Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 03/02/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1148
“THUẬN CẢNH NGHỊCH CẢNH ĐỀU LÀ NHÂN QUẢ”
Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp nghịch cảnh nhiều hơn thuận cảnh. Nhiều người oán trách vì họ gặp quá nhiều nghịch cảnh trong đời sống. Có những người không hiểu vì sao, họ làm nhiều việc tốt nhưng lại gặp nhiều nghịch cảnh, còn những người khác làm nhiều việc xấu nhưng những người đó lại có cuộc sống “thuận buồm xuôi gió”.
Thuận cảnh hay nghịch cảnh đều do nhân chúng ta đã gieo. Chúng ta không biết rằng, chúng ta tạo nhiều nghịch cảnh cho người khác thì chúng ta sẽ gặp nhiều nghịch cảnh. Chúng ta muốn thỏa mãn “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần” thì chúng ta sẽ phải cạnh tranh với người khác vậy thì chướng ngại sẽ xảy ra. Người xưa nói: “Quân tử thấy lợi không màng, thấy khó dấn thân”. Người xưa nói: “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thụ”. Người không có đạo nghĩa, tình nghĩa, ân nghĩa thì chúng ta không nên kết giao. Đồ vật phi nghĩa thì chúng ta không nên lấy. Chúng ta gặp phải chướng ngại cũng do nguyên nhân này mà ra. Chúng ta thường qua loa, tùy tiện nên chúng ta phải nhận lấy những hậu quả không cần thiết.
Hòa Thượng không bao giờ có ý niệm chiếm hữu, dành của người khác bất cứ thứ gì nên Ngài không có chướng ngại. Hòa Thượng nói: “Người ta có ý niệm dành thì tôi đã nhường, họ dành nữa thì tôi nhường nữa”. Ngài không có ý niệm cạnh tranh với người. Đạo lý này chúng ta phải có công phu mới thực hiện được. Chúng ta thường muốn tìm ra lẽ phải, phân biệt phải trái, tốt xấu nên chúng ta gặp chướng ngại.
Người xưa nói: “Tất cả lỗi từ ở nơi ta, tại vì ta đã có mặt ở thế gian này!”. Chúng ta đã có mặt ở thế gian này để tạo thêm sự cạnh tranh, chen lấn. Thí dụ, khi chúng ta tham gia giao thông mà đường tắc thì chúng ta cảm thấy phiền phức nhưng chính chúng ta cũng góp phần làm giao thông tắc nghẽn. Nếu chúng ta có thành tựu thì chúng ta không ở thế gian này để gây phiền phức thêm cho mọi người. Chúng ta chưa thành Phật nhưng tâm chúng ta ở cõi Phật thì chúng ta sẽ luôn tự tại, vô ngã. Tâm chúng ta đạt tới “tám gió thổi không động” thì chúng ta không còn có chướng ngại, điều gì xảy ra chúng ta cũng cảm thấy tốt.
Có hai vị Hòa Thượng, họ lần lượt đến thưa với Sư phụ là mình đúng còn người kia sai, vị Sư phụ nghe xong thì đều nói: “Ông đúng!”. Người thị giả nghe thấy vậy liền nói: “Sư phụ ơi! Rõ ràng là vị sư huynh đó sai!”. Sư phụ nói: “Ừ! Ông cũng đúng!”. Hai vị huynh đệ, vị thị giả đều cho là mình đúng, Sư phụ không phân biệt đúng sai nên tâm của Sư phụ bình lặng.
Trong cuộc sống của chúng ta, nghịch cảnh, thuận cảnh đều là nhân. Thuận cảnh cũng chỉ là tạm thời, thuận cảnh cũng có thể chuyển thành nghịch cảnh. Chúng ta muốn không có nghịch cảnh thì chúng ta phải chứng được cảnh giới xa lìa sự phân biệt, chấp trước. Chúng ta tu hành để đạt được sự buông xả trong nội tâm thì chúng ta không bị chướng ngại bởi thuận cảnh, nghịch cảnh. Chúng ta chưa xa lìa được tâm được mất hay chính là tâm phân biệt, chấp trước thì chúng ta sẽ còn gặp nhiều chướng ngại. Người có ít mối quan hệ thì gặp ít chướng ngại, người nhiều mối quan hệ thì gặp nhiều chướng ngại. Người không có mối quan hệ thì họ vẫn có chướng ngại trùng trùng. Chướng ngại do tâm của chúng ta. Tâm chúng ta không còn chướng ngại thì chúng ta đạt đến “Sự sự vô ngã”.
Hòa Thượng nói: “Nghịch cảnh là nhân ác, thuận cảnh là nhân thiện trong đời quá khứ chúng ta đã tạo vậy thì chúng ta phải hoan hỷ tiếp nhận. Chúng ta không được oán trời, trách người. Nếu chúng ta oán trời, trách người thì chúng ta lại tiếp tục tạo nghiệp. Chúng ta có năng lực nghịch đến thuận nhận thì món nợ này chúng ta đã trả xong!”.
Cô Lưu Tố Vân đã làm ra biểu pháp cho chúng ta, nhờ tâm chân thành cô đã chuyển đổi được người chồng của mình. Chồng cô bị bệnh tâm thần, trước khi ông uống thuốc ông bắt cô phải uống trước. Hơn mười năm cô phải uống thuốc tâm thần cùng chồng. Nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh khó khăn thì chúng ta muốn trốn cũng không thể thoát. Đời này chúng ta không trả thì đời sau chúng ta phải trả. Nợ càng dài lâu thì sau này chúng ta càng phải trả nhiều hơn. Trong đời này, chúng ta có sức khỏe, đầu óc còn minh mẫn, nghịch cảnh đến chúng ta chưa thể tự tại tiếp nhận thì chúng ta cũng phải “cắn môi, cắn lợi” để trả.