187Thứ Tư, 29/03/2023, 08:53

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 26/03/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1199

“LÂM CHUNG PHẢI NÊN BIẾT!”

Đề tài ngày hôm nay, Hòa Thượng nhắc chúng ta những điều cần phải biết khi lâm chung. Chúng ta đã không ít lần đưa tiễn người thân, nhiều lần chúng ta cũng không biết phải làm gì để có thể giúp đỡ họ. Khi học bài này, tôi cảm thấy rất hối tiếc vì khi Mẹ vợ tôi sắp mất tôi đã không thể dành nhiều thời gian chuyên tâm niệm Phật cho bà. Khi đó tôi mới nhổ răng, tôi ngồi hộ niệm khoảng hơn hai giờ thì máu ở chân răng ra nhiều nên tôi phải đi ra ngoài. Ban đầu sắc thái trên mặt của bà rất tốt, sau đó có một ban hộ niệm đến, họ ồn ào, xao động nên họ làm đảo lộn tất cả. Chúng ta phải cẩn trọng! Khi trong nhà có người mất, chúng ta chỉ nên thông báo đến những người biết cách niệm Phật. Chúng ta không nên thăm khám cơ thể người mất, không cần dò tìm xem nơi nào trên cơ thể họ còn nóng, chúng ta chỉ cần nhìn qua sắc diện là chúng ta có thể nhận biết được người đó có thể vãng sanh hay không.

Hòa Thượng nói: “Trong tất cả pháp môn của nhà Phật, chỉ riêng pháp môn niệm Phật không cần đoạn mà chỉ cần phục phiền não, nếu phiền não không còn dấy khởi thì chúng ta có thể đới nghiệp vãng sanh. Chúng ta muốn hàng phục phiền não thì ngay trong cuộc sống hàng ngày chúng ta phải giữ được tâm mình tâm bình, khí hòa. Bình thường chúng ta không chú ý hàng phục phiền não, khi lâm chung nghiệp chướng hiện tiền thì chúng ta rất khó thực hiện điều này. Chúng ta đừng cầu không có chướng ngại, chướng ngại là việc bình thường vì nhiều đời, nhiều kiếp chúng ta đã chướng ngại người”. Trong cuộc sống thường ngày chúng ta phải tập tan nhạt dần với mọi cảnh duyên. Đới nghiệp” là mang theo nghiệp cũ vãng sanh. “Nghiệp cũ” là nghiệp chúng ta tạo khi chúng ta chưa phát tâm niệm Phật.

Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta sắp lâm chung, các căn của chúng ta suy yếu nên chúng ta rất dễ sinh phiền não. Nếu chúng ta không làm chủ được chính mình, chúng ta vẫn để tập khí sai sự vậy thì sự việc này rất phiền phức!”. Khi chúng ta lâm chung mắt mờ, tay yếu chúng ta cầm món đồ cũng không vững nên chúng ta rất dễ khởi phiền não. Người xưa nói: “Với người thì khoan dung, tha thứ đến ba phần, với tập khí của mình thì chúng ta nhất định phải đuổi cùng, diệt tận”. Nếu chúng ta còn minh mẫn mà chúng ta không điều phục được tập khí xấu ác thì khi các căn suy yếu, mắt mờ, tai điếc thì chúng ta rất khó làm được điều này.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta lơ là, bỏ qua tập khí nhỏ thì chúng ta có thể bỏ qua cơ hội vãng sanh ngay trong đời này! Việc này vô cùng đáng tiếc!”. Hàng ngày, chúng ta phải điều phục tâm, điều phục tập khí không để chúng dấy khởi. Tội chúng ta dễ phạm nhất là nói dối. Chúng ta thường nói lời không thật để chúng ta được việc. Nếu lời nói của chúng ta không còn chân thành thì chúng ta đã phạm phải khẩu nghiệp. Ngày ngày, chúng ta đều phạm giới trộm cắp, giới nói dối. Trong nhà Phật, nếu tăng chúng nào làm vỡ một chiếc chén thì người đó phải tự dùng tiền đi mua chiếc khác. Những người ở trong chùa, dù bị bệnh rất nặng, khi nghe thấy hai tiếng chuông thì họ phải ngồi dậy niệm Phật, sau đó mới được nằm tiếp. Giới luật của tăng chúng rất nghiêm.

Hàng ngày, tập khí xấu ác của chúng ta có muôn hình, vạn trạng, nếu chúng ta không tập đối trị thì khi sinh tử đến chúng ta không thể đối trị được chúng. Chúng ta phải tập làm những việc lợi ích chúng sanh, đuổi cùng diệt tận những tập khí, phiền não. Chúng ta đã học sắp xong 1200 đề tài, chúng ta quán sát xem những tập khí của chúng ta đã giảm đi chưa hay chúng vẫn đang hiện hữu. Nếu những tập khí của chúng ta vẫn đang hiện hữu thì đời này chúng ta đã uổng phí cơ hội vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta lâm chung, khoảnh khắc của hơi thở cuối cùng sẽ quyết định chúng ta sẽ sinh về đâu. Nếu khoảng khắc sau cùng đó, chúng ta đề khởi được chánh niệm, đề khởi được câu “A Di Đà Phật” thì chúng ta liền có thể vãng sanh”. Chúng ta ta tu tập cả một đời chỉ là chúng ta luyện binh. Chúng ta chiến đấu là vào giây phút sau cùng, chúng ta có thể đề khởi được câu “A Di Đà Phật”!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook