Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 23/03/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1196
“THỌ TRÌ, ĐỌC TỤNG, VÌ NGƯỜI DIỄN NÓI”
Nếu chúng ta cho rằng, hàng ngày chúng ta tụng Kinh là chúng ta đang thọ trì, đọc tụng thì chúng ta đã hiểu sai. “Thọ trì” là chúng ta gìn giữ, triệt để làm theo những lời giáo huấn của Phật. Phật dạy chúng ta những việc nên làm thì chúng ta cố gắng làm, những việc không được làm thì chúng ta nhất định không làm! Chúng ta đọc “Kinh Vô Lượng Thọ”, chúng ta triệt để làm theo những lời trên Kinh đã dạy đó là chúng ta đang thọ trì.
Hòa Thượng nói: “Trên Kinh Phật dạy chúng ta phương pháp tu học là: “Thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói”. Cả đời chúng ta tuân theo một bộ Kinh, y theo phương pháp, lý luận, triệt để làm theo bộ Kinh đó thì gọi là thọ trì”. Chúng ta đọc Kinh nhưng chúng ta vẫn để tập khí, phiền não dấy khởi mà chúng ta không phản tỉnh vậy thì chúng ta chưa phải là người chân thật học Phật.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta đọc Kinh, chúng ta hiểu nghĩa lý, chúng ta đem nghĩa lý trên Kinh dạy biến thành tư tưởng, hành vi của chính mình, thân tâm chúng ta không rời Kinh giáo thì đây gọi là đọc tụng”. Chúng ta có tâm bệnh nặng là chúng ta thích nói nhưng chúng ta không thích làm. Phật Bồ Tát chỉ nói những điều các Ngài đã làm và làm một cách triệt để những việc các Ngài đã nói. Chúng ta chỉ nói mà không làm hoặc chúng ta làm nhưng chúng ta làm sai thì chúng sanh sẽ không tâm phục, khẩu phục. Chúng ta biến tư tưởng, hành của Phật thành tư tưởng, hành vi của chính mình vậy thì chúng sanh cũng sẽ kính phục chúng ta.
Phật Bồ Tát tiếp độ chúng sanh không có chướng ngại vì: Thứ nhất, tự thân các Ngài đã làm ra biểu pháp, lời nói, hành động của các Ngài đều là tấm gương cho chúng sanh. Thứ hai, các Ngài có trí tuệ nên các Ngài quan sát được căn cơ của chúng sinh. Chúng ta có chướng ngại vì chúng ta phan duyên, cưỡng cầu. Chúng ta muốn người khác phải làm theo ý của mình. Một ngày chúng ta đọc nhiều bộ Kinh thì chúng ta cũng đã tinh tấn nhưng điều quan trọng là chúng ta phải dụng tâm. Nếu chúng ta cho rằng chúng ta đã đọc được mười bộ Kinh thì chúng ta tinh tấn hơn người khác, chúng ta có nhiều công đức vậy thì chúng ta đã sai rồi!
Hòa Thượng nói: “Chúng ta đọc tụng Kinh điển mà chúng ta không hiểu nghĩa lý, không thể thực tiễn trong đời sống thường ngày thì đây không phải là đọc tụng. Khi chúng ta đọc Kinh, chúng ta không có vọng niệm, không đọc sai chữ thì đây gọi là công phu. Chúng ta đọc tụng Kinh mục đích không phải để ghi nhớ mà là để phá trừ vọng niệm”. Từ khi chúng ta đọc bài khai Kinh đến khi chúng ta hồi hướng thì tâm chúng ta phải thanh tịnh, không vọng tưởng. Chúng ta đọc từng lời rõ ràng, chúng ta không cố gắng hiểu nghĩa lý trên Kinh, không đọc sót chữ, đọc sai chữ.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta đọc Kinh là để diệt vọng tưởng chứ không phải là để nhớ. Chúng ta không đọc Kinh thì chúng ta sẽ khởi vọng niệm. Mục đích của đọc Kinh là “lìa vọng, chứng chân”. “Lìa vọng” là lìa xa vọng tưởng. “Chứng chân” là trở về với tâm thanh tịnh.
Hòa Thượng nói: “Vì người diễn nói” là chúng ta đem giáo huấn của Phật thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày, niệm niệm vì chúng sanh. Chúng ta vì người diễn nói thì không những chúng ta rộng kết thiện duyên với chúng sanh mà chúng ta còn mở rộng bi nguyện của Phật A Di Đà. Phật A Di Đà phổ nhiếp, rộng độ chúng sanh thì chúng ta cũng phải tận tâm tận thực thực tiễn đại nguyện của Phật Di Đà, đây cũng chính là thực tiễn đại nguyện của chính mình”. Chúng ta nói mà không làm thì đó là chúng ta “nói phét”. Hòa Thượng nói: “Chúng ta dạy người bố thí nhưng chúng ta thì vào càng nhiều càng tốt!”. Trước đây Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thì phước báu của chúng ta phải bằng với phước báu của Phật A Di Đà”. Chúng ta đem đại nguyện của Phật A Di Đà phổ nhiếp, rộng độ, hoàn toàn vì chúng sanh lo nghĩ, không vì mình thì phước báu của chúng ta bằng phước báu của Phật A Di Đà.
Hòa Thượng nói: “Ý nghĩa của “vì người diễn nói” rất rộng lớn, không phải là chúng ta đứng trên bục giảng nói mà là chúng ta có tâm làm lợi ích chúng sanh mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta giới thiệu pháp môn này với tất cả chúng sanh, chúng ta khuyên nhủ chúng sanh niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ thì đây chính là vì người diễn nói, đây chính là phổ độ chúng sanh”. Trong đời sống thường ngày, chúng ta phải mang tâm đại từ bi của Phật A Di Đà để phổ độ, nhiếp hóa chúng sanh. Chúng ta không đợi đến khi nào chúng ta vãng sanh, chúng ta thành Phật thì chúng ta mới dụng tâm của Phật. Từ khi chúng ta phát tâm học Phật, niệm Phật thì chúng ta phải vận dụng tư tưởng, việc làm của Phật vào đời sống của chúng ta. Chúng ta muốn khuyên người thì chúng ta phải có trí tuệ.