138Thứ Hai, 11/04/2022, 17:42
851 · Người Chân Thật Học Phật Ác Báo Đến Họ Không Sợ

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai ngày 11/04/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 851

NGƯỜI CHÂN THẬT HỌC PHẬT, ÁC BÁO ĐẾN HỌ KHÔNG SỢ”

Người chân thật học Phật khi ác báo đến, họ cũng không sợ. Có rất nhiều đồng tu học Phật pháp khi ác báo đến thì cuống cuồng chạy đi cầu thần, cầu quỷ vì họ nghĩ rằng Phật không còn linh, họ tưởng quỷ thần có thể giúp được họ nhưng làm sao mà giúp được. Sinh – Lão – Bệnh – Tử là định luật. Nghiệp báo của mỗi chúng sanh gọi là “biệt nghiệp”. Tạo nhân thì phải gặp quả chứ không thể có việc đã tạo nhân rồi mà không nhận quả. Người chân thật học Phật biết được rằng: Nghiệp quả đã tạo thì nhất định phải nhận lấy kết quả, ác nhân đã tạo thì nhất định sẽ phải nhận lấy quả ác, không thể nào tránh được.

Nhà Phật có câu: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ Tát rất sợ khi tạo nhân, rất dè dặt, chặt chẽ khi tạo nhân. Chúng sanh thì tùy tiện tạo nhân, khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật đều túng tình, tùy tiện theo tập khí của chính mình. Lúc tạo nhân thì họ bị tập khí sai khiến nên không biết sợ, nhưng khi gặp quả thì họ kêu than, đi cầu thần, cầu quỷ. Chúng ta thử quán sát xem: Trong quá khứ ta đã từng như vậy không? Trong hiện tại ta có đang như vậy không? Không khéo thì trong tương lai ta vẫn sẽ như vậy. Chúng ta phải cẩn thận! Đôi khi không phải là chính mình chủ động mà chúng ta bị số đông tác động. Khi đó hai - ba người, năm - bảy người xung quanh, vì nhiều người nói quá nên chúng ta tin theo họ, chúng ta bị sai sự bởi người khác nên không thể tự chủ được.

Hòa Thượng từng nhắc nhở: “Trong mỗi chúng ta có 99,9% có nguy cơ rơi vào tà kiến”. Chúng ta nghĩ rằng trước đây và hiện tại, chúng ta không rơi vào tà kiến nhưng tương lai, khi có nhiều tác động từ bên ngoài thì chúng ta có thể rơi vào tà kiến. Số lượng người học Phật rất đông, đi đâu chúng ta cũng thấy có Phật tử nhưng người chân thật học Phật, chân thật làm theo lời giáo huấn của Phật thì rất ít. Người làm theo giáo huấn của Phật thì có nhưng lại làm sai cho nên kết quả hoàn toàn trái ngược. Mỗi chúng ta phải phản tỉnh, ngày ngày phản tỉnh, giờ giờ phản tỉnh! Hòa Thượng nói: “Phản tỉnh rồi lại phản tỉnh!”. Chúng ta phản tỉnh đến mức độ cao như vậy mà vẫn sai phạm, nếu chúng ta không phản tỉnh thì sai phạm sẽ nhiều gấp bao nhiêu lần!

Hòa Thượng nói: “Học Phật đơn giản là học giác ngộ”, có nghĩa từng ngày, từng giờ, từng phút, chúng ta phải phản tỉnh. Người thường hằng phản tỉnh sẽ quán chiếu được, nhìn thấu được những lẽ đương nhiên. Lẽ đương nhiên là đã tạo nhân rồi chắc chắn phải nhận quả! Có rất nhiều người đã tạo nhân rồi nhưng lại muốn trốn tránh, không muốn nhận quả. Họ tạo nhân rồi mới biết sợ, chạy đi cầu Phật Bồ Tát để xin xỏ, nịnh hót, hối lộ Phật Bồ Tát để cầu tai qua nạn khỏi. Đó là người còn tin Phật nhiều, nhưng đa phần mọi người chạy đi hối lộ, cầu quỷ thần. Cho nên trong bài học hôm nay, Hòa Thượng dạy: “Người chân thật học Phật, ác báo đến họ không sợ”. Nghịch đến thì thuận nhận! Dù hoàn cảnh trái ngược nhưng ta biết được rằng đó là quả báo mà ta phải nhận, do quá khứ, do trước đây ta không khéo tạo nhân thì giờ phút này ta phải nhận lấy quả báo này, không thể tránh được. Nếu ta biết được thì ta càng phải tích cực xả mình vì người, hi sinh phụng hiến, tích cực tích công bồi đức thì may ra ác báo đó sẽ nhẹ đi. Chúng ta không nên có thái độ khiếp sợ, có thái độ đi cầu thần, nịnh quỷ.

Hòa Thượng nói: “Trên Kinh Phật thường nói: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Khi chúng sanh gặp quả báo đến rồi thì khiếp sợ. Bồ Tát khi gặp quả báo đến thì không hề khiếp sợ vì họ biết được rằng sợ cũng không ích gì, sợ sẽ làm cho mọi việc trầm trọng hơn vì lúc sợ thì ai bảo gì chúng ta cũng làm theo, ai dạy gì chúng ta cũng nghe theo. Người thế gian đa phần dạy chúng ta những điều không tương ưng với giáo huấn của Phật Bồ Tát. Nếu chúng ta càng sợ thì lại càng sai phạm, mà càng sai phạm thì nghiệp nhân quả báo sẽ càng nghiêm trọng”. Cho nên mỗi chúng ta đều phải hết sức định tĩnh! Khi nghịch đến thì phải có tâm thuận nhận và sáng suốt làm những việc cần làm.

Hòa Thượng nói trong bài học trước: “Khi vận khí xấu có nghĩa là khuyết đức, vậy thì chúng ta phải tích cực tích công bồi đức, làm nhiều những việc tốt đẹp, làm nhiều những việc lợi ích tha nhân. Vậy thì chỗ tổn giảm, kém khuyết của chúng ta sẽ được bù đắp”. Nếu chúng ta nghe theo những lời dạy của thế gian thì đa phần sẽ tạo thêm nghiệp, làm những việc sai trái, vậy thì đức đã khuyết lại càng thêm khuyết, khiến cho sự việc càng nghiêm trọng hơn!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook