
Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 01/02/2023
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1146
“KHÔNG THỂ NHẪN CÁI PHIỀN NÀY SẼ NGHIÊM TRỌNG!”
Hàng ngày, chúng ta đều khởi tức giận thậm chí trong bất tri, bất giác chúng ta cũng khởi tức giận. Chúng ta quán chiếu một ngày chúng ta khởi tức giận mấy lần? Bản thân tôi vẫn hàng ngày khởi tức giận, tôi may mắn vì tôi phát hiện cơn tức giận sớm, khi chúng còn trong ý niệm nên chúng chưa phát tác, chưa dẫn đạo hành vi. Hòa Thượng nói: “Không thể nhẫn nại thì phiền phức sẽ nghiêm trọng!”.
Người xưa nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”. Một niệm sân khởi lên thì sẽ làm hàng trăm ngàn nghiệp chướng khơi dậy. Nhà Phật cũng nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, hoả thiêu công đức lâm”. Hôm nay chúng ta làm được một chút công đức nhưng chúng ta tức giận thì toàn bộ công đức đã bị mất. Chúng ta muốn có công đức thì tâm chúng ta phải thanh tịnh. Tâm chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta có thể có phước đức nhưng không thể có công đức.
Chúng ta có tập khí sâu nặng là chúng ta rất dễ kết oán với người. Chúng ta kết oán với người thì oan oan tương báo không thể ngừng dứt. Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát vô địch nhân”. Phật Bồ Tát không có kẻ thù, không có người đối đầu. Chúng ta trong lời nói, hành động dù là vô tình thì chúng ta cũng đã gây thù chuốc oán với người.
Người xưa khuyên chúng ta: “Uốn lưỡi ba lần trước khi nói”. Chúng ta cẩn trọng xem lời nói ra có gây thù chuốc oán không. Chúng ta nói lời khiến người phiền não, khổ đau thì chúng ta đã gây thù chuốc oán với người. Hòa Thượng nói: “Chúng ta kết oán với người thì đời đời kiếp kiếp chúng ta sẽ rất phiền phức!”. Chúng ta kết oán với người thì chúng ta sẽ gặp phiền phức trong cuộc sống và trong cả việc tu hành. Chúng ta càng kết oán với nhiều người thì chúng ta sẽ càng gặp nhiều chướng ngại trên con đường Bồ Đề. Khi chúng ta lâm chung oan gia sẽ đến gây phiền phức cho chúng ta. Oan gia chính là con cái, người thân của chúng ta, khu chúng ta sắp mất mà có người đến hỏi hỏi tài sản của chúng ta thì chúng ta cũng rất dễ khởi tức giận. Người ngày nay không được giáo dục luân thường đạo đức, đạo lý nhân quả nên họ sẽ rất dễ gây chướng ngại cho chúng ta.
Chúng ta chỉ sân hận một lúc, chúng ta vô tình làm phật ý người thì chúng ta sẽ gặp chướng ngại trùng trùng. Trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế, hành động tạo tác chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Chúng ta không cẩn trọng, không nhẫn thì đời đời, kiếp kiếp khi gặp đủ duyên thì chúng ta sẽ gặp chướng ngại. Chúng ta đều đã có trải nghiệm về điều này. Chúng ta làm được nhiều việc công đức, phước báu, oan gia không phá được chúng ta thì họ sẽ phá những người xung quanh chúng ta để chúng ta động tâm. Trên “Kinh Kim Cang” nói: “Nhất thiết pháp đắc thành y nhẫn”. “Pháp” là mọi sự, mọi việc. Chúng ta muốn mọi sự, mọi việc có thành tựu thì chúng ta phải nhẫn nại thậm chí nhẫn nhục.
Trong chữ nhẫn bên trên là bộ đao, bên dưới là bộ tâm. Con dao cắm vào tâm. Nhẫn không phải là công phu dễ làm. Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Chúng ta không nhẫn được thì sao? Không nhẫn được vẫn phải nhẫn!”. Người xưa nói: “Nhẫn được cái tức một lúc, tránh được cái họa ngàn đời”.
Gần đây báo đăng có vụ đánh ghen, để thỏa mãn cơn giận nhất thời, mẹ chồng và con dâu đã dùng axit tạt vào một người phụ nữ. Họ đã gây ra sự đau thương, tang tóc cho chính mình và người khác. Hiện tại, họ đang ngồi trong tù ăn năn, hối hận. Ngoài sự trừng trị của pháp luật, họ còn phải gánh chịu luật nhân quả. Người bị nạn đang vô cùng đau đớn đối diện với cái chết.
Trong “Kinh Kim Cang” Phật nói: “Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”. Trong tất cả pháp chúng ta muốn có thành tựu thì chúng ta phải nhẫn nại, chịu khó. Hôm qua tôi đi chữa răng, các Bác sĩ phải nói “sắp xong” đến mười lần để động viên tôi. Trong mọi sự, mọi việc ở thế gian, chúng ta đều phải chịu thương chịu khó, nỗ lực thì chúng ta mới có thể vượt qua.
Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta không có lòng nhẫn nại thì đây là đại bệnh. Chúng ta không thể nhẫn thì chúng ta sẽ gây ra phiền phức, gây ra sự tổn hại vô cùng mãnh liệt cho chúng ta và cho mọi người”. Trong chuyện “Xuân Thu oanh liệt”, các nhân vật khi đọc câu thần chú thì bảo bối sẽ tự bay ra chém một người. Sau đó, bảo bối đó phải mang về rửa sạch, xức trầm hương thì ngày hôm sau bảo bối này mới sử dụng được tiếp.
Ngày nay, người ta dùng vũ khí có thể giết người hàng loạt. Khoa học kỹ thuật càng hiện đại thì con người phải càng thiếu đi sự cẩn trọng, càng tùy tiện hơn. Trong đại dịch, chỉ một người không tuân thủ thì rất nhiều người bị lây nhiễm. Chúng ta phải cẩn trọng, tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của quốc gia. Ngày xưa, trong chuyện kiếm hiệp, nếu người có dùng cân đẩu vân thì cũng chỉ có thể giúp hai người cùng bay trên trời. Ngày nay, một chiếc phi cơ có thể chở theo 300, 400 người, nếu tổ điều khiển máy bay không cẩn thận thì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Chúng ta không thể nhẫn thì chúng ta sẽ làm tổn hại tâm thanh tịnh. Phật nói: “Lửa thiêu rừng công đức”. Chúng ta bị mất đi tâm thanh tịnh thì toàn bộ công đức của chúng ta cũng sẽ mất. Ngày nay, chúng ta rất khó để tu được tâm thanh tịnh nhưng rất dễ mất đi tâm thanh tịnh. Đây là lí do nhiều người tu học không thể có thành tựu. Chúng ta đang sống trong thời “Ngũ trược ác thế”. “Trược” là ô uế, dơ bẩn. “Ngũ trược ác thế” gồm: Kiếp trược, kiến trược, chúng sanh trược, mạng trược, phiền não trược. Ngày nay: “Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều”.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta vừa khởi tức giận thì công đức của chúng ta đã bị thiêu hết, tâm thanh tịnh của chúng ta đã bị vỡ vụn. Chúng ta tu phước đức thì dễ dàng nhưng tu công đức thì khó. Có rất ít người tu được công đức! Chúng ta quán sát, chúng ta vừa khởi lên cơn tức giận vào khi nào? Công đức sẽ chỉ được tính từ khi chúng ta không còn khởi tức giận”. Công đức rất khó có được nhưng rất dễ dàng mất đi.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta mới khởi lên một cơn tức giận thì công đức của chúng ta đã mất hết. Chúng ta phải đặc biệt cẩn trọng”. Nếu tối qua chúng ta tức giận thì công đức của chúng ta đã mất hết. Sáng nay chúng ta ngồi dạy học thì công đức được tính đến thời điểm hiện tại. Nếu chút nữa chúng ta lại nổi cơn sân hận với người khác thì công đức lại tính lại từ đầu. Công đức là tâm thanh tịnh. Tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta đề khởi câu Phật hiệu thì mới tương ưng với Phật. Khi chúng ta lâm chung, tâm chúng ta không thanh tịnh để chúng ta đề khởi câu Phật hiệu thì dù chúng ta tu hành nhiều năm chúng ta cũng không thể có thành tựu.
Hòa Thượng nói: “Công đức là định huệ. Chúng ta ta không dễ dàng tích lũy được công đức nhưng khi chúng ta vừa khởi tức giận thì lửa tức giận đã thiêu hết công đức của chúng ta”. Ngày nay, người niệm Phật rất nhiều nhưng người có thành tựu rất ít, không phải do Phật pháp không linh mà do tập khí, phiền não của chúng ta quá sâu dày. Chúng ta sống trong thời kỳ Mạt pháp, duyên giúp chúng ta tấn đạo rất ít nhưng duyên để chúng ta thoái đạo rất nhiều. Xung quanh chúng ta rất ít người tinh tấn tu hành nên chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Hòa Thượng nói: “Người tu hành rất sợ khởi sân hận. Thế nhưng có mấy người không khởi tức giận?”. Sân hận là tập khí sâu dày của chúngâ. Đây là điều vô cùng đáng sợ với người tu hành pháp môn Tịnh Độ. Nhà Phật nói: “Tâm tịnh tương ưng với cõi tịnh”. Tâm chúng ta không thanh tịnh thì không thể tương ưng với cõi tịnh. Hòa Thượng nói: “Khi chúng ta lâm chung mà chúng ta khởi tức giận thì chúng ta sẽ có phiền phức rất lớn!”. Khi chúng ta vừa khởi sân hận thì tất cả chướng ngại đều hiện tiền. Hôm qua, tôi cũng vừa khởi một trận tức giận. Tập khí phiền não này vô cùng khó đối trị. Chúng ta tiếp tục khởi sân hận thì chúng ta tiếp tục luân hồi. Chúng ta: “Tự tác tự thọ”. Tự làm tự chịu.
Hòa Thượng nói: “Người dễ khởi tức giận thì họ sẽ rất dễ tổn thương, thân và tâm của họ đều sẽ bị bệnh. Chúng ta khởi tức giận với người thì họ bị tổn hại rất ít nhưng chúng ta bị tổn hại rất nhiều. Chúng ta khởi sân hận thì chúng ta phải nhận quả báo là đi vào Địa ngục. Chúng ta phải xem xét kỹ vì chúng ta sẽ là người phải trả cho hóa đơn này! Phiền phức này không nhỏ! Người có trí tuệ sẽ không làm việc này!”. Người không có trí tuệ thì sẽ tuỳ tiện khởi tức giận. Chúng ta chưa có trí tuệ vì chúng ta vẫn để tập khí sân hận dấy khởi. Người có trí tuệ sẽ nhất định không làm việc đưa họ vào ba đường ác. Hòa Thượng hỏi chúng ta: “Tức giận sẽ làm chúng ta đọa Địa ngục thế nhưng có mấy người không khởi tức giận?”.
*****************************
Nam Mô A Di Đà Phật
Chúng con xin tùy hỷ công đức của Thầy và tất cả các Thầy Cô!
Nội dung chúng con ghi chép lời giảng của Thầy có thể còn sai lầm và thiếu sót. Kính mong Thầy và các Thầy Cô lượng thứ, chỉ bảo và đóng góp ý kiến để tài liệu học tập mang lại lợi ích cho mọi người!