CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP
ĐỀ TÀI 533
THÀNH CÔNG QUYẾT ĐỊNH Ở SỰ HAM HỌC
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 26/05/2021.
******************************
Tên của bài học cũng giúp chúng ta hiểu ý của Hòa thượng: Trên bước đường thành công, không có bóng dáng của sự lười biếng, chểnh mảng. Hòa thượng nói: “Tôi có chút thành tựu nhỏ là bởi cả đời của tôi đều chú trọng trau dồi việc học tập. Khi rảnh thì tôi đến thân cận những bậc Thầy của tôi – những bậc thiện tri thức để được dạy bảo, nhắc nhở. Điều thứ hai, khi rảnh tôi đọc sách. Điều thứ ba, khi rảnh tôi đến nhà sách. Tôi đã từng đến tất cả những hiệu sách ở Đài Bắc”. Những ông chủ các nhà sách đều thân thiết với Hòa thượng, cho Hòa thượng mượn sách không phải trả tiền, không phải ký tên. Thật ra thành tựu trong cuộc đời của Ngài không hề nhỏ. Ngài vô cũng khiêm cung khi nói đó là “một chút thành tựu nhỏ”.
Đệ Tử Quy dạy chúng ta: “Gần người hiền, tốt vô hạn. Đức tiến dần, lỗi ngày giảm”.
Chúng ta gần người thị phi, gần người tranh đua cho nên thân tâm chúng ta bị ô nhiễm, bị những tập khí dẫn dắt. Có những người Thầy không nhất quán trong giáo dục, liên tục thay đổi quan điểm trong cuộc đời của họ, vậy mà người ta vẫn tin.
Trước khi triển khai 1200 đề tài, Thầy luôn luôn thức dậy trước 4h sáng, khoảng 3h30’ Thầy đã thức dậy rồi. Thầy nhận thấy mình nên dành thời gian để chia sẻ Phật pháp, tự làm mới mình, chứ không chỉ dịch Kinh như trước. Lúc đầu, Thầy tự khắc chế tập khí của mình bằng cách ngồi học một mình rất nghiêm túc. Thầy ngồi học trước máy quay camera và cung kính mời chúng sinh ở các tầng không gian khác cùng học. Khi Thầy ngồi học như vậy, trước mặt là Phật, xung quanh là quỷ thần cho nên Thầy không thể không nghiêm túc. Đó là thái độ ham học, ngày ngày học tập, ngày ngày làm mới mình. Nếu không học tập thì ngày ngày bị danh vọng lợi dưỡng làm nhấn chìm.
Mỗi ngày Thầy đều tỉnh táo từ sáng đến tối, không hề lờ mờ. Đó là tinh thần của Thầy. Mỗi buổi sáng, trước khi lên giảng, Thầy đọc sách qua một lượt rồi đi lạy Phật. Nếu đọc qua một lượt mà chưa hiểu thì Thầy đọc thêm lần thứ hai, lần thứ ba để thông hiểu. Có những vị Thầy khi lên lớp giảng vào buổi sáng thì mặt mũi không tỉnh táo, vào lớp thì lúc sớm lúc muộn.
Ngày nay chúng ta có phước. Nhờ thế giới viễn thông & công nghệ, chúng ta gần 200 người mà hàng ngày vẫn có thể gặp mặt nhau trên màn hình để cùng học tập . Đây là một giấc mơ, phương tiện giúp chúng ta dễ dàng thành tựu. Người xưa phải vượt qua những chặng đường vô cùng gian khổ mới gặp được nhau, nhưng tinh thần học tập của họ rất cao. Người thời nay tuy có phương tiện thuận lợi nhưng tinh thần học tập lại chểnh mảng. Mọi người sẵn sàng lướt Facebook mấy tiếng đồng hồ nhưng ngồi nghe giảng được một lúc thì mệt mỏi, uể oải. Nếu chúng ta không chuyên nhất thì không thể thành tựu. Chúng ta phải học tập nỗ lực, siêng năng.
Khi xưa, Thầy ở làng quê nghèo khó. Trong lòng Thầy luôn mong muốn đem hết một chút kiến thức ít ỏi của mình để mang đến cho người khác. Sư Bà nói với Thầy: “Con nghe nói Thầy giảng rất nhiệt tình. Con mong muốn mời Thầy đến giảng cho một số tăng ni ở chùa, nhưng con không có tiền trả cho Thầy đâu”. Lúc đó tuy hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn nhưng Thầy vẫn phát tâm dạy miễn phí và nói: “Sư Bà yên tâm, không phải lo trả tiền! Dù Sư Bà có trả tiền hoặc không trả tiền thì con vẫn dạy y như vậy”. Sư Bà tuy nói như vậy nhưng mỗi lần Thầy đến giảng, Sư Bà đều đưa tiền cho Thầy đổ xăng để Thầy vượt một quãng đường rất xa, đi đến ngôi chùa ở Vũng Tàu nơi Sư Bà trụ trì để dạy học. Nhờ pháp duyên thù thắng ở ngôi chùa đó, Thầy đã gặp được những đĩa bài giảng vô giá của Hòa thượng Tịnh Không.
Thầy ngộ ra một điều: Trong cuộc đời, chúng ta đừng bỏ lỡ duyên nhỏ. Nếu chúng ta bỏ lỡ duyên nhỏ thì sẽ mất cơ hội đối với duyên lớn.
Hai lần Thầy đi Mỹ để giảng ở thôn Di Đà, mỗi pháp hội ở đó có khoảng 50 đến 70 người. Thầy tự đưa ra bốn điều kiện: “Không tổ chức đi chơi, không tổ chức ăn uống, không nghỉ ở khách sạn, không nhận phong bì”. Nhờ duyên lành này mà Thầy gặp được cuốn sách “1200 đề tài - Thư thái học Phật” của Hòa thượng Tịnh Không. Thầy nhìn thấy cuốn sách đó tỏa sáng trên giá sách. Thầy ngỏ lời xin sách nhưng người phó thôn không đồng ý cho và nói rằng đó là pháp bảo, không thể cho được. Thầy giảng mỗi ngày hai thời sáng và chiều, khi thì giảng bằng tiếng Hán vì ở đó có một vài người chỉ hiểu tiếng Hán. Sau ba Thầy ngày giảng, chị phó thôn đã dùng hai tay để cung kính dâng tặng Thấy cuốn sách “1200 đề tài - Thư thái học Phật”. Chúng ta muốn có kỳ tích thì không thể ngồi đó mà chờ đợi.