Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 16/11/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1070
“BỐ THÍ PHÁP LÀ GIÁO DỤC CÓ THỂ KHIẾN CHÚNG SANH GIÁC NGỘ”
Nhà Phật dạy chúng ta ba cách bố thí là: Bố thí tài, bố thí pháp và bố thí vô uý. Chúng ta bố thí tiền tài, vật chất cho chúng sanh thì chúng ta cũng không thể giúp chúng sinh giác ngộ. Chúng ta bố thí pháp là chúng ta làm công tác giáo dục của Phật Đà. Bố thí pháp có thể giúp chúng sanh giác ngộ quay đầu.
Trên Kinh nói: “Cho dù dùng bảy báu nhiều như Tam thiên, Đại Thiên thế giới cũng không bằng nói cho người nghe bốn câu kệ”. Chúng ta mang tiền của nhiều như Tam Thiên, Đại Thiên thế giới bố thí cho người thì cũng không bằng đem Phật pháp chia sẻ với họ. Đời này họ chưa giác ngộ thì họ cũng đã được gieo một nhân duyên lành để đời sau hoặc đời sau nữa họ giác ngộ.
Ngày trước, Thích Ca Mâu Ni Phật bảo các vị A-La-Hán quan sát xem một người có thiện căn không. A-La-Hán dùng sức định của một bậc Lậu Tận Thông, đã hoàn toàn giải thoát, quán chiếu về quá khứ 500 kiếp thì thấy người này không có một duyên lành nào với Phật pháp. Thích Ca Mâu Ni Phật nói, hơn 500 kiếp về trước, một lần người này bị hổ rượt, anh ta sợ hãi leo lên cây, trong lúc hoảng hốt đó anh đã khởi lên một niệm “Nam Mô Phật”. Chỉ từ một duyên nhỏ như vậy nhưng sau 500 kiếp lại có duyên gặp được Phật pháp. Trong ba cách bố thí là bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô uý thì bố thí pháp đầy đủ cả ba hình thức bố thí. Người nghe pháp thì họ sẽ biết tự an ổn nội tâm, đó là họ đã biết bố thí vô uý. Chúng ta có thể dùng tiền in Kinh sách, tổ chức các buổi Lễ tri ân.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta cúng dường tài vật nhiều đến nào chăng nữa thì ngay trong đời này chúng ta cũng không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi, không thể thành Phật. Chúng ta bố thí, cúng dường mà chúng ta chưa thể giải thoát khỏi sáu cõi luân hồi thì phương pháp đó chưa mang lại lợi ích chân thật”.
Hiện tại, chúng ta đang tích cực thúc đẩy giáo dục văn hóa truyền thống, chúng ta giúp mọi người biết chuẩn mực làm người. Khi một người biết chuẩn mực làm người thì họ cũng dễ dàng tiếp nhận Phật pháp. Đây cũng là chúng ta đang bố thí pháp. Một số người chấp trước, họ cho rằng người học Phật mà thúc đẩy giáo dục văn hóa truyền thống thì đó là xen tạp. Họ không những không học “Phép tắc người con” mà họ còn ngăn cản người khác học. Họ hướng dẫn người khác niệm Phật nhưng con của họ thì phá gia chi tử. Họ cho rằng họ chỉ cần chuyên tâm niệm Phật để vãng sanh, con cái chỉ là nghiệp chướng. Họ làm như vậy thì họ không thể vãng sanh được!
Việc chúng ta niệm Phật và việc phát triển giáo huấn Thánh Hiền không cản trở nhau. Trước đây tôi chuyên dịch đĩa Hòa Thượng, chuyên niệm Phật và chia sẻ về Tịnh Độ. Khi tôi dành nhiều thời gian để chia sẻ văn hóa truyền thống thì mọi người cho rằng tôi xen tạp. Hiện tại, trong hơn 1000 đề tài vừa qua, tôi chia sẻ những lời dạy của Hòa Thượng, thúc đẩy hành giả chuyên tâm niệm Phật.
Hiện tại, chúng ta đang dịch bộ “Tịnh Không Pháp Sư Gia Ngôn Lục” đến bài thứ 38. Trong những bài pháp trước khi Hòa Thượng vãng sanh, Ngài đều nhắc chúng ta đề xướng giáo dục Thánh Hiền, ứng dụng chuẩn mực của người xưa trong đối nhân xử thế. Trong buổi Lễ tri ân Thầy Cô nhân ngày 20/11 vừa qua, mọi người trong hệ thống đều chào nhau một cách cung kính. Thầy Kỳ Anh đã 86 tuổi nhưng chưa bao giờ thấy các Thầy Cô cúi chào mọi người một cách cung kính như vậy! Một số người càng niệm Phật thì họ càng thấy những người xung quanh không bằng họ. Họ cho rằng người khác xen tạp.
Hòa Thượng nói: “Bố thí, cúng dường pháp là giáo dục. Sự giáo dục có thể giúp chúng sanh giác ngộ. Bố thí tài không thể giúp chúng sanh giác ngộ và có được lợi ích chân thật”. “Lợi ích chân thật” là ngay đời này chúng ta có thể vĩnh thoát luân hồi.
Người xưa nói: “Kiến quốc quân dân, giáo học vi tiên”. Chúng ta phải lấy giáo dục của Phật Đà, giáo dục của Thánh Hiền làm nền tảng. Chúng ta làm nhưng không vướng bận trong tâm, giữ tâm thanh tịnh niệm Phật. Sau khi chia sẻ ở hội trường, tôi ra vườn làm như một người nông dân. Tôi tự nấu cơm, tự chăm sóc vườn rau. Tôi cho rau, đậu vào nồi cơm, sau đó chấm cùng nước tương. Cuộc sống của tôi rất đơn giản. Một tuần nay, tôi chưa nghe một cuộc điện thoại nào. Tôi không cần họp nhưng mọi người trong hệ thống tự biết việc để làm. Hòa Thượng nói: “Quan trọng nhất là chúng ta phải phát tâm thật làm”. Khi chúng ta phát tâm làm thì trí tuệ sẽ tự sinh khởi, chúng ta sẽ làm được mọi việc một cách tốt nhất.