Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Năm, ngày 24/11/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1078
“PHẬT DẠY CHÚNG TA ĐOẠN THAM, KHÔNG PHẢI ĐỔI ĐỐI TƯỢNG THAM”
Nếu chúng ta không còn tham, sân, si thì chúng ta đã không đến trần gian này. Ba nghiệp chướng này của chúng ta đều rất nặng. Trong quá khứ, chúng ta tham, sân, si nên chắc chắn chúng ta đã tạo ra rất nhiều oan gia trái chủ vì vậy trong cuộc sống hiện sinh, chúng ta không thể không có chướng ngại. Nhân từ nhiều đời nhiều kiếp chúng ta đã tạo nên ngày ngay chúng ta phải nhận lấy quả.
Hòa Thượng nói: “Mỗi chúng ta đều có ba độc phiền não tham, sân, si. Nếu chúng ta không tham, sân, si thì chắc chắn chúng ta đã không đến thế gian này”. Mỗi chúng ta có mức độ, đối tượng của tham, sân, si sâu cạn khác nhau. Nếu ai nói chúng ta tham thì đó là sự nhắc nhở đối với chúng ta. Đối tượng của tham đã được đổi nên chúng ta không nhận ra. Chúng ta phải đoạn trừ tham chứ không phải đổi đối tượng.
Hòa Thượng nói: “Có người tham tài, có người tham sắc, có người tham danh. Những người học Phật pháp thì tham Phật pháp. Những người làm giáo dục Thánh Hiền thì tham làm giáo dục Thánh Hiền. Chúng ta là người học Phật, chúng ta cũng không thể tham học Phật”. Hôm qua, chúng ta học đề tài: “Phân biệt giữa tinh tấn và tham cầu”. Chúng ta cần phân biệt rõ, chúng ta đang dùng nguyện để lợi ích chúng sanh hay chúng ta đang tham cầu cho bản thân. Chúng ta học Phật mà chúng ta đọc nhiều Kinh, học nhiều pháp môn thì đó cũng là chúng ta tham. Chúng ta chỉ đang đổi đối tượng tham còn gốc vẫn là tham. Chúng ta làm việc mà chúng ta có phiền não thì đó là do chúng ta có tâm tham cầu. Tâm tham cầu khiến cho chúng ta nóng vội, khẩn trương, sợ được mất.
Hòa Thượng nói: “Phật dạy chúng ta đoạn tâm tham chứ Ngài không dạy chúng ta đổi đối tượng tham”. Nhà Phật nói: “Tùy duyên diệu dụng”. Chúng ta làm được một việc là do chúng sanh nơi đó có phước. Việc không được tốt là do chúng sanh nơi đó không có phước. Chúng ta toàn tâm, toàn ý làm nhưng chúng ta không được cưỡng cầu. Nhiều người muốn làm một việc bằng mọi giá vì họ sợ mất thể diện. Đó là vì họ còn cái ta, cái của ta. Nếu họ làm vì thể diện thì họ sẽ phiền não sẽ trùng trùng.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta trong bất tri bất giác đều đang tham, sân, si. Tham, sân, si vẫn đang tồn tại đang cùng diễn ra trong chúng ta. Chúng ta chỉ đang đổi đối tượng. Chúng ta tu hành, học Phật nhưng chúng ta vẫn phiền não, khổ đau. Chúng ta sẽ không tránh khỏi luân hồi, không tránh khỏi đọa vào tam ác đạo”. Buổi sáng chúng ta không dạy được vì chúng ta tham ngủ. Chúng ta lười biếng cũng là chúng ta đang tham. Đạo Phật là đạo giải thoát, đạo an vui nhưng nhiều người học Phật nhiều năm vẫn phiền não, khổ đau. Trong khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế chúng ta vẫn đang tham, sân, si. Hàng ngày, chúng ta mơ hồ, không phân biệt được tốt xấu, không biết mình đang tạo ác nghiệp thì đó là chúng ta đang si. Chúng ta học Phật 10 năm, 20 năm thậm chí cả đời thì chúng ta vẫn phiền não, khổ đau.
Chúng ta phải nhận biết tường tận, thế gian này tất cả chỉ là duyên. Duyên hợp rồi duyên tan. Sáng nay, tôi nghe tin con một Thầy Cô giáo mất, theo cách nhìn của thế gian thì đây là việc xấu. Nhưng cách nhìn của Phật pháp, nếu con đến thế gian cản trở việc Cha Mẹ làm lợi ích chúng sanh thì con sẽ có thể ra đi. Phật pháp dạy: “Mạng người vô thường. Cõi nước không an”. Thế gian không có gì là bền chắc. Người xưa nói: “Mạc đãi lão lai phương niệm Phật. Cổ phần đa thị thiếu niên nhân”. Chớ đợi đến già mới niệm Phật, mộ ở ngoài đồng không thiếu người tuổi trẻ.
Hàng ngày, tôi đều quán sát, từng ngày đang trôi qua. Người thế gian nói: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta có thêm một ngày nữa để yêu thương!”. Mỗi sớm mai thức dậy, chúng ta có thêm một ngày để tận lực hy sinh phụng hiến. Chưa bao giờ tôi có ý niệm mình sẽ sống đến 60, 70, 80 tuổi. Mỗi ngày, khi học xong một bài thì tôi đều khởi ý niệm tri ân vì mình đã có thể học thêm một chuyên đề. Tôi không có ý niệm phải học xong 1200 chuyên đề thì mới mất. Khi mới học chuyên đề 1, tôi nghĩ nếu mình mất sớm thì mọi người sẽ nói mình nhếch nhác. Khi học xong 600, 700 chuyên đề thì tôi nghĩ thiên hạ không nói mình nhếch nhác nữa. Khi học xong 700 chuyên đề, tôi cảm thấy rất tự tại, không vướng bận. Tôi không nghĩ đến thời gian, nghĩ đến kế hoạch từng tháng. Chúng ta phải tập sống tùy duyên. Nếu chúng ta cưỡng cầu thì chúng ta sẽ đau khổ. Chúng ta cưỡng cầu là vì chúng ta có tâm tham. Nếu tôi cho rằng tôi phải học xong 1200 đề tài, Phật Bồ Tát, Quỷ Thần sẽ gia hộ để tôi học xong thì khi đó tôi sẽ chết rất khó khăn. Chúng ta tiếc nuối thì chúng ta không thể ra đi tự tại được.