Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy, ngày 26/11/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1080
“BIẾT GIẢNG NÓI, BIẾT VÀO THIỀN ĐỊNH CŨNG KHÔNG ÍCH GÌ”
Nhiều người nói cho người khác nghe những lời Phật dạy nhưng bản thân họ thì làm hoàn toàn trái ngược. Có người giảng Kinh Phật rất thấu suốt nhưng bản thân họ vẫn sát, đạo, dâm. Hành vi trộm cắp không chỉ bao gồm trộm cắp tiền của, vật chất mà còn bao gồm trộm cắp thời gian, công sức của người khác. Chúng ta nói một cách huyễn hoặc để làm cho bá đồ của mình lớn mạnh thì đó cũng là chúng ta đang trộm cắp. Trong thời đại 4.0 các hình thức trộm cắp ngày càng tinh vi hơn.
Người học Phật có thể giảng Kinh thuyết pháp nhưng họ vẫn phạm phải Thập Thiện nghiệp. Thân của họ vẫn sát, đạo, dâm; miệng thì nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác và nói lời thêu dệt; ý thì tham sân si. Họ học Phật như vậy thì tự thân không lợi ích, tha nhân cũng không có lợi ích mà còn làm thương tổn cho hình tượng của Phật pháp.
Sáng nay đọc cái lời tựa này có thể nói là tôi vô cùng cảm khái. Chính chúng ta cũng có thể là những người biết giảng Kinh, biết vào định nhưng đó chỉ là hình tướng không phải là thực chất. Nếu chúng ta thật tin lời Phật thì chúng ta sẽ thật làm. Chúng ta chưa thật tin thì chúng ta sẽ chưa thật làm. Phật dạy chúng ta, hiếu dưỡng phụ mẫu, y giáo phụng hành, tu Thập thiện nghiệp thì chúng ta phải thật làm. Đây là tiêu chuẩn làm người, người không thực hiện theo những tiêu chuẩn này thì không phải là người học Phật.
Xã hội ngày nay vẫn còn rất nhiều người có niềm tin mù quáng. Đạo lý trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu mà họ cũng không hiểu một cách rõ ràng. Có người nói trồng dưa ra trái cà-phê, trồng cà-phê ra trái sầu riêng nhưng nhiều người học Phật vẫn tin theo. Hôm qua, có một người hỏi tôi, có một vị nói, vị đó đã hết thời gian ở thế gian này nên học trò phải bỏ ra nhiều tiền để thỉnh Phật trụ thế, để Thầy của họ có thể sống lâu ở thế gian. Tôi trả lời, người học Phật thì phải xa lìa những tập khí, phiền não của chính mình. Tập khí, phiền não chính là “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “danh vọng lợi dưỡng”, “tham, sân, si, mạn”. Hòa Thượng nói: “Người tu hành chân chính thì không nhắc đến tiền”. Nhiều người không thoải mái khi nghe câu nói này. Họ nghĩ là không có tiền thì không thể làm được việc gì. Tiền chỉ là công cụ để chúng ta làm Phật sự, làm lợi ích chúng sanh. Nhiều người học Phật pháp nhưng họ không gặp được chánh pháp, họ gặp phải Thầy tà, bạn ác. Họ bị sai sự làm những việc tạo thêm tội nghiệp, làm những việc thỏa mãn tập khí, phiền não.
Người chân thật học Phật là người chân thật an vui, sống tự tại an vui, trong tâm không có sự bất an. Nhiều người học Phật nhưng sống trong sự bất an, họ không dám nói ra vì sợ phạm úy. Phật dạy: “Cần tu Giới – Định – Tuệ. Diệt trừ Tham – Sân - Si”. Đây là tổng nguyên lý, nguyên tắc. Có những người khuyên người khác làm thiện, bố thí, phóng sanh nhưng bản thân họ vẫn ăn thịt chúng sanh, vẫn mưu tính để lợi mình. Nhiều người có thủ đoạn lừa gạt chúng sanh rất tinh vi. Chúng ta chưa thể phân biệt tà chánh, phải trái, tốt xấu thì tốt nhất chúng ta đừng đi đến nhiều nơi. Chúng ta chưa độ được người thì họ đã độ chúng ta. Chúng ta chưa dạy được người thì họ đã ảnh hưởng chúng ta.
Hòa Thượng nói: “Trong Phật pháp căn bản nhất là tự tin. Chúng ta tin ở mình rồi mới tin người. Chúng ta tin mình đủ năng lực làm việc đó. Chúng ta tin là tự tánh của chúng ta vốn dĩ thuần thịnh, thuần thiện”. Chư Phật Bồ Tát là người đã tu hành có thành tựu. Chúng ta y theo lời dạy, cách làm của các Ngài thì chúng ta nhất định cũng sẽ có thành tựu.
Chúng ta tin Phật là chúng ta phải làm theo lời Phật dạy một cách triệt để. Quy y Phật là Giác, Quy y pháp là Chánh. Quy y tăng là Tịnh. Chúng ta không Giác – Chánh – Tịnh mà chúng ta vẫn mê, tà, nhiễm thì chúng ta giảng Kinh, nói pháp, nhập định cũng không ích lợi gì. Nhiều người khuyên người khác bố thí đi còn họ thì vào càng nhiều càng tốt.
Hôm qua, tôi đi Đắk Lắk, trên xe có rất nhiều thứ để cho đi, chúng tôi ăn uống, nghỉ ngơi ở một nơi rất giản dị. Chúng tôi biết thỏa mãn “năm dục sáu trần” không phải là giá trị thật. Chúng ta đi làm việc chúng sanh thì chúng ta tận lực vì chúng sanh, chúng ta không có một chút ý niệm hưởng thụ. Chúng ta chỉ nói pháp mà chúng ta không hành thì chúng ta sẽ không có ích lợi. Trên mạng, có những người chỉ đàm huyền thuyết diệu nhưng video của họ có hàng chục ngàn lượt xem video, trong khi đó video Hòa Thượng giảng chỉ có vài trăm lượt xem. Hòa Thượng nói: “Chúng sanh thời Mạt Pháp thích nghe gạt, không thích nghe khuyên”. Người thế gian khi họ nghe những lời chân thật thì họ cảm thấy như bị mắng.