117Thứ Năm, 22/09/2022, 10:48
1014 · Ra Tiền, Ra Sức Cứu Giúp Người Khổ Nạn

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 21/09/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1014

“RA TIỀN, RA SỨC CỨU GIÚP NGƯỜI KHỔ NẠN”

Ngày nay, nhiều khu vực xảy ra thiên tai, hạn hán, lũ lụt, sóng thần, chúng sanh khổ nạn ở khắp mọi nơi nên chúng ta nên phát tâm ra tiền, ra sức cứu giúp họ. Chúng ta chỉ cần phát tâm làm mà chúng ta không cần lo nghĩ tiền này có đến tay người nhận hay không. Người xưa nói: “Phát ý viên thành”. Chúng ta chỉ cần phát tâm thì công đức của chúng ta đã viên mãn. Điều quan trọng là chúng ta làm với tâm chân thành, vô tư, vô cầu. Chúng ta tính được mất, chúng ta làm vì danh lợi nên chúng ta không thể làm một cách mạnh mẽ. Chúng ta làm xong thì chúng ta lại hối hận, tiếc của.

Hòa Thượng nói: “Một số người muốn cứu giúp người bần khổ nhưng họ lo rằng tiền của họ bỏ ra sẽ bị người khác biển thủ. Ở thời đại ngày nay, việc này đương nhiên là có, đây là việc xảy ra rất bình thường. Nếu mỗi người đều lo nghĩ như vậy thì những người ở trong kiếp nạn nhất định sẽ bị khổ đau, bị chết rất nhiều”. Ở nước ta, gần đây xảy ra rất nhiều tranh cãi trong việc từ thiện, cuối cùng không ai muốn làm nên những người cùng khổ càng thêm khổ. Trên báo có đăng, một người quản lý ở một địa phương đã biển thủ 5 tấn thóc để nấu rượu. Đây là gạo Nhà nước hỗ trợ cho người dân tộc để họ bảo vệ rừng. Người ngày nay không biết đến nhân quả. Họ bị tiền tài làm cho mờ mắt nên họ sẵn sàng làm những việc phạm pháp. Người xưa gọi đây là: “Kiến lợi vong nghĩa”. Người thấy lợi mà quên hết tất cả đạo nghĩa, tình nghĩa.

Ngày nay, nhiều gia đình, anh em vì tranh chấp đất đai, nhà cửa mà từ mặt thậm chí kéo nhau ra pháp luật. Tôi từ ban đầu đã nói với Mẹ là tôi không nhận bất cứ thứ gì, phần của tôi thì Mẹ tôi có thể bán đi lấy tiền để an dưỡng tuổi già. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Tiền của nhẹ, oán nào sanh. Lời nhường nhịn tức giận mất”. Khi con người coi tiền của lớn hơn tình nghĩa, đạo nghĩa, ân nghĩa thì việc gì họ cũng có thể làm.

Hòa Thượng nói: “Cách nghĩ này ở trên mặt lý thì dường như có lý nhưng trên thực tế chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội tu tích công đức. Chúng ta dùng tâm chân thành để cứu giúp người là được, không nên lo sợ tiền của bị người khác biển thủ. Người khác biển thủ tiền đó là việc của họ. Chúng ta bố thí thì nhân quả của việc bố thí đó là của chúng ta. Họ biển thủ tiền thì nhân quả của việc biển thủ đó là của họ”. Mỗi người đều có nhân quả riêng.

Hòa Thượng nói: “Có người cho rằng, họ phải đích thân đến nơi đó để làm, để họ nhìn thấy những tài vật đó đến tay người khổ nạn. Họ làm như vậy thì việc cứu giúp người khổ nạn sẽ bị chậm trễ. Có những người vì họ lo sợ tiền cứu trợ sẽ không đến tay người khổ nạn nên họ không phát tâm cứu người nữa. Tâm chúng ta hoài nghi thì công đức của chúng ta đã bị khấu trừ đi rất nhiều. Trên Kinh Phật dạy: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Tâm của chúng ta nghĩ thiện thì việc làm của chúng sẽ thiện. Tâm của chúng ta nghĩ ác thì việc làm của chúng ta sẽ ác. Đạo lý này trong Phật pháp Đại Thừa và Tiểu Thừa đều nói rất rõ”. Chúng ta dùng tâm chân thành làm thì công đức viên mãn. Chúng ta không cần phải lo nghĩ!

Hòa Thượng nói: “Những người phụ trách việc cứu giúp người mà họ tham ô, họ lấy tiền, lấy vật chất dùng để cứu trợ cũng là điều dễ hiểu. Trong mỗi người đều có sẵn tâm tham, muốn chiếm tiền tài của người. Chúng ta đừng vì việc này mà phải bận tâm. Họ tạo tội nghiệp thì họ phải nhận lấy quả báo. Chúng ta không nên vì có người tham ô mà thay đổi tâm thiện của chúng ta”. Người có thể tham ô, biển thủ nhưng chúng ta phải ra sức, ra tiền của để cứu giúp những chúng sanh khổ nạn. Người khác không làm việc thiện, không bố thí mà chúng ta làm thì chúng ta cảm thấy thiệt thòi thì đây là ý nghĩa đặc biệt sai lầm. Chúng ta làm thiện thì chúng ta nhận lấy nhân quả thiện. Họ làm ác thì họ phải nhận lấy quả báo ác.

Hòa Thượng nói: “Họ tham ô, biển thủ những tài vật để cứu trợ người khổ nạn thì đó là việc của họ. Còn chúng ta vẫn có công đức viên mãn. Việc chúng ta hành thiện và việc họ tạo ác là hai sự việc hoàn toàn khác nhau. Không có chuyện, chúng ta bỏ tiền của ra mà họ tham ô rồi thì chúng ta không có công đức”.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook