Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 15/11/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1069
“NGƯỜI HIẾU HỌC ĐƯỢC CỨU, CÓ THỂ THÀNH THÁNH, THÀNH HIỀN”
Người xưa nói: “Con người cần có bốn đức là hiếu, liêm, thành, kính”. Ngoài bốn đức trên, chúng ta muốn thành Thánh, thành Hiền, thành Phật Bồ Tát thì chúng ta phải có tâm hiếu học. Chúng ta muốn thành công thì chúng ta phải nỗ lực vượt qua chính mình.
Sáng nay, khi chuông báo thức reo, tôi tắt chuông nằm xoa mặt cho tỉnh táo. Tôi khởi lên ý niệm muốn nằm thêm nhưng tôi liền khởi ý niệm tỉnh giác là phải ngồi dậy. Nếu tôi nằm thêm thì chắc chắn tôi sẽ ngủ tiếp vậy thì công sức của 1000 ngày dậy đúng giờ sẽ đổ sông, đổ biển!
Người xưa nói: “Nhân bất học bất tri lý”. Người không học thì không thể biết được lẽ phải. Khổng Tử nói: “Ta có thể một ngày không ăn, một ngày không ngủ nhưng không thể một ngày không học”. Cuộc sống thường ngày chính là môi trường để chúng ta học tập. Người người ham học thì họ sẽ học tập mọi lúc, mọi nơi.
Hòa Thượng nói: “Mỹ đức lớn nhất của đời người chính là hiếu học”. Tất cả hoàn cảnh đều là để chúng ta học tập. Người xưa nói: “Sống đến già, học đến già”. Biển học là vô cùng, vô tận. Khi chúng ta đến một hội trường, chúng ta học cách họ tổ chức sự kiện, cách họ bài trí sân khấu. Những người có tâm ý qua loa, tâm hư tình giả ý thì họ không thể học được gì.
Hôm qua vườn rau đã đến lúc thu hoạch nên tôi nghĩ đến việc tặng rau cho Thầy Kỳ Anh. Nhờ phát tâm đến tặng rau cho Thầy mà tôi đã tạo ra một mối lương duyên vô cùng tốt đẹp. Khi tôi đến Thầy đã chia sẻ cho tôi rất nhiều kiến thức quý báu mà Thầy dành cả đời để nghiên cứu. Trong “Đệ Tử Quy” nói: “Gần người hiền tốt vô hạn. Đức tiến dần lỗi ngày giảm”. Tôi hẹn với Thầy là 3 giờ thì khoảng 2 giờ tôi đã có mặt. Mặc dù tôi đến sớm nhưng khi tôi đến thì Thầy đã ngồi chờ ở phòng khách. Chúng ta là người nhỏ thì chúng ta phải chủ động đến sớm.
Hòa Thượng nói: “Người ham học thì được cứu”. Chúng ta nhút nhát, lười biếng thì chúng ta tự đánh mất cơ hội học tập. Chúng ta dụng tâm chân thành thì chúng ta sẽ có sự hồi đáp. Tổ Ấn Quang dạy: “Chí thành cảm thông”. Chúng ta dùng tâm chân thành thì chúng ta sẽ được hậu đãi. Tôi nói với Thầy, trong buổi Lễ tri ân Thầy Cô, Thầy thương tôi như một người học trò nhỏ nên Thầy muốn tôi đứng giữa nhưng những người học trò của Thầy nhìn thấy như vậy sẽ không hài lòng. Hôm qua, Thầy xác nhận lại một lần nữa, Thầy sẽ không để chúng ta cô độc. Chúng ta dùng bốn đức: “Hiếu, liêm, thành, kính”, chúng ta chân thành, cung kính, ham học thì chúng ta sẽ được sự ban phước, che chở của những người trên.
Chúng ta tùy duyên là chúng ta phải chủ động nắm bắt cơ duyên. Chúng ta không ngồi một chỗ chờ duyên mà chúng ta chủ động tạo cơ hội gần người tài đức để học tập. Hòa Thượng nói: “Ngài Lý Bỉnh Nam ở Đài Trung nhưng ở đó không ai có thành tựu. Mọi người nghĩ Thầy còn ở đó, hôm nay không nghe thì ngày mai nghe!”. Họ dần dà, chểnh mảng nên đến khi Thầy qua đời họ vẫn chưa có thành tựu. Những người thành tựu đều là những người từ phương xa, họ trân trọng từng phút, từng giây để học tập. Chúng ta dùng tâm chân thành thì chúng ta chắc chắn sẽ có hậu đãi. Người ham học thì có thể thành Thánh Hiền, thành Phật Bồ Tát.
Hòa Thượng nói: “Chúng ta có những điều kiện cơ bản là hiếu, liêm, thành, kính, hiếu học thì chúng ta sẽ thành công. Lão sư muốn dạy nhưng chúng ta không muốn học thì chúng ta không thể thành tựu. Chúng ta hiếu học thì Lão sư sẽ mang phương pháp truyền dạy cho chúng ta”. Căn tánh của tất cả chúng ta như nhau. Ngài Lục Tổ Huệ Năng đã nói: “Nào ngờ tự tánh vốn sẵn đầy đủ. Nào ngờ tự tánh năng sanh vạn pháp. Nào ngờ tự tánh vốn sẵn thanh tịnh”. Chúng ta lười biếng, chểnh mảng, nhếch nhác thì chúng ta sẽ xa lìa tất cả thiện pháp. Chúng ta dũng mãnh, tinh tấn thì chúng ta sẽ được tiếp nhận thiện pháp từ những người Thầy đức hạnh. Cách đối nhân xử thế tiếp vật của các Thầy là bài học cho chúng ta.
Hòa Thượng nói: “Giáo học của người xưa chú trọng ở “chuyên tinh”. Trong “Tam Tự Kinh” nói: “Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên”. Chuẩn mực của giáo dục quý ở chỗ “chuyên tinh”. Chuyên tinh phải khế cơ, khế lý. Ví dụ như chúng ta phải tùy từng giai đoạn để giáo dục trẻ. Trong giai đoạn vàng từ 0-6 tuổi, chúng ta phải chú trọng cắm gốc chuẩn mực đạo đức, dưỡng tánh cho trẻ. Hiện nay, nhiều Cha Mẹ cho rằng trong giai đoạn vàng phải chú trọng phát triển não, trẻ phải học nhiều kiến thức. Giáo học ngày nay giống như một hình kim tự tháp, trẻ phải học quá nhiều, tạp loạn.