167Thứ Sáu, 05/11/2021, 17:48

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu ngày 05/11/2021.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 695

“CHÂN VỌNG KHÔNG BIẾT, THIỆN ÁC KHÔNG PHÂN”

Chân vọng không biết, thiện ác không phân” có nghĩa là chúng ta không phân biệt được rõ ràng chân và vọng, thiện và ác. Có khi chúng ta tưởng mình đang làm thiện nhưng lại là làm ác. Hòa Thượng nói: “Chúng sanh thời nay thích nghe gạt, không thích nghe khuyên”. Lời khuyên chân thành, chân thật thì họ không nghe, lời giả dối thì họ lại nghe. Đây là vấn nạn rất lớn đối với người học Phật thời hiện đại.

Trong điển tích xưa, có một vị đến nghe pháp nhưng làm gì cũng bị Hòa Thượng mắng, đến mức đuổi luôn, không cho nghe. Cuối cùng, vị đó phải tá túc ở miếu bên ngoài. Hàng ngày khi Hòa Thượng giảng thì vị đó núp ngoài cửa sổ để nghe. Tới ngày truyền pháp thì Hòa Thượng nói: “Bảo người đang ở ngoài cửa sổ vào đây!”. Hòa

Thượng đã truyền pháp cho chính người đó.

Chúng ta ngày nay chỉ bị mắng một chút đã thối tâm. Ngài Liên Trì đức cao trọng vọng, đã trải qua một chặng đường dài, cung kính ba bước lạy một lạy để bái kiến Ngài Biến Dung cầu Pháp. Mọi người tưởng Ngài Biến Dung sẽ ân cần dạy bảo, truyền trao Đại Pháp cho Ngài Liên Trì bởi vì Ngài quá thành khẩn. Ngài Biến Dung nói: “Này thanh niên kia, đời này kiếp này đừng để danh lợi hại chết!”. Ngài Liên Trì nghe lời dạy bảo thì như sét đánh ngang tai, chấn động tâm can. Những người khác thì cho rằng đây không phải là Đại Pháp mà chỉ là lời nói của ông già bà cả dành cho trẻ con.

Biết bao nhiêu người trong đời này đã bị danh lợi hại chết! Mỗi chúng ta cũng vậy, nếu không khéo thì chúng ta cũng bị danh lợi hại chết. Danh lợi làm cho chúng ta động tâm, khi động tâm thì không còn tâm thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh thì không tương ưng với cõi Tịnh. Chẳng phải là ta bị danh lợi hại chết hay sao! Thiện ác không biết, chân vọng không hay, cộng với tập khí nhiều đời nên chúng ta sống trong vọng chứ không phải là chân, sống trong ác chứ không phải là thiện.

Hòa Thượng nói: “Những năm gần đây, người gạt người rất nhiều. Người ta làm ra rất nhiều những trò yêu quái, thủ pháp xảo diệu cho nên nhiều người không phân biệt được. Phần nhiều những người sơ học không phân biệt được rõ ràng, không có cách gì tránh được. Trong xã hội hiện đại này, ác giống thiện, thiện giống ác. Thiện ác hỗn tạp, rất khó phân biệt. Nếu tâm bạn không thanh tịnh, bạn không có trí tuệ chân thật, không có sức định tương đối thì bạn không thể nhận ra được”. “Thủ pháp xảo diệu” là thủ pháp tinh xảo. “Sức định tương đối” phải là “bát phong xuy bất động” (tám gió thổi không động), đối mặt với tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, tham sân si mạn cũng không động tâm.

Chúng ta là sơ học, chưa có tâm thanh tịnh, chưa có trí tuệ chân thật, chưa có sức định tương đối thì chúng ta phải làm như thế nào? Bấy lâu nay tôi đã áp dụng: Mình không có trí tuệ thì mình lấy trí tuệ của Thầy, mình không có sức định thì lấy sức định của Thầy. Bao nhiêu năm qua tôi chỉ nghe một mình Hòa Thượng. Đành rằng có những lời dạy của Hòa Thượng cách chúng ta hơn 30 năm, nhưng chúng ta tưởng chừng đây là những bài học mà Ngài vừa nhắc ngày hôm qua.

Thích Ca Mâu Ni Phật nói: “Ta chỉ nói lại những gì mà bảy đời chư Phật đã nói”. Ngài nói rằng Ngài không sáng tác. Khổng Lão Phu Tử nói: “Thuật nhi bất tác”, ta chỉ thuật lại chứ không sáng tác.

Tổ Sư Đại Đức, Chư Phật Bồ Tát dạy chúng ta nhưng chúng ta không chịu nghe. Chúng sanh ngày nay “giỏi” hơn Phật, “giỏi” hơn Không Lão Phu Tử! Pháp của chư Phật Bồ Tát, lời dạy của Thánh Hiền lưu xuất ra từ tự tánh thanh tịnh của các Ngài. Phàm phu tội lỗi chúng ta đầy vọng tưởng mà tự sáng tác, còn dám nói vị Tổ Sư này sai, vị Đại Đức kia sai. Hòa Thượng nói: “Nghe mà lạnh toát cả người!”.

Chúng ta không có trí tuệ, không có tâm thanh tịnh, không có định lực thì chúng ta phải “y giáo phụng hành”, y theo lời dạy của Phật Bồ tát mà làm, không bao giờ xen tạp một chút phiền não vọng tưởng của mình vào. Cách đây 10 năm, tôi đã nghe Hòa Thượng nói: “Phải đưa giáo dục Phật Đà lên mạng viễn thông để phổ cập Phật pháp khắp mọi nơi”. Trong Zoom học buổi sáng của chúng ta có hơn 200 người tham gia, cả người ở trong nước và ngoài nước. Nếu di chuyển đến một nơi để cùng nhau học tập trực tiếp hàng ngày như vậy thì rất khó. Trong khi hiện giờ ở Việt Nam là 5h sáng thì ở Đan Mạch khoảng 2h – 3h. Trong Zoom này, có người thức đến 2h sáng, 3h sáng để làm việc nhưng đến 5h sáng họ vẫn tham gia ngồi học như bình thường.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook