171Thứ Ba, 31/01/2023, 13:07
1145 · Phước Không Phải Là Danh Vọng Lợi Dưỡng Mà Là Tâm Thanh Tịnh

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 31/01/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1145

“PHƯỚC KHÔNG PHẢI LÀ “DANH VỌNG LỢI DƯỠNG” MÀ LÀ TÂM THANH TỊNH ”

  Nhiều người cho rằng người có phước là người có tiền tài, địa vị nhưng Hòa Thượng nói: “Người chân thật có phước là người có tâm thanh tịnh”. Cách nhìn, cách thấy của Hòa Thượng rất khác với cách nhìn, cách thấy của người thế gian. Nhiều người có tiền của, có địa vị xã hội nhưng cuộc sống của họ rất khổ đau. Chúng ta có phước thì tâm chúng ta sẽ thanh tịnh. Tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta sẽ an vui, tự tại.

Có một bộ phim tên là: “Người giàu cũng khóc”. Người giàu cũng khóc vậy thì tiền tài không mang lại hạnh phúc, không phải là phước báu chân thật. Người chân chính học Phật mới có thể nhìn thấu được điều này. Những người học Phật trên hình tướng thì họ chỉ quan tâm đến “danh vọng lợi dưỡng”, những thứ giúp họ thỏa mãn “tài, sắc, danh, thực, thùy”. Ngày Tết, tôi không chúc mọi người phát tài, phát lộc, tôi chỉ chúc mọi người cố gắng tinh tấn hơn. Tiền tài, địa vị là do phước báu trong vận mệnh của chúng ta chi phối. Chúng ta tích cực tạo phước bằng cách làm tất cả những việc phước lành cho thế gian.

Chúng ta phải khởi được tâm rộng lớn, phát tâm cho đi. Những gì mà ba tháng tôi không dùng tới thì tôi sẽ tặng cho người khác. Chúng ta làm như vậy thì đời sống của chúng ta sẽ ngày càng tốt hơn. Người thế gian không tin điều này nên họ chỉ muốn tích lũy càng nhiều càng tốt. Chúng ta học Phật là chúng ta học để mở rộng tâm lượng. Nhà Phật nói: “Xả đắc”. Cho đi là được. Chúng ta càng cho đi thì chúng ta càng có được. Người xưa nói: “Đồ cũ không dùng cho đi vẫn hữu dụng”. Đồ chúng ta không dùng đến mà chúng ta để trong nhà thì nhà của chúng ta sẽ chật chội. Chúng ta đồ mang tặng thì người nhận được sẽ rất vui. Khi chúng ta muốn dùng thì chúng ta sẽ có đồ mới để dùng.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta không có tâm được mất đối với tất cả pháp thế gian, chúng ta dùng mảng tâm chân thành tận tâm tận lực hy sinh phụng hiến thì chúng ta niệm Phật, lạy Phật, tụng Kinh, quán tưởng đều sẽ đắc lực”. “Pháp thế gian” là mọi sự, mọi việc ở thế gian. “Đắc lực” là trong tâm chúng ta thường sinh trí tuệ. Trong tâm chúng ta thường sinh trí tuệ thì chúng ta tường tận mọi sự, mọi việc. Hiện tại, chúng ta niệm Phật, lạy Phật, làm Phật sự mà chúng ta bị chướng ngại vì tâm chúng ta còn phân biệt được mất, hơn thua.

Tâm chúng ta có trí tuệ thì chúng ta làm việc sẽ không có sai lầm. Trong tâm chúng ta thường sinh trí tuệ thì chúng ta có thể làm được mọi việc, dù là lần đầu tiên chúng ta làm. Có những người dù được người khác hướng dẫn nhiều lần nhưng họ vẫn làm sai. Chúng ta quán sát, tại sao chúng ta được phép làm sai? Nếu mọi người đều được phép làm sai thì công việc chung sẽ ra sao? Nếu khi chúng ta học 1200 đề tài, Thầy cũng ngủ quên, cũng vào trễ thì lớp học của chúng ta sẽ ra sao? Mọi người ngủ quên thì không sao nhưng Thầy ngủ quên thì hơn 200 người học Online sẽ cảm thấy khó chịu! Buổi sáng, tôi trả lời Gmail xong đến 4 giờ thì tôi lên mở Zoom, sau đó tôi đọc bài 10 phút rồi lên niệm Phật.

Hôm trước, tôi lần đầu tiên nấu măng khô, trong tâm tôi chỉ mong mọi người có thể có món canh măng ăn nên tôi đã nấu được món đó khá ngon. Tâm chúng ta không còn thành bại, được mất, hơn thua thì tâm chúng ta sẽ đắc lực, tâm chúng ta thường sinh trí tuệ. Hòa Thượng nói: “Khi Lục Tổ gặp Ngũ Tổ thì Ngài nói: “Trong tâm đệ tử thường sinh trí tuệ”. Chúng ta gặp Ngũ Tổ thì chúng ta sẽ nói: “Trong tâm con thường sinh phiền não”. Tâm chúng ta thường sinh phiền não thì chúng ta không thể sáng suốt để làm việc. Chúng ta làm đúng theo chuẩn mực Phật, Thánh Hiền đã dạy chúng ta thì không thể sai.

Năm nay, tôi không có ý niệm về việc phải làm câu đối Tết, trong lúc tôi niệm Phật thì tôi nghĩ ra. Câu đối Tết của năm nay là: “Người xưa gương tỏa trang sử Việt. Khai Minh Đức Sáng mãi nối truyền”. Người xưa là những người trước chúng ta từ vô lượng kiếp. “Khai minh” là trí tuệ. “Đức sáng” là đạo đức. Con người phải có cả trí tuệ và đạo đức.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook