131Thứ Bảy, 03/12/2022, 10:37
1087 · Phật Pháp Không Người Giảng Tuy Trí Không Thể Hiểu

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy, ngày 03/12/2022

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1087

“PHẬT PHÁP KHÔNG NGƯỜI GIẢNG TUY TRÍ KHÔNG THỂ HIỂU”

Phật pháp không có người giảng nói thì chúng ta dù có trí cũng không thể hiểu. Phật pháp là “Ý tại ngôn ngoại”. Ý ở ngoài lời. Nhà Phật nói: “Y Kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan. Ly Kinh nhất tự, tức đồng Ma thuyết”. Nếu chúng ta chấp chặt nơi văn tự mà giải nghĩa thì oan cho ba đời đức Phật. Chúng ta rời khỏi Kinh điển thì lời chúng ta nói không khác gì lời của Ma Vương. Lời của Phật Bồ Tát, của Thánh Hiền phải thông qua Tín – Giải – Hành – Chứng.

Người đã từng trồng lúa, trồng rau, những người đã thật làm thì lời họ nói về những công việc đó sẽ thực tế và đáng tin. Hòa Thượng nói: “Trong Phật pháp, người thật tu, thật học, thật làm thì sự giảng giải của họ sẽ thấu đáo được Phật Kinh”. Chúng ta học 1200 đề tài, đây là những trích luận từ những bài Kinh của Hòa Thượng giảng, mỗi bài học chúng ta đều cảm thấy như Hòa Thượng đang nhắc chúng ta. Lời của Hòa Thượng là lời của người thật tu, thật học, thật làm, Ngài đã nói được những căn bệnh trầm kha, bệnh nan y của chúng ta.

Chúng ta đọc Phật Kinh, chúng ta cho rằng mình có thể hiểu nhưng đó là cách thấy sai lầm. Chúng ta phải trải qua quá trình thật tu, thật học, thật hành. Nhà Phật gọi đây là: “Hành Giải tương ưng”. Cái Hiểu của chúng ta phải song hành với cái Hành. Cái Hành của chúng ta phải song hành với cái Hiểu. Chúng ta chỉ học mà chúng ta không hành thì chúng ta đã sai.

Trong Phật pháp, trước tiên chúng ta phải có niềm tin, sau đó chúng ta phải hiểu, chúng ta phải chứng thực cho cái tin của mình là đúng. Chúng ta hiểu thì chúng ta phải thật làm để chứng thực cho cái hiểu của mình. Khi nghe một người nói về cách trồng đậu thì chúng ta phải thật làm để chúng ta biết cách hiểu của mình đúng hay sai. Có người trồng đậu nhưng để mầm cây hướng xuống lòng đất nên khi hạt nảy mầm thì lá mầm đâm xuống đất còn rễ trồi nên khỏi mặt đất. Nếu chúng ta trồng đậu như vậy thì cây đậu không thể sống. Chúng ta không làm thì chúng ta sẽ không biết mình hiểu đúng hay sai. Trong Phật pháp rất nhiều người hiểu nhưng không hành nên họ không có kết quả.

Người hiểu mà không hành, trong nhà Phật gọi là: “Thế trí biện thông”. Họ giảng cho người khác mạch lạc, hợp tình, hợp lý nhưng nội tâm của họ trống rỗng. Phật pháp là nội học. Thế học là ngoại học, học ở bên ngoài không có chiều sâu của tự tánh. Chúng ta nội học, học có chiều sâu thì chúng ta sẽ khai mở tự tánh của chính mình. Chúng ta hành để chúng ta chứng thực cho cách hiểu của mình là đúng. Chúng ta trồng cây đậu, cây phát triển, kết trái thì đó là chứng thực cho cách hiểu của mình.

Chúng ta trồng dưa nhưng không kết trái thì chúng ta hiểu mình đã làm sai. Chúng ta học Phật, chúng ta tin ở Phật nhưng chúng ta cũng phải tin ở chính mình. Có người cho rằng mình chỉ vĩnh viễn là phàm phu, không thể thành Phật. Chúng ta cho rằng mình không thể làm được việc như người khác. Chúng ta phải tin mình, tin tha. “Tha” là người khác. Phật Bồ Tát có năng lực thành Phật Bồ Tát thì chúng ta cũng có năng lực đó. Người khác có năng lực chuyển hóa nội tâm thì chúng ta cũng có năng lực đó. Chúng ta biết sử dụng điện thoại rất thành thạo nhưng chúng ta không biết làm những việc khác. Tôi không có thời gian dùng điện thoại nên tôi thậm chí không biết cài đặt giờ ở điện thoại. Chúng ta không nỗ lực học tập thì khi không còn thời gian thì chúng ta sẽ tiếc nuối. Ngài Lý Bỉnh Nam nói: “Chúng ta đáng đọa lạc như thế nào vẫn phải đọa lạc như thế đó, đáng sinh tử như thế nào thì vẫn phải sinh tử như thế đó!”.

Chính chúng ta phải là người thay đổi chính mình. Phật Bồ Tát, Thánh Hiền chỉ để lại Kinh sách cho chúng ta còn chúng ta phải là người thật học. Trước đây, khi tôi còn đi dạy học, một số học viên học hành chểnh mảng nên tôi mời một Tiến sĩ nổi tiếng đến dạy cho họ. Sau khi vị Tiến sĩ giảng xong, tôi nói, quan trọng là chúng ta phải tự học nếu Tiến sĩ dạy mà các vị không học thì các vị cũng trở thành lùi sĩ. Chúng ta đừng ngồi đó ngưỡng mộ người khác mà chúng ta phải nỗ lực làm. Người làm trượng phu ta cũng có thể làm được trượng phu! Người có thể làm được Phật Bồ Tát thì chúng ta cũng làm được! Chúng ta có đầy đủ các năng lực nhưng chúng ta lười biếng, chểnh mảng nên những năng lực này dần bị vùi lấp.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook