206Thứ Bảy, 16/04/2022, 19:32
856 · Dịch Bệnh Tràn Lan Người Kém Khuyết Tâm Từ Bi Phải Nên Chú Ý

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy ngày 16/04/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 856

“DỊCH BỆNH TRÀN LAN, NGƯỜI KÉM KHUYẾT TÂM TỪ BI PHẢI NÊN CHÚ Ý!”

Trong bài học này, Hòa Thượng nhắc lại về dịch bệnh. Chúng ta phải nhớ rằng Hòa Thượng giảng bài này cách đây gần 40 năm. Hòa Thượng nói: “Dịch bệnh triền miên là do con người kém khuyết tâm từ bi. Phải nên đặc biệt chú ý!”. Thật vậy! Tâm từ bi của con người ngày một ít đi, người không còn yêu thương động vật, ngay đến con người với con người còn không biết yêu thương nhau. Chúng ta sống trong cộng đồng xã hội loài người thì không biết trân trọng, không biết quý tiếc điều này, nhưng những người bị lạc khi được trở về thế giới loài người thì rất vui mừng. Chúng ta thử sống trên hoang đảo một tháng, khi trở về chúng ta sẽ rất quý tiếc tình đồng loại.

Hòa Thượng nói: “Dịch bệnh triền miên là vì con người kém khuyết đi tâm từ bi”. Đây là sự nhắc thức cho chúng ta. Chúng ta đừng tưởng người tu hành nào cũng có tâm từ bi, có những người tu hành học Phật nhưng không có tâm từ bi. Người tu hành học Phật mà không có tâm từ bi thì họ không tu Phật đạo, không tu Thiên Đạo, cũng không tu Nhân Đạo mà tu Địa Ngục Đạo, Ngạ Quỷ Đạo, Súc Sanh Đạo. Nếu chúng ta nhắc thức thì họ sẽ rất không vui, rất phiền não. Lời tựa của bài học này đã khiến chúng ta có nhiều cảm xúc.

Con người kém khuyết đi tâm từ bi nên không có tâm đồng cảm, không cảm nhận được nỗi khổ của chúng sanh. Thí dụ khi ăn chúng ta có nghĩ đến bao nhiêu chúng sanh không được ăn hay không? Hay chúng ta cứ ăn một cách no nê, thừa mứa, không nghĩ đến chúng sanh ở cõi Ngạ Quỷ đang đói khát vô cùng tận. Chúng sinh ở cõi Ngạ Quỷ có thân hình rất to, đầu như cái trống nhưng cổ thì nhỏ như cái kim. Tại vì họ quá bỏn xẻn nên họ phải sinh vào cõi Ngạ Quỷ. Khi họ nghe đến thức ăn, họ thấy người ăn thì họ mong tìm được thức ăn, nhưng vừa ngước cổ lên tìm thức ăn thì gẫy cổ vì cổ quá nhỏ.

Cho nên trong Thiền môn nhà Phật, đặc biệt vào buổi chiều, Quý Sư Thầy, Quý Sư Cô không ăn chiều, vừa để tịnh hóa thân tâm, vừa tu tâm từ bi, không nỡ va chạm chén bát vì chúng sinh ngạ quỷ nghe được thì họ sẽ chết. Trong khi đó, chúng ta ăn chiều rất hả hê rồi rửa chén bát khua động, va chạm mạnh tạo thành những tiếng động rất lớn. Các chùa rất hạn chế ăn chiều. Ăn chiều gọi là ăn phi thời. Cho nên chúng ta phải dùng tâm hổ thẹn mà ăn, ăn cũng hết sức nhẹ nhàng, không khua động xoong nồi, chén bát. Đây là lòng từ, là từ tâm. Nhiều người lâu lâu mang ít tiền đi phóng sanh, mang ít tiền đi cho ai đó thì tưởng là mình đã có tâm từ bi rồi.

Hòa Thượng nhắc: “Bệnh khổ, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, tất cả kiếp nạn của thế gian đều do lòng người chiêu cảm, nhất là do con người không trưởng dưỡng, không nuôi lớn tâm từ bi, khiến tâm từ bi càng lúc càng nhỏ dần. Mọi người phải nên chú ý xem tâm từ bi của mình có đang được nuôi lớn không, hay chúng ta đã quên mấ tâm từ bi”. Có những người cũng làm ra những động tác giống như có tâm từ bi nhưng đó chỉ là làm ra vẻ, chỉ làm cho dễ coi chứ không làm bằng tâm chân thật.

Hòa Thượng nói: “Xã hội ngày nay tai nạn triền miên, nhất là ôn dịch, dịch bệnh gọi là “cảm mạo mới”, rất nghiêm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới đã phát ra thông cáo là bệnh độc này không có vắc-xin để điều trị, họ rất sợ dịch bệnh sẽ diễn biến thành đại dịch. Hi vọng mọi người đề phòng cẩn trọng”. Gần 40 năm trước, Tổ chức Y tế Thế giới đã nhắc nhở chúng ta về dịch bệnh. Khoảng 2 năm trở lại đây, thế giới đã phải trải qua trận đại dịch nặng nề.

Hòa Thượng nói: “Phương pháp tốt nhất để người học Phật chế ngự bệnh độc chính là niệm Phật. Chúng ta đối với Phật có tín tâm, có lòng tin đối với Phật, phải đoạn tất cả ác, phải tu tất cả thiện, giữ tâm mình thanh tịnh thì sẽ không bị cảm nhiễm. Cho dù có bị cảm nhiễm nhưng chúng ta cũng không một chút lo sợ. Ta cứ niệm “A Di Đà Phật”, nghỉ ngơi 2 - 3 ngày sẽ hết bệnh, không cần lo sợ!”.

Hòa Thượng dạy điều này cách đây gần 40 năm, bây giờ chúng ta mới được học nhưng cũng vẫn chưa muộn. Giá như chúng ta được học sớm hơn 3 - 5 năm thì chúng ta sẽ có tâm thái chuẩn bị tốt hơn. Cách đây gần 40 năm, Hòa Thượng đã nhắc nhở đồng tu nhưng có lẽ lúc đó đồng không có cảm xúc sâu sắc, cũng chưa cảm thấy nghiêm trọng. Nếu lúc đó người nghe được mà có tâm cảnh cảnh giác, người học Phật nâng cao tâm từ bi, mở rộng tâm yêu thương để đồng cảm với mọi chúng sanh, đồng cảm với mọi sự đau khổ, khó khăn của người khác thì chắc chắn mọi đại nạn cũng sẽ giảm bớt và bị đẩy lùi.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook