Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 08/11/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1062
“TINH CHUYÊN MỘT PHÁP, MỖI PHÁP ĐỀU THÀNH CÔNG”
Người thế gian nói: “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Ở thế gian, chúng ta tinh thông một nghề thì chúng ta sẽ có thành công, vinh quang với nghề đó. Trong tu học thì điều này càng quan trọng hơn. Chúng ta phải chuyên tu một pháp. Căn tánh của chúng sanh không như nhau nên Phật nói rất nhiều pháp môn. Chúng ta phải biết lựa chọn pháp tương ưng với căn tánh. Nhiều người thích đàm huyền thuyết diệu hoặc thích thần thông nhưng những việc này không có lợi ích, không giúp chúng ta liễu thoát sinh tử. Trong tu hành việc quan trọng nhất là chúng ta phải đối trị được tập khí, phiền não. Chúng ta còn bị tập khí, phiền não sai sự thì chúng ta tu hành chưa có lực.
Vua Lương Võ Đế, người lập nên nhà Lương ở Trung Hoa, ông có công lao rất lớn trong việc hoằng trì Phật pháp vào thời kỳ đó. Hàng ngày, ông đàm huyền thuyết diệu với quần thần nên ông bỏ bê công việc triều chính. Sau này, triều đình của ông bị một phiến quân lật đổ. Việc đàm huyền thuyết diệu không giúp chúng ta thay đổi tập khí, phiền não. Một số người thích diễn đạt một cách hoa mỹ, có người nói tâm chúng ta như miếng thủy tinh bị vỡ, các mảnh thủy tinh văng khắp nơi nên chúng ta phải gom tâm lại. Thay vì diễn đạt dài dòng như vậy, chúng ta có thể nói tâm chúng ta đầy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên chúng ta phải buộc chặt tâm vào câu “A Di Đà Phật”. Trong “Kinh Kim Cang” nói: “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm”. Chúng ta hàng phục vọng tưởng, phân biệt, chấp trước bằng cách buộc chặt tâm vào câu “A Di Đà Phật”. Trong tâm khởi lên ý niệm về Phật hay Ma thì đó cũng là vọng tưởng.
Một số người thích cảm ứng, thích thần thông. Đây là đại chướng ngại trên con đường tu hành của chúng ta. Người thích cảm ứng, thần thông rất dễ rơi vào cảnh Ma. Cảnh ma là do tâm chúng ta tưởng. Tổ Sư Đại Đức khuyên chúng ta: “Chỉ cần một câu “A Di Đà Phật” niệm đến cùng!”. Chúng ta chuyên tâm niệm Phật thì tất cả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước sẽ bị hàng phục. Chúng ta buông tất cả vọng niệm trở về một niệm. Những người có công phu đỉnh cao thì họ có thể không niệm mà tâm họ vẫn thanh tịnh. Chúng ta chưa thể đạt được “nhất niệm bất sanh”, chưa thể lìa niệm nên chúng ta nhờ một niệm để buông bỏ tất cả các niệm. Nếu chúng ta không niệm “A Di Đà Phật” thì chúng ta sẽ niệm “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”.
Hiện tại, ngay cả việc chuyên tâm niệm một “A Di Đà Phật” chúng ta cũng chưa làm được. Chúng ta niệm được một vài câu Phật hiệu thì tâm chúng ta đã vọng tưởng. Chúng ta vừa niệm vừa lần một chuỗi hạt thì chúng ta sẽ nhận điều này. Tốc độ niệm và tốc độ lần hạt của chúng ta rất khác nhau. Một lần tôi về Thái Bình, tôi thấy một bà cụ vừa niệm Phật vừa lần chuỗi hạt. Cụ lần chuỗi hạt rất nhanh nhưng cụ niệm Phật lại rất chậm. Tốc độ niệm Phật và tốc độ lần chuỗi hạt của cụ không hề tương ưng. Tôi nhắc cụ niệm từng câu rõ ràng, chậm rãi và lần chuỗi hạt chậm lại.
Ngay bản thân tôi cũng vậy, chỉ cần tôi lần một chuỗi 10 hạt thì tâm tôi cũng đã bắt đầu vọng tưởng. Chúng ta dùng tràng hạt để quán sát xem tâm chúng ta có vọng tưởng hay không. Thông thường chúng ta lần được 4 hạt thì tâm chúng ta đã vọng tưởng. Một số người có định hơn thì có thể lần được đến 10 hạt. Hòa Thượng dạy chúng ta phương pháp 10 niệm, đây là phương pháp đơn giản nhất mà chúng ta có thể hành trì. Trong tâm chúng ta chỉ cần giữ chặt một câu “A Di Đà Phật”.
Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Phật hiệu có thể gián đoạn nhưng Phật tâm không được gián đoạn”. Chúng ta dùng tâm Phật để niệm Phật, một ngày chúng ta niệm một vài câu Phật hiệu thì đã tương ưng với Phật. Hàng ngày, chúng ta không những không đề khởi được câu Phật hiệu mà chúng ta cũng không đề khởi được Phật tâm. Trong Kinh nói: “Tâm tịnh tương ưng với cõi tịnh”. Tâm chúng ta tịnh thì chúng ta tương ưng với cõi tịnh, tâm chúng ta ô nhiễm thì chúng ta không thể tương ưng với cõi tịnh. Chúng ta chỉ đàm huyền thuyết diệu những điều sáo rỗng thì chúng ta sẽ dẫn nhau đến tam ác đạo. Rất nhiều người thích cảm ứng thần thông nên họ đã bỏ pháp môn niệm Phật.