Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h55’ sáng thứ Năm ngày 04/11/2021.
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 694
TÀ SƯ QUÁ NHIỀU, ĐI ĐÂU CŨNG GẶP
TÀ SƯ:
⮚ “Tà sư” không phải là một vị Thầy nào đó. “Sư” là Thầy dẫn dắt, dẫn đạo. Nếu Thầy dẫn đạo sai thì đó là “tà sư”.
⮚ Trên mạng internet tràn lan những hình ảnh, những nội dung dẫn đạo sai lầm, những video clip quảng cáo bán hàng hỗn tạp. Đó là “tà sư”.
⮚ “Tà sư” dẫn đạo chúng ta thỏa mãn dục vọng của chính mình. Những thứ cám dỗ chúng ta, làm chúng ta tăng trưởng tập khí xấu ác, tăng trưởng tà tri tà kiến, tăng trưởng tự tư tự lợi, tăng trưởng năm dục sáu trần chính là “tà sư”.
⮚ Hiểu sâu hơn một tầng nữa, “tà sư” dạy chúng ta rời xa tự tánh thanh tịnh của mình, khiến chúng ta ngày càng gần sự ô nhiễm, ngày càng phiền não. Làm thế nào để phân biệt chánh đạo và tà đạo? Tự tánh của chúng ta vốn dĩ thuần tịnh thuần thiện. Tà sư, tà đạo khiến chúng ta ngày càng phiền não.
⮚ Bất cứ cái gì dẫn đạo chúng ta sai lầm, bất cứ ai dạy bảo chúng ta làm trái ngược với tự tánh, thỏa mãn dục vọng của chúng ta thì đều là “tà sư”.
⮚ Tà sư là gì? Tư tưởng của họ là tà tri tà kiến. Lời nói của họ là hoa ngôn xảo ngữ. Họ dẫn dắt bạn đi sai đường. Mục tiêu của họ là dẫn bạn đi đến ba đường ác.
Mục tiêu cuối cùng của người học Phật chính là giải thoát. Tất cả các thứ khác chỉ là phương tiện để độ sanh cho nên chúng ta không cần phiền não vì nó. Đủ duyên thì làm, không đủ duyên thì không làm. Ra khỏi sanh tử, vượt thoát luân hồi mới là mục tiêu của người học Phật. Chúng ta làm giáo dục chính là phát tâm Bồ Đề, làm lợi ích chúng sanh, giúp cho cuộc đời tu hành của chúng ta có cái để trả những món nợ nhiều đời, nhiều kiếp mà chúng ta đã gây ra cho chúng sanh. Nếu tôi không tích cực làm trong nhiều năm qua thì oan gia đã lấy mạng của tôi rồi. Tôi quán chiếu lại cuộc đời hiện tại này thì thấy mình đã sai lầm và gây thù chuốc oán với 2 người. Chúng ta đã tạo ra không biết bao nhiêu nhân quả trong những kiếp quá khứ. Chúng ta tích cực tích công bồi đức để có cái hồi hướng cho họ. Chúng ta chân thật tích công bồi đức thì oan gia trái chủ không đến làm phiền, không chướng ngại chúng ta vì họ biết chúng ta đang mang lại lợi ích cho chúng sanh. Nếu họ hại chúng ta thì họ không gánh nổi nhân quả. Họ giúp chúng ta giải thoát thì họ cũng có phần được giải thoát, cho nên họ mới không gây chướng ngại.
Hòa Thượng dạy rất tuyệt vời: “Nhân quá khứ đã tạo rồi thì quả tương lai chắc chắn có. Cuộc đời này của chúng ta là duyên. Chúng ta phải cắt đứt duyên ác. Ngay cuộc sống này, chúng ta phải toàn tâm toàn ý đoạn ác tu thiện, chỉ làm việc thiện, không làm việc ác”.
Nhân + Duyên = Quả. Nhân ác gặp duyên ác sẽ kết thành quả ác. Hạt giống để trong chiếc ly này thì mãi mãi không thể nảy mầm, sinh trưởng. Hạt giống gặp đất, nước, gió, ánh sáng thì sẽ phát triển thành cây. Một hạt giống nhỏ sau 20 năm có thể trở thành một cái cây to lớn.
Hòa Thượng nói: “Đại đạo của Phật Bồ Tát là “chỉ ư chí thiện”. Tiểu đạo của yêu ma quỷ quái là tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn”.
Tích cực làm việc thiện để tích công bồi đức không phải là việc chính. Việc chính là vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Nhưng chúng ta không phải vì vãng sanh thành Phật mà quên đi “phát tâm Bồ Đề”. Chúng ta phải làm đến mức tốt nhất, đến mức tận thiện tận mỹ. Chúng ta phải biết phân biệt chính và phụ. Nếu không biết phân biệt chính và phụ thì sẽ bị đọa lạc. Đó chính là tà.
Tôi đã chia sẻ với mọi người chín chữ này: “TẬN TRÁCH NHIỆM, SỐNG CHÂN THÀNH, TÂM THANH TỊNH”. Tận trách nhiệm là Phật A Di Đà. Sống chân thành là Phật A Di Đà. Tâm thanh tịnh là Phật A Di Đà. Nếu chúng ta ngược lại, không tận trách nhiệm, không sống chân thành, tâm không thanh tịnh thì không tương ưng với Phật A Di Đà.
Phật A Di Đà tận trách nhiệm như thế nào? Khi Tỳ Kheo Pháp Tạng đến gặp Thế Tự Tại Vương Như Lai, Ngài phát nguyện rằng: “Con muốn thành lập một thế giới trang nghiêm để làm thánh địa tu hành cho tất cả chúng sinh mười phương pháp giới”. Sau khi phát nguyện với Đức Phật Thế Tự Tại Vương Như Lai, Ngài đã trải qua vô lượng kiếp tu hành và dùng công đức tu hành của mình để kết thành một Thế giới Tây Phương Cực Lạc trang nghiêm, thanh tịnh. Đó chính là Phật đã tận trách nhiệm đến cùng tột!