Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 04/02/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1149
“LỜI NÓI PHẢI CHỪNG MỰC, VỪA ĐỦ”
Chúng ta chỉ nói những lời vừa đủ, thích hợp. Chúng ta nói dư một lời thì đó là chúng ta tham. Chúng ta kiệm lời, chúng ta nói mà người khác không hiểu thì đó là chúng ta đã bỏn xẻn. Người xưa luôn cẩn trọng trong lời nói. Hòa Thượng nói: “Lời chúng ta nói nói ra thích hợp, vừa vặn thì đây gọi là hảo ngôn ngữ. Chúng ta nói lời thừa chứng tỏ tư tưởng chúng ta loạn động. Người càng có tâm địa thanh tịnh thì họ sẽ càng nói ít. Từ ở nơi ngôn hạnh này chúng ta sẽ nhận biết được công phu của chúng ta sâu hay cạn”.
Trong pháp môn niệm Phật có câu: “Ít nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật, đánh chết cái vọng niệm thì pháp thân ta hiển lộ”. Hòa Thượng giảng Kinh, nói pháp gần 70 năm nhưng Ngài chưa viết bất cứ một cuốn sách nào. Những cuốn sách như “Tịnh Không pháp ngữ”, “Tịnh Không gia ngôn lục” đều là do học trò của Hòa Thượng biên tập lại những bài giảng của Ngài.
Hòa Thượng nói: “Cả đời tôi không sáng tạo, tôi chỉ “y giáo phụng hành”. Cả đời Hoà Thượng y theo giáo huấn của Phật Bồ Tát, của Cổ Thánh Tiên Hiền và các bậc Lão sư. Hòa Thượng đã làm ra biểu pháp cho chúng ta. Bộ 1200 chuyên đề chúng ta đang học cũng do người khác viết lại những bài giảng của Hòa Thượng. Nếu chúng ta có thể biên tập lại tất cả những lời giảng của Hòa Thượng trong suốt 70 năm thì chúng ta sẽ có rất nhiều bộ sách để học. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh, nói pháp suốt 49 năm nhưng Ngài nói: “Ta chưa nói lời nào!”. Lúc đầu khi nghe câu nói này tôi cũng không hiểu. Tam Tạng Kinh Điển Phật nói ra vô cùng nhiều nhưng khi nói, Ngài không vọng tưởng mà chúng sanh cần nghe thì Ngài nói.
Chúng ta làm giáo dục, nơi nào chúng sanh cần thì chúng ta đến đó tận tâm, tận lực làm. Nếu chúng ta đủ duyên với chúng sanh thì chúng ta sẽ làm mọi việc một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Nếu chúng ta có sự khắc ý, có sự mong cầu thì chắc chắn chúng ta sẽ có phiền não. Hiện tại, nhiều nơi muốn mở trường, có nơi chưa đủ duyên nhưng mọi người muốn mở trường vì họ muốn tốt cho con của họ. Con của họ học xong mẫu giáo nên họ muốn có trường cấp 1 để con họ học.
Hòa Thượng nói: “Tâm của Phật nhất niệm bất sanh. Chúng ta có tư nghị thì chúng ta đã mê rồi. Chúng ta mê thì chúng ta nhất định có phiền não”. “Tư nghị” là có suy nghĩ, có bàn bạc. Có những việc chúng ta cho rằng mình đang làm vì chúng sanh nhưng chúng ta suy nghĩ đến tận nguồn thì chúng ta vẫn đang làm vì cái ta. Chúng ta vẫn có tư, có nghị, có nghĩ, có bàn, có ta, cái của ta thì chắc chắn chúng ta có phiền não.
Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Bát Nhã” giảng một cách rất rõ ràng: “Bát nhã vô tri, vô sở bất tri”. Chúng ta đạt đến không có tư, không có nghị thì chúng ta không thứ gì không biết, chúng ta không có chướng ngại. Chúng ta có nghĩ, có bàn là có chúng ta có cưỡng cầu, tham cầu. Chúng ta có tham cầu mà không được như ý thì chúng ta sẽ phiền não, khổ đau.
Hòa Thượng không có tư, không có nghị. Ngài không nghĩ ngợi, nghĩ bàn. Ngài khởi niệm muốn làm một trung tâm giáo dục “Đệ Tử Quy” thì có người đến nói, tiền thừa kế của Cha họ nhưng họ không muốn dùng, họ muốn nhờ Hoà Thượng làm giáo dục. Khi mọi người chuẩn bị xong cơ sở vật chất nhân lực để đào tạo tăng tài thì các nước khác không cử người đến học. Hòa Thượng nói: “Vậy thì tốt rồi! Thay vì chúng ta phải làm bốn năm thì bây giờ việc làm của chúng ta đã viên mãn!”. Cách thấy, cách làm của Hoà Thượng rất viên mãn. Chúng ta học theo Ngài thì chắc chắn chúng ta không có phiền não, khổ đau.
Hòa Thượng nói: “Người học Phật tâm phải thanh tịnh, rỗng rang.”. “Tâm rỗng rang” là tâm không phân biệt, dính mắc, chấp trước. Tâm chúng ta rỗng rang thì chúng ta có thể sinh được trí tuệ. Ở trên sự thì chúng ta phải làm như Tổ Ấn Quang dạy: “Đốn luân tận phận”. Chúng ta tận hết trách nhiệm trong vai trò bổn phận của mình. Chúng ta có rất nhiều vai trò, bổn phận, chúng ta là công dân của một quốc gia, là Cha Mẹ, là Thầy, là con, là bạn. Dù chúng ta là một người bạn của người bạn thì chúng ta cũng phải làm tròn trách nhiệm.