19023/11/2022, 08:12 24/11/2022, 10:36
1077 · Phải Phân Biệt Rõ Giữa Tinh Tấn Và Tham Cầu

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 23/11/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1077

“PHẢI PHÂN BIỆT RÕ GIỮA TINH TẤN VÀ THAM CẦU”

Chúng ta tu hành “tinh tấn” là chúng ta xa lìa dục vọng, phiền não. Hàng ngày, chúng ta tưởng rằng mình tu hành “tinh tấn” nhưng thực ra là chúng ta đang “tinh tướng”. Chúng ta tham cầu thì chúng ta sẽ có rất nhiều phiền não.

Hòa Thượng nói: “Bồ Tát trước tiên phải tu bố thí, việc thứ hai là trì giới. Chúng ta không bố thí thì chúng ta nhất định không thể trì giới. Chúng ta không làm được trì giới thì chúng ta nhất định không thể làm được nhẫn nhục. Chúng ta không làm được nhẫn nhục thì nhất định chúng ta không thể tinh tấn”. Bồ Tát tu hành “Sáu phép Ba La Mật” phải theo trình tự bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát nhã. Chúng ta tu hành phải theo thứ tự. Chúng ta không làm theo thứ tự thì nhất định chúng ta sẽ thất bại. Thí dụ, chúng ta phải mở rộng tâm lượng trước sau đó chúng ta mới mở hầu bao. Nếu chúng ta mở hầu bao trước thì chúng ta cảm thấy rất rất tiếc tiền của. Khi chúng ta mở được tâm lượng thì chúng ta làm mọi việc sẽ rất tự tại. Tôi tích cực gói bánh tét, trồng rau vì tôi đã mở được tâm, tôi không sợ cực khổ. Người không mở được tâm thì nhìn thấy việc sẽ không muốn làm.

Hòa Thượng nói: “Bố thí chính là buông xả. Quan trọng nhất là chúng ta phải bố thí tham, sân, si, ngạo mạn của chính mình. Chỉ cần chúng ta trừ bỏ đi tham, sân, si, mạn thì chúng ta trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát nhã đều thuận buồm xuôi gió”. Nhiều người cho rằng bố thí là cho đi tiền tài, vật chất. Bố thí tiền tài, vật chất chỉ là bố thí bên ngoài. Chúng ta bố thí tập khí, phiền não thì đó là chân thật bố thí. Chúng ta tụng nhiều bộ “Kinh Vô Lượng Thọ”, niệm Phật suốt ngày nhưng chúng ta vẫn phiền não vậy thì chúng ta chỉ đang tham cầu. Nhiều người tu hành không có được công phu đắc lực nhưng họ không hiểu nguyên nhân tại sao!

Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu Bồ Tát Đạo không thể thành công do chúng ta không chịu bố thí đi tham, sân, si, mạn. Chúng ta không thể bố thí tham, sân, si, mạn thì chúng ta học Phật chỉ là vì chúng ta tham cầu”. Chúng ta chân thật bố thí là chúng ta bố thí tập khí, phiền não của chính mình. Có nhiều người, khi đến tham gia pháp hội thì họ thích được đốt cây hương đầu tiên, khi đến đạo tràng thì họ tìm chỗ ngồi thoải mái nhất. Đó là họ tham cầu. Tôi đi đến đâu tôi cũng chọn chỗ bất tiện nhất để ngồi. Tôi đến đạo tràng, tôi không bao giờ đứng giữa mà tôi đứng vào một góc. Chúng ta làm như vậy là chúng ta có tâm cung kính với người, với các chúng sanh tầng không gian khác. Chúng ta đứng giữa là chúng ta có tâm ngạo mạn. Chúng ta đến một đạo tràng chúng ta tưởng không có ai nhưng có rất nhiều chúng sanh tầng không gian khác cũng đang cung kính lễ Phật.

Cách đây 15 năm, một đạo tràng mời tôi đến giảng “Đệ Tử Quy”, họ bày chiếc bàn ở chính giữa nên tôi di chuyển bàn sang một góc. Tôi nói với họ, tôi chỉ là khách, có một vị ở đây lớn hơn tôi, tuy người đó không có mặt nhưng tôi cũng phải kính nhường. Điều quan trọng nhất trong tu hành là phải đoạn trừ tham, sân, si, ngạo mạn.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta đến pháp hội thì chúng ta muốn thắp cây nhang đầu tiên. Chúng ta đến đạo tràng thì chúng ta chọn chỗ ngồi thoải mái nhất. Chúng ta tu hành chúng ta cũng muốn chọn pháp môn đệ nhất. Rất khó nói pháp môn nào thù thắng nhất. Trên Kinh Phật nói, pháp môn bình đẳng không có cao thấp vì mọi pháp của Phật đều có thể đưa chúng ta đến vô thượng đạo. Pháp môn nào thù thắng nhất phụ thuộc vào căn tánh của mỗi chúng sanh. Chúng ta khế hợp pháp môn nào thì pháp môn đó là pháp môn thù thắng nhất”.

Có người cho rằng pháp môn Thiền Định là thâm sâu còn pháp môn Tịnh Độ chỉ dành cho người già. Trong “Tứ y pháp” nói: “Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”. “Liễu nghĩa” là pháp môn phù hợp căn tánh của chúng ta. “Bất liễu nghĩa” là pháp môn không phù hợp với căn tánh của chúng ta. Thí dụ, chúng ta là thợ hàn mà chúng ta làm công việc của người thợ nề thì chắc chắn không phù hợp. Người làm giám đốc chắc chắn không thể làm tốt công việc của người quét rác.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook