Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật , ngày 05/03/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1178
“CHÂN THẬT TU HÀNH LÀ PHẢI HẠ CÔNG PHU TỪ Ở NƠI TÂM”
Chúng ta muốn chân thật tu hành thì chúng ta phải tu từ nơi tâm. Nhiều người tu nhiều pháp môn nhưng họ không tìm được nơi an trú chân thật vì họ không hạ công phu từ nơi tâm. Chúng ta phải khởi tu từ nơi tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi. Nếu chúng ta khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật bằng tâm chân thành, thanh tịnh thì chúng ta sẽ dần cảm thấy tự tại, an lạc.
Hôm qua, tôi gặp một người, họ tha thiết muốn học Phật nhưng họ chưa tìm được đường đi. Họ có tâm chân thành muốn học Phật nên chúng tôi đã có cơ duyên gặp nhau. Lần đầu tiên gặp nhưng chúng tôi nói chuyện gần ba giờ. Họ đã từng tu học nhiều pháp môn nhưng họ vẫn chưa tìm được pháp giúp họ an trú tâm hồn. Đây là vấn đề rất nhiều người học Phật đang gặp phải! Chúng ta phải khởi tu từ tâm chân thành. Hòa Thượng nói: “Cả đời tôi là một mảng tâm chân thành”. Nếu tâm chúng ta chưa chân thành thì chúng ta phải dọn dẹp để tâm chúng ta chân thành, từ nơi tâm chân thành chúng ta khởi câu “A Di Đà Phật”. Tâm chúng ta chân thành thì chúng ta mới có thể chân thật làm việc lợi ích chúng sanh.
Hòa Thượng nói: “Tu hành là nếu tâm chúng ta sai lầm thì chúng ta phải sửa đổi tâm”. Đây là gốc, là mục tiêu chính của việc tu hành, tất cả những việc khác chỉ là trợ duyên để chúng ta dọn dẹp tâm. Từ vô lượng kiếp đến nay, tâm của chúng ta là “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham, sân, si, mạn”.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta mang bất cứ thân phận, nghề nghiệp gì chúng ta đều có thể tu đạo Bồ Tát viên mãn. Đạo Bồ Tát viên mãn là trong tâm chúng ta thường nghĩ đến Phật, thường niệm Phật”. Chúng ta phải thường nghĩ đến Phật, thường nghĩ đến những việc Phật đã làm cho chúng sanh. Chúng ta thay đổi cách nghĩ, cách nói, cách làm của chúng ta bằng cách nghĩ, cách nói, cách làm của Phật chính là chúng ta đang tu đạo Bồ Tát viên mãn. Có những người trì chú, niệm Phật, tụng Kinh nhưng họ không thay đổi từ nơi nội tâm, nội tâm của họ vẫn là tham, sân, si, danh vọng lợi dưỡng nên họ vẫn phiền não, chấp trước. Họ tu hành càng lâu thì họ càng chấp trước, càng phiền não.
Hòa Thượng nói: “Trong tâm chúng ta phải thường nghĩ đến Phật, niệm Phật”. Chúng ta thường niệm Phật như một cái máy, niệm Phật theo quán tính. Chúng ta thường chỉ niệm Phật ở miệng còn trong tâm chúng ta đang vọng tưởng. Miệng chúng ta niệm “A Di Đà Phật”, tai chúng ta phải lắng nghe được tiếng niệm Phật. Đến hiện tại, tôi vẫn chưa làm được điều này! Tôi niệm Phật được một lúc thì tôi lại niệm theo quán tính, miệng tôi vẫn niệm nhưng tôi nghĩ đến việc khác. Chúng ta muốn đạt đến công phu niệm Phật thành khối cũng không dễ dàng! Nếu khi niệm Phật chúng ta đạt được “nhất tâm bất loạn” thì đây là vô thượng thâm diệu thiện. Một câu “A Di Đà Phật” là vô thượng thâm diệu thiện. Hàng ngày, chúng ta niệm “A Di Đà Phật” nhưng tâm chúng ta vẫn loạn động thì chúng ta không thể tương ưng với Phật.
Chúng ta có thể dùng pháp mười niệm mà Tổ Ấn Quang đã dạy để kiểm chứng xem chúng ta niệm Phật được thời gian bao lâu. Chúng ta niệm “A Di Đà Phật” theo nhịp ba, ba, bốn được bao nhiêu lần? Thông thường chúng ta niệm được hai, ba lần thì tâm chúng ta đã loạn, tâm chúng ta đã muốn chạy đi xử lý công việc. Chúng ta thường niệm chưa xong một chàng hạt 18 hạt thì tâm chúng ta đã loạn. Đối với chúng sanh thời hiện đại, đạt được công phu niệm Phật thành khối đã là khó! Chúng ta niệm Phật trong sự tỉnh thức đó chính là chúng ta đang thiền. Chúng ta niệm theo quán tính, không tỉnh thức thì đó là chúng ta đang mê. Chúng ta đang niệm mà chúng ta phát hiện tâm chúng ta đã chạy mất thì đó là chúng ta vừa tỉnh thức. Nếu tâm chúng ta tỉnh thức một cách thường hằng thì chúng ta đạt được công phu thành khối. Tâm chúng ta tỉnh thức ở mức độ cao thì chúng ta đạt được “nhất tâm bất loạn”.
Hòa Thượng nói: “Trong tâm chúng ta phải thường nghĩ đến Phật, niệm Phật thì chúng ta tu hành chính là làm việc, làm việc chính là tu hành”. Chúng ta làm việc và tu hành hoàn toàn không tách rời. Nếu chúng ta thường nghĩ đến Phật, thường niệm Phật thì chúng ta kiểm soát được cách đối nhân xử thế tiếp vật, hành động tạo tác của mình. Hiện tại, hàng ngày, chúng ta vẫn tụng Kinh, niệm Phật, làm việc thiện lành chỉ ở nơi hình tướng, từ vọng tâm.