Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 29/11/2022
****************************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1083
“TRONG THẾ SỰ MÀ VẪN LÀ VÔ SỰ”
“Trong thế sự mà vẫn vô sự” nghĩa là trong cuộc sống hàng ngày chúng ta làm rất nhiều việc nhưng trong tâm chúng ta không vướng bận. Chúng ta làm thế gian sự nhưng chúng ta không có thế gian ý. Phật Bồ Tát luôn bận rộn vì chúng sanh. Các Ngài luôn bận rộn vì thế gian sự nhưng các Ngài không có thế gian ý. “Thế gian ý” là “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, lo sợ thành bại, được mất, hơn thua, tốt xấu.
Thích Ca Mâu Ni Phật suốt 49 năm bôn ba khắp nơi, Ngài tận tâm tận lực vì chúng sanh, không có một ngày nghỉ ngơi. Ngài làm thế gian sự nhưng không có thế gian ý, không có sự phân biệt, chấp trước. Chúng ta tu hành, niệm Phật nhưng chúng ta vẫn phiền não, khổ đau vì chúng ta luôn khởi tâm phân biệt, chấp trước.
Chúng ta làm bất cứ việc gì cũng dính mắc, phân biệt, chấp trước. Ban đầu, chúng ta làm Phật sự nhưng chúng ta dùng tâm phân biệt, chấp trước nên việc đó dần trở thành Ma sự. Ranh giới giữa Phật sự và Ma sự rất vi tế nên chúng ta rất khó nhận ra. Chỉ cần sau một ý niệm thì Phật sự đã chuyển thành Ma sự. Chúng ta chỉ cần khởi tâm phân biệt được mất, thành bại, hơn thua, tốt xấu, lời lỗ thì Phật sự đã trở thành Ma sự.
Ở thế gian, chúng ta có rất nhiều vai trò, bổn phận. Hàng ngày, chúng ta phải tiếp xúc, phải làm những việc thế gian sự như ma chay, hiếu hỷ. Chúng ta phải làm việc thế gian một cách tốt nhất, tận tâm tận lực làm để làm ra biểu pháp cho người khác nhìn thấy. Chúng ta phải làm ra hình tượng của Phật Bồ Tát, của Cổ Thánh Tiên Hiền. Chúng ta làm ra hình tượng tốt thì chúng sanh kính phục, ngưỡng mộ thì họ sẽ phát tâm học tập với chúng ta.
Những năm qua, tôi làm những việc ma chay, hiếu hỷ bằng tâm chân thành, thanh tịnh nên mọi việc đều diễn ra rất tốt. Những người tràn đầy tập khí, phiền não họ chỉ làm mọi việc để được lợi cho họ. Một lần, khi tôi ở nghĩa trang, mọi người đang niệm Phật thì có một người đến muốn mọi người làm theo ý họ. Tôi nói, chúng tôi đã biết cách làm mọi việc nên họ không cần phải nói nữa. Họ làm như vậy vì muốn được mọi người trả tiền. Có gia đình đang tổ chức đám tang thì một nhóm người đến nói họ muốn biểu diễn nhạc. Sau đó, họ nhảy múa, ca hát, ăn nhậu làm mất đi không khí trang nghiêm của đám tang. Họ làm ra biểu pháp vô cùng xấu cho người thế gian. Ở Miền Tây, ngày nay việc này đang trở thành vấn nạn. Chúng ta là người học Phật, học đạo đức Thánh Hiền mà chúng ta không thể làm ra chuẩn mực thì chúng ta thật đáng hổ thẹn!
Trong Kinh Phật dạy chúng ta: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Học để làm Thầy người, học để làm ra biểu pháp cho người. Chúng ta học nhưng không làm ra được chuẩn mực, vẫn làm những việc hồ đồ. Nhà Phật gọi chúng ta là: “Kẻ đáng thương!”. “Kẻ đáng thương” là kẻ không nhận ra phải trái, tốt xấu, không làm ra được tấm gương cho người học hỏi, noi theo. Chúng ta có nghĩa vụ, trách nhiệm làm ra chuẩn mực cho người. Nếu chúng ta không làm thì ai sẽ làm?
Tổ Sư Ấn Quang dạy: “Đốn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ”. Ở thế gian, chúng ta có vai trò làm Cha Mẹ, làm Thầy Cô, làm bạn chúng ta phải làm tròn tất cả những bổn phận của mình. Chúng ta không thể nói thế gian là “vô sự”. Ở trên tâm, thế gian là vô sự. Ở trên sự, chúng ta phải làm tốt mọi việc. Nhiều người tu hành nhưng tâm lượng ngày càng nhỏ hẹp. Chúng ta tu học Phật pháp Đại Thừa. “Đại Thừa” nghĩa là tâm lượng rộng lớn. “Đại” là to lớn. “Thừa” là chiếc xe. Một chiếc xe to lớn có thể chở được tất cả. Người tu hành Đại Thừa thì phải mở tâm rộng lớn, gánh vác mọi sự, mọi việc. Chúng ta làm tất cả mọi việc là để tốt cho chúng sanh, không có một chút nào cho chúng ta!
Chúng ta tu hành mà chúng ta không làm những việc lợi ích chúng sanh thì Tâm Bồ Đề của chúng ta sẽ bị thui chột. Chúng ta sẽ dần bị thối tâm. Chúng ta làm việc thế gian nhưng chúng ta không được có thế gian ý. “Thế gian ý” chính là “tự tư tự lợi”, “tham, sân, si, mạn”. Các giáo phái danh môn chánh phái đều dạy người làm việc vì mọi người. Còn các giáo phái không phải danh môn chánh phái đều dạy người “tự tư tự lợi”. Có một gia đình có ba thành viên, mọi người đang sống hạnh phúc thì người vợ dẫn con bỏ đi theo một giáo phái. Sau khi người vợ và con trở về nhà một thời gian, người vợ lại phải quay trở lại giáo phái để đi truyền giáo. Các giáo phái không phải là danh môn chánh phái, họ không quan tâm gia đình người khác có hạnh phúc, con cái có được dạy dỗ hay không, họ chỉ quan tâm đến lợi ích của họ.