203Thứ Hai, 19/09/2022, 18:07
1012 · Đem Mê Hoặc Biến Thành Giác Ngộ Đây Mới Là Giáo Dục

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Hai, ngày 19/09/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1012

“ĐEM MÊ HOẶC BIẾN THÀNH GIÁC NGỘ ĐÂY MỚI LÀ GIÁO DỤC”

Giáo dục là dạy người để họ được giác ngộ không còn mê lầm. Sự giáo dục của nhà Phật giúp chúng sanh từ mê thành ngộ. Sự giáo dục của Ma làm chúng sanh từ ngộ thành mê hay từ mê ít thành mê nhiều.

Phật pháp là giác mà không mê. Phật pháp dạy người cách đối xử với người, với thiên địa quỷ thần và với hoàn cảnh đại tự nhiên. Hòa Thượng nói: “Người học Phật phải chú trọng làm ra hình tướng để người khác nhìn vào thì họ sinh tâm kính phục, từ đó họ mở tâm học tập”. Người khác nhìn vào chúng ta họ sẽ thấy hình tướng của người học Phật, người học đạo đức Thánh Hiền. Chúng ta phải làm được tấm gương. Hòa Thượng dạy: “Hoàn thiện chính mình, ảnh hưởng chúng sanh”. Chúng ta không cần nói, hành vi của chúng ta làm người nể phục thì họ sẽ tìm cách học tập. Trong nhà Phật, tất cả hình tượng của Phật Bồ Tát đều là biểu pháp. Các hình tượng đó không phải để chúng ta lễ lạy để cầu khẩn, van xin. Nếu chúng ta chỉ đi cầu cúng, van xin thì chúng ta từ cửa mê này lại đi vào cửa mê khác.

Hòa Thượng nói: “Phật nói: “Người chân thật phát tâm thì họ sẽ biết xả mình vì người, vì chúng sanh phục vụ”. Họ xả mình vì người thì họ đang ở pháp giới của Bồ Tát. Chúng ta chân thật là học trò của Phật Bồ Tát thì chúng ta phải làm theo Phật Bồ Tát. Chúng ta phải làm ra tấm gương tốt cho đại chúng xã hội”. Dù chúng ta đang ở trong cõi Ta Bà đầy những khổ đau nhưng chúng ta biết xả mình vì người, vì chúng sanh phục vụ thì chúng ta đang ở trong pháp giới của A-La-Hán, của Bồ Tát. Chúng ta mang thân tứ đại của phàm phu nhưng chúng ta có nội tâm của A-La-Hán, của Bồ Tát thì ngay đời này chúng ta đã giải thoát. Chúng ta không còn bị sai khiến bởi dục vọng, tham cầu.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp là giáo dục yêu thương. Chúng sanh đối với chúng ta không tốt thì ta càng đối với họ tốt hơn. Chúng ta phải cảm hóa họ, làm cho một người ác trở thành một người tốt, đem việc xấu cải đổi thành việc tốt”. Yêu thương của nhà Phật là yêu thương vượt lên khỏi sự yêu và ghét của người thế gian. Yêu thương của nhà Phật là yêu thương chân thật, là từ bi. Từ bi có nhiều chừng mực như ái duyên từ bi, chúng sanh duyên từ bi, vô duyên từ bi. Phật Bồ Tát đã đạt được “vô duyên từ bi”. Lòng từ bi không có duyên cớ, không có điều kiện. Chúng ta từ bi có điều kiện. Nhà Phật có câu: “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân”. Phật không bỏ rơi một ai. Khi nào chúng ta chân thật quay đầu thì Phật Bồ Tát sẽ đến.

Trong một tiền kiếp, Thích Ca Mâu Ni Phật là một người lái buôn. Trong một hành trình, đoàn có 500 người lái buôn đi cùng nhau, trong đó có một người có ý định giết hết mọi người để chiếm tài sản. Người lái buôn là tiền thân của Thích Ca Mâu Ni Phật iết việc này nên Ngài đã ra tay giết người đó trước. Ngài vẫn phải mang lấy nhân quả đó nhưng Ngài đã làm cho 500 người lái buôn kia không phải chết và làm cho người có ý định ác kia không phạm tội giết 500 người. Tâm của Bồ Tát là phục vụ chúng sanh nên các Ngài luôn nhận phần thiệt thòi về mình.

Hòa Thượng nói: “Nếu người mê lầm, không giác ngộ thì chúng ta phải tìm cách để giáo dục họ giác ngộ. Chúng ta giúp họ cải ác thành thiện, từ mê lầm trở thành giác ngộ. Đây chính là giáo dục. Chúng ta là người ở thế gian có gia đình, hiện tại chúng ta đã học Phật, chúng ta phải làm ra tấm gương tốt nhất để người trong gia đình nhìn thấy”. Chúng ta có rất nhiều thân bằng quyến thuộc, họ nhìn thấy chúng ta thì họ cũng sẽ tìm cách học hỏi.

Hòa Thượng nói: “Trong nhà có những người chưa học Phật, những người bất thiện thì chúng ta không bỏ mặc mà chúng ta phải độ họ. Chúng ta phải làm ra kiểu dáng của người học Phật để họ nhìn thấy họ sinh tâm ngưỡng mộ”. Họ không học Phật, không biết cách làm người tốt mà chúng ta không giúp họ thì ai là người sẽ giúp họ? Chúng sanh mê lầm nên cần người đánh thức. Nếu chúng ta hiểu điều này thì hàng ngày chúng ta khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế đều là đang tu hành, đang tích công bồi đức. Chúng ta đang làm ra tấm gương, làm ra biểu pháp cho người. Chúng ta không cần phải đi chùa, đến nơi an tĩnh mà nơi nơi đều là hoàn cảnh để chúng ta hành.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook