng đã nói: “Sau này ai mời tôi đi nước ngoài thì tôi không đi nữa!”. Tôi thấy việc này khiến mình bao chao, xao động, mình không chuyển được người ta mà còn bị người ta chuyển mình. Nếu mình vẫn cưỡng cầu đi ra nước ngoài thì đó là vì danh vì lợi.
Có một điều rất cảm động! Khi Hòa Thượng Tịnh Không sắp vãng sanh, các đồng tu nhắc nhau phải y giáo phụng hành, phải cố gắng tu hành thì Hòa Thượng sẽ ở lại, đã mấy lần như vậy. Chúng ta không phải van xin Ngài ở lại, không cầu Phật để Ngài ở lại mà chúng ta phản tỉnh xem sự tu học, sự cầu học của mình có nâng cao không, có tha thiết không. Đó là cách chúng ta “thỉnh Phật trụ thế”, “thỉnh chuyển pháp luân”!
Khi tôi nghe nói đến việc những nơi nào đó đang xây trường to hoặc đang mua trường mới, tôi không động tâm. Nhưng nơi nào có một vài người nói “lâu rồi không được trực tiếp nghe Thầy nói chuyện, chúng con rất muốn nghe Thầy nói chuyện!” thì tôi động tâm. Đó chính là tâm cần cầu Phật pháp, tâm cần cầu đối với chúng sanh.
Người học Phật phải làm ra tấm gương chuẩn mực của người tu hành để người chưa tu hành hoặc người mới tu hành nhìn vào thì nhận được sự khai thị, sự động viên một cách hết sức thiết thực. Như vậy người học Phật chúng ta mới làm đúng với tư cách, vai trò của mình. Chúng ta thấy sự giáo huấn của Phật rất đơn giản, không phức tạp, không khó khăn như mọi người nói. Trong Kinh Phật nói người tu hành phải “dĩ thân tác tắc”, y giáo phụng hành, phải chính mình làm gương, làm tấm gương cho tất cả chúng sanh noi theo. Đây chính là mục đích của tu hành. “Tự hành” là chính mình làm gương, chính mình hoàn thiện chính mình. Chúng ta “y giáo phụng hành”, làm ra tấm gương cho tất cả chúng sanh học tập, đây chính là “hóa tha”. “Tự hành hóa tha” đầy đủ viên mãn thì là Bồ Tát, là Phật.