180Thứ Bảy, 11/09/2021, 06:11

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 587

BIẾT THÌ NÓI BIẾT, KHÔNG BIẾT THÌ NÓI KHÔNG BIẾT

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng Chủ nhật ngày 18/07/2021.

******************************

Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết”. Tên bài học rất đơn giản nhưng không dễ làm. Chúng ta không biết nhưng sợ mất mặt cho nên phải cố nói ra. Chúng ta không biết rõ ràng tường tận mà nói ra thì có thể sai, làm cho người ta hiểu sai. Cho nên nếu chúng ta không biết thì nói không biết.

Một vài lần, trong lúc Thầy giảng, khi họ đặt câu hỏi, Thầy trả lời là “tôi không biết”. Thầy không tham gia vào những phong trào đem Phật pháp để thử người ta, để đấu tranh, để biện luận, đấu pháp với nhau. Chúng ta không nên mất thời gian để bị cuốn vào những vọng tưởng đó. Chúng ta đã học Phật pháp, đã học đạo đức Thánh Hiền thì đối với những chuẩn mực của Phật pháp, những chuẩn mực của Thánh Hiền, chúng ta cứ lấy đó mà áp dụng, cứ làm triệt để thì tự khắc sẽ tốt, không cần phải đi hỏi nhiều. Căn bản nhất của người tu học Phật pháp là chuyển đổi nghiệp lực thành nguyện lực. Tất cả những khó khăn chướng ngại đều là nghiệp lực. Chúng ta vui vẻ hoan hỉ tiếp nhận, chuyển nghiệp lực thành nguyện lực.

Bài học hôm nay, Hòa Thượng nói: “Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết”. Thậm chí chúng ta biết nhưng người ta đem pháp ra để nói cho hay, để tranh đấu, để đấu pháp, không phải là nói với tâm cầu học thì chúng ta không nên nói. Chúng ta nói ra mà người nghe không thông suốt thì nói ra cũng không có lợi gì. Trong trường hợp như vậy thì chúng ta chỉ cần nói là không biết. Việc này không dễ! Không dễ gì mà nói không biết bởi vì chúng ta thường cố gắng chứng minh rằng mình là người hiểu biết.

Chúng ta phải cẩn trọng trong lời nói. Trong nhà Thiền có một công án Hồ Ly Tiên. Một vị pháp sư chỉ nói sai một câu mà bị đọa làm hồ ly trong 500 kiếp. Tôn giả Châu Lợi Bàn Đà ngu si, dạy mãi không thuộc bởi vì đời trước là pháp sư, nhưng chỉ dạy một nửa vì sợ người khác hơn mình. Đó là bỏn pháp. Biết mà không dạy là bỏn pháp. Không biết mà nói, dẫn đạo khiến người khác hiểu sai thì nhân quả không nhỏ.

Người ta mở lớp dạy “Đệ Tử Quy” nhưng chỉ dạy người khác làm, chính mình không thật làm, nói mà không thực hiện thì nhân quả có lớn không? Khi người dạy học khiến những người tham gia học tập trở nên nghi ngờ với giáo huấn Thánh Hiền, người ta không học nữa vì nghĩ “học Phật chỉ thế mà thôi!” thì nhân quả quá khủng khiếp vì họ làm đoạn huệ mạng của người khác. Chúng ta tổ chức Lễ tri ân Cha Mẹ, người Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, họ nói rằng: “Người miền Nam cũng biết làm, tại sao lại để cho người Hà Nội làm?”. Chúng ta nhường cho người miền Nam tổ chức Lễ tri ân nhưng họ lại không làm, bỏ qua mất một năm không tổ chức. Nhân quả này không hề nhỏ. Năm sau đó Thầy mới tổ chức Lễ tri ân. Thầy mời họ đến tham gia Lễ khai trương trường Mầm non Khai Minh Trí để họ tùy hỉ công đức, mở tâm nghĩ đến cộng đồng xã hội, nghĩ đến Quốc gia nhưng không một ai trong số họ đến tham gia. Không phải mình không tham dự là mình vô can. Trên tinh thần Phật Pháp Đại Thừa, làm việc ác hiển nhiên là sai phạm, nhưng việc thiện mà không làm cũng là sai phạm bởi vì không làm là không có tâm Bồ Đề, tâm Bồ Đề bị thui chột. Việc thiện liên quan đến giáo dục, mười phương ba đời chư Phật đều lấy giáo dục làm đầu.

Ngày nay nhiều người cố gắng niệm Phật tu hành cầu sinh Tây Phương Cực Lạc để quay lại độ chúng sanh. Tại sao bây giờ chúng ta đang có cơ hội độ chúng sanh mà chúng ta lại không làm? Chúng ta cần phải niệm Phật, đồng thời độ chúng sanh để tích công bồi đức. Người ta không độ chúng sanh, mà chỉ niệm Phật để về Cực Lạc, sau đó quay lại độ chúng sanh. Điều này có nghịch lý không? Họ cố làm theo cách của họ: “Ta phải làm khác! Đây là cách của ta”. Thích Ca Mâu Ni Phật và Khổng Lão Phu Tử cũng không dám làm như vậy nhưng chúng sanh thời nay dám làm.

Hòa Thượng nói: “Nếu họ làm tốt thì mình nhường cho họ làm, mình rút lui. Nếu họ làm không tốt thì mình phải làm. Mình không làm là mình có lỗi, bởi vì khi chúng sanh nghi ngờ đối với Phật Pháp, nghi ngờ đối với Thánh Hiền thì chúng ta đoạn đi pháp thân huệ mạng của họ. Họ vĩnh viễn không có cơ hội đến với Phật pháp, không có cơ hội đến với Thánh Hiền”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook