Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!
Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Bảy, ngày 22/10/2022.
***********************
NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1045
“NGƯỜI GIÁC NGỘ CHỈ SỐNG, LÀM VIỆC, CỐNG HIẾN, KHÔNG SỢ CHẾT”
Người luôn bận rộn vì chúng sanh thì họ không có thời gian nghĩ cho chính mình nên họ không có thời gian rảnh để sợ chết. Người luôn vì mình lo nghĩ thì họ sẽ cảm thấy họ không khỏe nên họ sẽ sợ chết. Người tận tâm, tận lực vì Phật pháp, vì giáo hóa của Thánh Hiền, vì lợi ích chúng sanh, vì lợi ích xã hội thì họ không còn ý niệm sợ chết.
Mấy ngày hôm nay, tôi di chuyển hơn 1000km bằng ô-tô, một người khỏe mạnh cũng cảm thấy mệt khi làm điều này. Tôi có sẵn bệnh về tim mạch, những lúc tôi mệt quá, tôi cảm thấy khó thở thì tôi lại tự nhắc nhở mình niệm Phật. Nếu chúng ta mất vào lúc chúng ta cống hiến thì chúng ta mất như một người anh hùng. Nếu chúng ta chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng” mà chúng ta mất thì chúng ta sẽ mất đi như một kẻ bại trận.
Người giác ngộ chỉ sống, cống hiến, không sợ chết vì họ hiểu rõ, kiếp người không thể tránh khỏi Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Người giác ngộ biết rõ sinh tử không đáng sợ nhưng luân hồi thì đáng sợ. Chúng ta phải luân hồi trong ba đường ác hoặc ba đường thiện thì điều đó thật đáng sợ! Chúng ta trôi lăn trong vòng luân hồi không biết khi nào chúng ta có được thân người. Người mê mờ đắm chấp trong “năm dục sáu trần” sẽ không nhận ra điều này!
Khi Xa-nặc nói với Thái Tử Tất Đạt Đa là: “Cái chết là kết quả sau cùng của kiếp con người mà không ai có thể tránh được!”. Thái Tử Tất Đạt Đa đã ngạc nhiên nói: “Vậy thì ta cũng phải chết sao!”. Sau khi nghe xong câu trả lời của Xa-nặc, Thái Tử Tất Đạt Đa đã giác ngộ một cách mạnh mẽ. Ngài đã xả bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh để đi tìm con đường giải thoát. Chúng ta không có được sự giác ngộ mạnh mẽ như Ngài nhưng chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta có mặt trên cuộc đời này là để cống hiến. Chúng ta làm những việc mà Phật Bồ Tát, Thánh Hiền Nhân đã làm. Chúng ta sống một ngày thì chúng ta tận lực làm việc một ngày. Chúng ta làm việc vì chúng sanh. Chúng ta có thêm một ngày hay ít đi một ngày thì cũng tốt! Chúng ta làm việc vì nguyện lực thì chắc chắn chúng ta không có ý niệm sợ chết. Chúng ta không rảnh để nghĩ đến cái chết!
Tâm chúng ta dễ dàng bị cám dỗ nên chúng ta phải điều hướng tâm chúng ta theo một hướng và gia cố nó một cách miên mật. Nếu chúng ta điều hướng và gia cố tâm theo một quỹ đạo thì chắc chắn tâm sẽ hoạt động theo quỹ đạo chúng ta định sẵn. Cũng giống như những đoàn tàu điện, đoàn tàu vận hành theo đúng quỹ đạo và thời gian đã được thiết lập. Ở Nhật Bản, khi đoàn tàu điện một năm trễ một vài phút thì tập thể lãnh đạo ngành đường sắt đã phải cúi đầu xin lỗi người dân cả nước. Chúng ta phải định đặt cho nhân sanh của chúng ta một quỹ đạo, một đường ray, hàng ngày, chúng ta gia cố để tâm chúng ta theo đường ray, quỹ đạo cố định đó.
Đến hiện tại, chúng ta vẫn chưa thiết định được quỹ đạo cho mình một cách rõ ràng. Chúng ta vẫn là: “Một ngày nóng, ba ngày lạnh”. Người xưa, khi họ kéo lửa thì họ phải kéo liên tục. Nếu đang kéo lửa mà họ ngưng lại, sau đó lại kéo tiếp thì sẽ không thể có lửa. Có một câu chuyện kể về một đoàn người đi buôn, trong đoàn có nhiều người có học thuyết uyên thâm. Khi mọi người bị lạc ở sa mạc thì họ cùng nhau đào tìm nước. Họ đào ở nhiều nơi khác nhau nhưng mãi không tìm được nước nên họ ngồi trách số phận. Có một đứa bé tiếp tục đào ở chỗ mọi người đã đào và cậu bé đã tìm được mạch nước nên cả đoàn được cứu sống. Qua câu chuyên đó, bài học được rút ra là chúng ta có niềm tin, có nghị lực thì chúng ta làm gì cũng thành công!
Chúng ta tu hành, chúng ta không có sự dũng mãnh tinh tấn vì chúng ta không thiết định cho mình một quỹ đạo rõ ràng. Chúng ta phải thiết định cho mình một quỹ đạo và xác quyết một điều là: “Chúng ta phải như vậy! Chúng ta không có lựa chọn khác!”. Tôi đã thiết định cho mình sống một ngày là phải tận lực một ngày. Nếu ai mời tôi đi chơi thì đó là một ngày cực hình. Với tôi, không có nơi nào được gọi là “kỳ hoa, dị thảo”, là kỳ quan. Ngày ngày chúng ta hoàn thành sứ mạng, hoàn thành những điều mình thiết lập thì đó chính là kỳ quan.
Hôm qua, chúng tôi lái xe gần 1000 km từ Cần Thơ về đến Đà Lạt, tôi không nghĩ mình đủ sức khỏe để làm. Tôi đến Cần Thơ để chuẩn bị cho Lễ tri ân sắp tới, tôi nói chuyện với Phật tử, ngồi ăn cơm với Mẹ. Tôi không nhớ ngày 20-10 nhưng mọi việc như có sự sắp xếp khi tôi ngồi ăn với Mẹ vào đúng ngày đó. Tôi đi xuống chùa Phước Hậu gặp Thầy trụ trì để nói về chuyến đi về nguồn của hệ thống vào ngày vía Phật A Di Đà. Tôi làm mọi việc một cách nhẹ nhàng, xuôn sẻ. Sáng nay, tôi vẫn tỉnh táo dạy trước khi chuông báo thức reo. Chúng ta không dùng năng lượng của mình để vọng tưởng, phiền não mà chúng ta dồn năng lượng để làm những việc chúng ta đã thiết định. Hiện tại, các cơ bắp trong người tôi rất mỏi nhưng tinh thần tôi vẫn tỉnh táo.