CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 622
KHỞI TÂM ĐỘNG NIỆM ĐỀU LÀ TỘI, ĐỀU LÀ NGHIỆP
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Ba ngày 24/08/2021.
******************************
Nhiều người không thấy mình tạo tội, tạo nghiệp. Họ không biết rằng trong khởi tâm động niệm của họ đều hình thành chấp trước vì cái “ta”, cái của “ta”. Biết bao sự khổ đau, trái ngược của cuộc đời đều hình thành từ cái “ta”. Có ai khởi tâm động niệm mà không vì mình! Ai cũng cho mình là chủ tể, mình là trung tâm. Có “mình”, có “ta” thì có phiền não, có tự tư ích kỷ, danh vọng lợi dưỡng, hưởng thụ năm dục (tài, sắc, danh, thực, thùy), sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), tham sân si mạn. Nghĩ mình hơn người là tăng thượng mạn. Nghĩ mình kém hơn người, không muốn cống hiến là ti thượng mạn.
Hòa thượng nói: “Việc tốt cần làm nên làm không công không đức”. Ta làm việc thiện không vì công đức mà làm, không vì phước báu mà làm, không vì tên tuổi mà làm. Đó mới là thật làm. Người thế gian nói là họ không làm vì danh lợi, nhưng trong tâm họ chưa được như vậy. Nhà Phật có câu: “Phương tiện thiện xảo”. Người học Phật phải hết sức khéo léo, uyển chuyển, không khô cứng, phải biết dùng phương tiện khéo léo, phù hợp để dẫn khởi thiện tâm của người.
Có người đã từng tìm mọi cách để Thầy chỉ ở nhà niệm Phật vãng sanh. Mới nghe qua thì tưởng đó là điều tốt, nhưng nếu phân tích thì thấy đó là cùng hung cực ác. Khi đó chưa có trường học văn hóa truyền thống nào ra đời, chưa có các buổi học tập văn hóa truyền thống, chưa có nhiều người biết hi sinh phụng hiến. Giờ đây chúng ta đã có Hệ thống Giáo dục Khai Minh Đức, đã có nhiều người có tâm hi sinh phụng hiến, phát tâm hoằng dương văn hóa truyền thống, đã có nhiều người biết nghĩ cho người khác và biết nghĩ đến quốc gia dân tộc. Nếu sự cản trở của họ thành công thì họ là cùng hung cực ác. Cho nên khởi tâm động niệm của chúng ta đều là nghiệp, đều là tội.
Lời của Phật Bồ Tát nói không bao giờ sai. Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Phật nói: “Chúng sanh thời Mạt Pháp bất kính Tam Bảo, bất hiếu Cha Mẹ, không làm việc thiện, chuyên làm việc ác”. Phật không nói oan cho chúng sanh chúng ta. Ngay đến những người tu hành học Phật pháp nhiều năm như chúng ta hiện nay đang ngày ngày tạo nghiệp. Chúng ta hãy quan sát, quán chiếu bản thân xem có phải chúng ta hiện nay đang ngày ngày tạo nghiệp hay không?
Hòa thượng nói: “Hàng ngày bạn không làm phiền chúng sanh đã là phước cho chúng sanh rồi, đừng nói bạn độ chúng sanh”. Người hàng ngày làm phiền chúng sanh là đang tạo tội, tạo ra từ trường xấu, kết hợp với những từ trường xấu khác tạo nên hoàn cảnh xấu như thiên tai, dịch bệnh. Có người đã đăng ký đi tiêm phòng Covid. Đến giờ đi tiêm thì họ lại không chịu đi, khiến nhiều người phải lo lắng, thậm chí gọi điện cho Thầy để nhờ Thầy giúp đỡ.
Chúng ta phải linh hoạt, không có một chút thái độ khó chịu nào đối với mọi tình huống, mọi hoàn cảnh trong cuộc sống. Điều này không dễ làm, phải có sự tu dưỡng. Người khác hễ không làm hài lòng chúng ta, không vì chúng ta thì chúng ta liền nổi sân. Chúng ta dùng đạo lý cảm ứng, đạo lý nhân quả để chiêm nghiệm thì sẽ thể hội một cách sâu sắc. Con cái bất kính, bất hiếu, bất tuân, phản nghịch đều có nguyên nhân. Chính Cha Mẹ là những người như vậy, hoặc Cha Mẹ không dạy con, chiều chuộng chúng.
“Tập khí”, “tập hợp”, “luyện tập”, những tập khí xấu của chúng ta đã được rèn luyện đến mức Thượng Thừa, tinh vi, có thể linh hoạt len lỏi vào trong cuộc sống của chúng ta. Hòa thượng nói: “Tu hành không ngoài thay đổi chính mình mà thôi!”. “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Hàng ngày chúng ta phản tỉnh bản thân thì thấy cái đúng của mình thì ít, cái sai thì nhiều. Nếu chúng ta lấy tiêu chuẩn của chúng ta để người khác làm theo thì “xong rồi”. Tập nghiệp của chúng ta đã kết tập sâu dày từ nhiều kiếp, biến hóa thay đổi hình dạng, giống virus Corona đã biến thể khiến cho hệ miễn dịch của chúng ta không thể có sức đề kháng bảo vệ cơ thể. Virus đang học theo khởi tâm động niệm của chúng ta. Một niệm của chúng ta khởi lên liền châu biến pháp giới. Một niệm ác hay một niệm thiện khởi lên đều trùm khắp pháp giới. Hàng ngày tần suất niệm ác của chúng ta quá nhiều!