LIỄU PHÀM TỨ HUẤN
Tập 14
Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư
Thời gian: 19/04/2001
Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu
Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,
Thâm Quyến, Trung Quốc.
Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Mời xem tiếp đoạn văn này, đây là trường hợp thứ tám:
Ở huyện Gia Hưng có người tên là Đồ Khang Hy, ban đầu giữ chức Chủ sự ở Hình bộ. Ban đêm ông trực ở trong ngục, thận trọng tra hỏi vụ án của từng tù nhân, nhờ vậy nên ông phát hiện ra rất nhiều vụ án oan, nhưng ông không nghĩ đó là công lao của mình, chỉ âm thầm đem những vụ án oan này tấu trình lên quan Hình bộ Thượng thư. Sau đó thẩm vấn lại những phạm nhân này, quan Hình bộ Thượng thư đã dựa vào lời khai mà ông cung cấp thẩm vấn lại những tù nhân này, nên ai cũng khâm phục, nhờ đó đã phóng thích cho mười mấy tù nhân bị hàm oan. Lúc ấy, dân chúng ở kinh thành đều ca tụng quan Thượng thư anh minh.
Chúng ta xem đoạn này. “Gia Hưng” ở tỉnh Triết Giang, những ví dụ mà Liễu Phàm tiên sinh đưa ra, đại đa số đều là những câu chuyện tại khu vực Triết Giang. Do đây có thể biết, nguyên tắc đưa ra ví dụ nhất định phải ở khu vực gần nhất. Khi nghe nói đến mọi người đều biết, như vậy lòng tin mới mạnh. Còn về thời đại thì càng gần càng tốt. Đồ Khang Hy làm quan trong Hình bộ. “Chủ sự” là tên chức quan đương thời. Có một đêm ông ngủ ở trong ngục, ở cùng với các phạm nhân. Ông tỉ mỉ nghe ngóng tình trạng của những phạm nhân này, vì vậy biết được trong số phạm nhân có không ít người bị oan, bị người vu cáo. Đồ tiên sinh không cho đó là công lao của mình, ông đem những tình hình này bí mật viết vào giấy trình lên đường quan của ông, đường quan là cấp trên của ông, cũng chính là Hình bộ Thượng thư, Hình bộ Thượng thư tương đương với bộ trưởng hiện nay.
“Sau đó thẩm vấn lại những phạm nhân này”, mấy ngày sau thẩm vấn lại những phạm nhân này, đường quan lấy những tình tiết mà Đồ Khang Hy cung cấp để thẩm vấn những phạm nhân này, phạm nhân không ai không phục, nhờ vậy đã giải oan cho khoảng mười mấy người. “Nhất thời” là lúc chuyện này được truyền đi. “Liễn hạ”, liễn là xe Hoàng đế ngồi, liễn hạ tức là nói thủ đô, kinh thành, nơi Hoàng đế ở. “Lúc ấy dân chúng ở kinh thành đều ca tụng quan Thượng thư anh minh”. Mọi người không ai mà không khen ngợi sự công chánh liêm minh của quan Hình bộ Thượng thư. Đồ tiên sinh lại nghĩ đến một vấn đề, bên dưới nói:
Đồ tiên sinh lại tấu trình lên Hình bộ Thượng thư rằng: “Kinh thành ở dưới chân thiên tử mà còn có nhiều vụ án oan như vậy, thì toàn quốc có hàng triệu dân lẽ nào không có người bị hàm oan ư. Vì vậy xin kiến nghị cứ năm năm một lần, nên cử một vị quan giảm hình về các tỉnh thẩm tra lại các vụ án để phán xử cho công bằng”.
Đây là kiến nghị của ông, kiến nghị lên quan Thượng thư. Ông nói ở nơi kinh thành còn có nhiều người bị hàm oan đến thế, thì bên ngoài kinh thành, trên toàn quốc dân chúng rất nhiều, làm sao không có người bị hàm oan? Chắc chắn rất nhiều người bị hàm oan. “Nghi” là cần, cứ năm năm một lần phái một vị quan giảm hình đi điều tra lại những vụ án này để phán xử cho công bằng, đây là một việc tốt.
Hình bộ Thượng thư đem lời kiến nghị này trình tấu lên triều đình.
Cấp trên của ông, Hình bộ Thượng thư chấp nhận ý kiến đó, đem ý kiến này tấu lên Hoàng đế.
Được Hoàng đế phê chuẩn.
Hoàng đế bằng lòng.
Lúc ấy, Đồ tiên sinh cũng được phái là một trong các quan giảm hình.
Đồ Khang Hy cũng được phái làm một trong các vị quan giảm hình. Việc này đã giải oan giúp cho rất nhiều người bị oan khuất.
Một hôm ông nằm mộng thấy một vị thần đến nói rằng: “Số ông không có con, nay ông kiến nghị việc giảm hình rất hợp với lòng trời”.
Đây là cảm ứng, bản thân có thể tu thiện tích đức, hợp với ý trời, thượng đế thương yêu tất cả chúng sanh, gọi là “trời có đức hiếu sinh”. Cách làm của ông, kiến nghị của ông rất tương ưng với ý trời. Số mệnh ông không có con trai, nay:
Thượng đế ban cho ông ba người con trai.
Ông không hề cầu con trai, không cầu con trai, nhưng ông được cảm ứng này.
Tương lai đều làm quan mặc áo tía đai vàng, đêm ấy vợ ông có thai. Về sau, bà sanh ra ba người con trai là Ứng Huân, Ứng Khôn, Ứng Tuấn, đều được quan tước hiển vinh.
Đây là thiện nhân thiện quả. “Áo tía đai vàng” nói trong đoạn này là nói mặc quan phục màu tím, thắt lưng bằng vàng, đây là quan lớn. Chúng ta biết lễ phục ngày xưa, hoàng tộc mặc long bào màu vàng, chỉ giới hạn trong hoàng tộc. Văn võ bá quan, trong quan văn “áo bào màu tím” là tước vị cao nhất. Đại khái là Thượng thư trở lên, Bộ trưởng trở lên thì quan phục mới là màu tím, đây là một trường hợp. Tiếp theo, trường hợp thứ chín là Bao Bằng, người này bỏ tiền của ra để tu sửa chùa chiền, cũng được cảm ứng.
Huyện Gia Hưng có người tên Bao Bằng, tự là Tín Chi. Cha ông là Thái thú Trì Dương, sanh được bảy người con, Bao Bằng là con út. Ông ở rể nhà họ Viên ở huyện Bình Hồ, thường qua lại với cha tôi, giao tình rất thân. Ông học rộng tài cao, nhưng đi thi nhiều lần không đỗ, nên để tâm học Phật và Đạo giáo.
Chúng ta xem đoạn này. “Huyện Gia Hưng có người tên Bao Bằng”, ở đây đến tự của ông là Tín Chi cũng viết ra. Do đây có thể biết, Bao Bằng và Liễu Phàm tiên sinh khá thân. Phụ thân của Bao Bằng từng làm Thái thú Trì Châu. Thái thú cao hơn Tri huyện một bậc, cùng một cấp quan với Tri phủ. Trì Châu ở huyện Quý Trì, tỉnh An Huy. Ông sinh được 7 người con trai, Bao Bằng nhỏ nhất. Đại khái là ông nhiều con cái cho nên đứa con này ở rể trong nhà họ Viên tại Bình Hồ, là người một nhà với Viên Liễu Phàm, ở rể trong nhà họ. “Thường qua lại với cha tôi, có giao tình rất thân”, phụ thân của Liễu Phàm tiên sinh và Bao Bằng thường qua lại, họ là bạn bè tốt. Người này “học rộng tài cao”, nhưng “nhiều lần đi thi không đỗ”, mỗi lần đi thi đều không đỗ. Do đó “để tâm học Phật và Đạo giáo”, “nhị thị” là Phật giáo và Đạo giáo, ông đi học Phật, học Đạo.
Một hôm ông dạo chơi ở phía đông Mão Hồ, bỗng gặp một ngôi chùa trong thôn, thấy tượng Quán Âm Bồ-tát bị nước mưa dột ướt hết như đứng ngoài trời. Ông lập tức tìm trong túi được 10 lạng bạc, trao cho vị thầy trụ trì để tu sửa mái chùa. Vị tăng nói công trình quá lớn mà khoản tiền này thì quá ít, e là không thể làm được. Bao Bằng lại lấy ra bốn xấp vải đặc biệt sản xuất ở Tùng Giang, lại tìm trong rương hành lý được 7 chiếc áo hai lớp vải đay mới, rồi đưa hết cho vị tăng, người hầu có ý ngăn lại. Bao Bằng nói: “Chỉ cần thánh tượng không bị ướt thì ta dù có ở trần cũng không sao”.
Chúng ta xem đoạn này. Một hôm, ông ra ngoài đi du ngoạn, du ngoạn ở Mão Hồ, đột nhiên trong ngôi chùa của một thôn trang, thấy tượng Quán Âm Bồ-tát. Lúc đó trời mưa, phòng ốc trong chùa bị mưa dột, tượng Quán Âm Bồ-tát bị mưa ướt. Ông thấy vậy rất đau lòng, liền “lập tức tìm trong túi”, thác là túi tiền. Mở túi tiền ra xem, bên trong còn mười lạng bạc, “thập kim” chính là mười lạng bạc. Lấy ra hết, giao cho người xuất gia trong chùa, nhờ thầy tu sửa lại phòng ốc để Bồ-tát không bị mưa dột ướt hết nữa. Vị xuất gia này nói với ông, công trình tu sửa nóc nhà này rất lớn, mười lạng bạc quá ít, sợ không thể hoàn thành. Ông dẫn theo người tùy tùng, đi du ngoạn thường mang theo hành lý mang theo vài bộ áo quần. Trong này có bốn xấp vải sản xuất ở Tùng Giang. Mở rương ra xem còn có bảy bộ áo quần, đây đều là áo quần mới chưa mặc. Bên trong còn có thêm vài thứ tương đối quý giá, “trữ triệp” là sợi đay, áo quần được làm bằng sợi đay. “Triệp” là áo hai lớp. Có áo một lớp, có áo hai lớp đều là đồ mới. Người tùy tùng của ông nói: Thôi, cần gì phải quyên nhiều như thế! Bao Bằng nói chỉ cần thánh tượng không bị ướt, có thể sửa được nóc nhà này, tượng Quán Âm Bồ-tát không bị mưa dột ướt, cho dù ta ở trần cũng không sao. Đây là một tấm lòng chân thành!
Vị tăng cảm động rơi nước mắt nói: “Cúng dường tiền, vải và quần áo không khó, nhưng tấm lòng chí thành như thí chủ đây thật không dễ có”.
Người xuất gia nghe ông nói như vậy, vô cùng cảm động! Ông nói bố thí tiền bạc và những bộ áo quần, vải vóc này, đây không phải việc khó, nhưng tấm lòng chân thành này thì thật hiếm có.
Khi mái chùa tu sửa xong, ông đưa cha cùng đến chùa và ở lại trong chùa. Đêm đó ông mộng thấy thần già-lam đến cảm tạ nói rằng: “Con ông sẽ được hưởng phước lộc ở đời. Về sau con ông là Bao Biện, cháu ông là Bao Sanh Phương đều thi đỗ tiến sĩ, quan tước vinh hiển”.
Đợi đến khi mái chùa tu sửa xong, Bao Bằng đưa phụ thân ông cùng đi xem, buổi tối cũng ở trong ngôi chùa này. Tối đến Bao Bằng mộng thấy thần già-lam, già-lam là thần hộ pháp, thần hộ pháp đến cảm ơn ông. Thần nói, con cái ông sẽ được hưởng lộc ở đời, được phước báo. Quả nhiên về sau con trai ông là Biện, cháu là Sanh Phương đều đăng đệ. Đăng đệ là nói thi đỗ học vị tiến sĩ, làm quan lớn, đây là quả báo con cháu quý hiển. Tu sửa đạo tràng tự viện và tạo tượng Phật có công đức rất lớn. Trong Đại Tạng Kinh, có một bộ kinh gọi là kinh Công Đức Tạo Tượng. Hiện nay, chúng ta thấy rất nhiều nơi tạo tượng Phật lớn, hiện tại Trung quốc đã hưng khởi, nước ngoài cũng vậy. Tôi ở Tân Thành, Malaysia, năm ngoái chùa Cực Lạc tạo một tôn tượng Quán Thế Âm Bồ-tát đứng, cao hơn 30 mét. Chúng ta muốn hỏi rốt cuộc tạo tượng có công đức không? Thấy trường hợp của Bao Bằng là biết, tạo tượng đích thực có công đức, nhưng công đức cần phải đầy đủ điều kiện. Nếu chỉ tạo hình tượng Phật, Bồ-tát, không hoằng pháp lợi sanh, thì người thông thường nhìn thấy tượng Phật dễ sanh ra mê tín. Vậy tạc bức tượng này chẳng những không có lợi ích, trái lại khiến rất nhiều chúng sanh tạo nghiệp, như vậy là sai rồi. Cho nên, hoằng pháp lợi sanh rất quan trọng! Một đạo tràng nhất định phải giảng kinh, nhất định phải tu hành; gọi là giải môn và hành môn, “giải hành tương ưng” mới quan trọng.
Ở Trung Quốc, giải môn có rất nhiều tông phái, đạo tràng thuộc tông phái nào nhất định phải y theo kinh điển của tông phái đó để tu hành. Những kinh điển này phải đọc tụng, phải nghiên cứu, phải giảng giải thấu triệt và thực hành vào trong cuộc sống của mình, như vậy mới đầy đủ công đức. Ở trước đã nói với chư vị, tượng Phật có ý nghĩa biểu pháp. Nhà Phật dùng phương thức này để thời thời khắc khắc nhắc nhở chúng ta. Đa phần quần chúng thấy tượng Quán Âm Bồ-tát là biết mình phải phát tâm từ bi, phải từ bi giống như Quán Thế Âm Bồ-tát, giúp tất cả chúng sanh khổ nạn trong thế gian, vậy thì công đức của tôn tượng này rất lớn. Nếu không hiểu đạo lý này thì xem tượng Phật giống như thần minh, đến đó đốt hương lễ lạy, cầu phước, cầu tuệ, cầu con cái, cầu thăng quan phát tài, đó gọi là mê tín, đó là sai lầm. Tôi nói đến đây, các vị đồng tu chắc có thể thể hội được, trong xã hội hiện nay của chúng ta nên học Phật như thế nào, như thế nào mới đạt được lợi ích chân thật của Phật pháp? Trong hành môn, mỗi tông phái cũng khác nhau, như Thiên thai họ tu chỉ quán. Trong Thiền tông họ tham thoại đầu, hoặc dùng quán tâm. Trong Mật tông dùng phương pháp trì chú. Tịnh độ tông của chúng ta dùng phương pháp trì danh niệm Phật. Chọn một môn rồi thì công phu không được gián đoạn, đều có thể đạt được tâm thanh tịnh, đều có thể thành tựu giới định tuệ. Đây là công đức lợi ích thật sự của đạo tràng. Xem tiếp trường hợp thứ mười:
Huyện Gia Thiện có người tên Chi Lập.
Đây cũng là người Gia Thiện, tỉnh Triết Giang, ông họ Chi, tên là Lập. Phụ thân ông.
Giữ chức quản lý hồ sơ hình sự.
Ông quản lý án kiện hình sự trong nha môn.
Có tù nhân bị vu oan hãm hại phải chịu tội tử hình.
Ông biết có một phạm nhân thật sự bị oan khuất, bị phán trọng hình, có thể là bị phán tử hình.
Ông thấy vậy thương xót.
Trong lòng ông biết rõ, rất thông cảm với phạm nhân.
Muốn tìm cách cứu phạm nhân này.
Ông muốn giúp phạm nhân thoát tội. Người phạm nhân này biết được ý tốt của phụ thân Chi Lập muốn biện hộ thay ông.
Người tù nói với vợ rằng: “Chi tiên sinh có lòng tốt cứu giúp, ta thật hổ thẹn không biết lấy gì để báo đáp. Ngày mai nàng hãy mời ông ấy về quê, xin làm thiếp để hầu hạ, may ra ông ấy sẽ tận tâm giúp ta giải oan, vậy ta có thể giữ được mạng sống”.
Phạm nhân bàn bạc với vợ mình, ông nói Chi tiên sinh có ý giúp tôi thoát khỏi tội hình. Ông nói: Tôi rất hổ thẹn, không biết lấy gì để báo đáp, đây là ân cứu mạng. Ông nói ngày mai nàng có thể mời ông ấy về quê, có lẽ họ là người nông thôn. Rồi còn bàn với vợ, muốn vợ mình “xin làm thiếp để hầu hạ ông”. Ông nói: Có thể Chi tiên sinh càng dụng tâm hơn, như vậy tôi mới có thể thoát tội.
Vợ của phạm nhân rơi lệ mà vâng lời.
Người vợ này cũng vô cùng hiền lương, quả nhiên làm theo lời chồng.
Hôm sau, Chi tiên sinh đến nhà, người vợ tự ra mời rượu và nói rõ ý của chồng, Chi tiên sinh không đồng ý, nhưng ông vẫn tận tâm giải oan cho người tù này.
Vợ của phạm nhân này tự ra mời rượu, nói rõ ý của chồng mình với Chi tiên sinh, Chi tiên sinh nghe xong không đồng ý. Tuy không đồng ý nhưng vẫn toàn tâm toàn lực lật lại vụ án này.
Sau đó phạm nhân ra ngục, vợ chồng cùng đến nhà ông lạy tạ nói: Người nhân đức như ngài thời nay thật hiếm có.
Đây là một việc rất hiếm có, ông có thể làm được đại công vô tư, dùng tâm chân thành để lật lại vụ án oan. Khi vợ chồng người phạm nhân này đến lạy tạ, họ nói hiện tại ngài không có con trai, đã lớn tuổi nhưng vẫn chưa có con.
Nay biết ngài chưa có con, tôi có một đứa con gái, xin cho được theo làm thiếp hầu hạ lo liệu việc nhà. Điều này cũng rất phù hợp lễ nghĩa.
Ông nói tôi có một cô con gái, nó cũng đã lớn, tôi muốn đưa đến cho ông làm thiếp, hy vọng tương lai sanh cho ông vài người con. Điều này về lễ nghĩa có thể được.
Chi tiên sinh bèn mang lễ vật đến rước về, sau đó sinh ra Chi Lập.
Chi tiên sinh đồng ý tiếp nhận, sau đó sanh ra Chi Lập. Đây là việc thiện mà phụ thân của Chi Lập đã làm.
Hai mươi tuổi đã đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức thư ký trong Hàn lâm viện. Lập sinh ra Chi Cao, Chi Cao sinh ra Chi Lộc đều được tiến cử làm quan dạy học trong các trường châu huyện. Chi Lộc sinh ra Chi Đại Luân thi đỗ tiến sĩ.
Con cháu đời sau dần dần phát đạt. Chi Lập “20 tuổi đã đỗ tiến sĩ”, là 20 tuổi đỗ tiến sĩ, quan làm đến chức “thư ký trong Hàn lâm viện”, quan thư ký của viện Hàn lâm. “Chi Lập sanh Cao”, đây là cháu của Chi tiên sinh. “Cao sinh Lộc”, đây là mấy đời sau, mấy đời này “đều được tiến cử làm quan dạy học trong các trường châu huyện”, học vị này ở trước có giải thích, đây là cống sanh. “Học bác” là quan dạy học trong trường châu, huyện. “Chi Lộc sanh ra Chi Đại Luân thi đỗ tiến sĩ”, là đỗ tiến sĩ. Họ đều có nhiều quả báo rất rõ ràng, nơi ở của những người này đại khái đều cách Gia Hưng, Triết Giang không xa. Do đây có thể biết, khi tiên sinh Liễu Phàm nêu ra những người này mọi người đều biết, đều rất quen thuộc, đủ để chứng minh “gia đình tích thiện, ắt thừa niềm vui”. Đoạn văn ở sau là tổng kết:
Mười trường hợp kể trên, tuy việc làm của mỗi người đều khác nhau, nhưng giống nhau là đều làm việc thiện.
Đều là làm việc thiện, sau khi chúng ta đọc xong suy nghĩ kỹ, đều là việc lợi ích người khác. Toàn tâm toàn ý lợi ích người khác, lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia. Ngày nay, tâm lượng của chúng ta càng phải mở rộng hơn nữa, mỗi niệm phải nghĩ đến lợi ích của toàn thế giới. Chúng ta làm gì có bản lĩnh lớn như thế, có thể lợi ích toàn thế giới? Mặc dù là việc thiện nhỏ, chúng ta có một nguyện vọng, hy vọng làm tấm gương tốt cho người trên toàn thế giới, đây chính là lợi ích thế giới. Việc bất luận là lớn hay nhỏ, chỉ xem bạn dụng tâm [như thế nào]. Cho nên ngạn ngữ thường nói: “Lượng lớn phước lớn”. Nếu tâm lượng chúng ta lớn, dù chút việc thiện nhỏ cũng trở thành vô lượng vô biên thiện đức. Nếu như tâm lượng nhỏ, dù làm nhiều việc thiện, phước báo cũng không lớn lắm. Do đây có thể biết, tâm chuyển cảnh giới là thật. Bên dưới tiên sinh Liễu Phàm tiến thêm bước nữa giáo huấn con trai mình, nói với con mình thiện là gì, điều này rất quan trọng! Cần phải có năng lực phân biệt. Mời xem nguyên văn:
Nếu nói một cách tỉ mỉ thì thiện có chân thật - có giả dối, có ngay thẳng - có tà vạy, có âm thiện - có dương thiện, có đúng đắn - có sai lầm, có lệch lạc - có chánh đáng, có một phần - có viên mãn, có lớn lao - có nhỏ nhặt, có khó khăn - có dễ dàng.
Nói một hơi về tám cặp đối lập.
Những điều này đều phải phân biệt rõ ràng.
Đều cần phải phân biệt, cần phải rõ ràng.
Làm thiện mà không rõ lý, cứ nghĩ rằng mình đang làm thiện, đâu biết đó là đang tạo nghiệp ác, lao tâm nhọc trí mà không được chút lợi ích gì.
Thế gian hiện nay có rất nhiều người đang tu thiện, người trong nhà Phật càng nhiều hơn. Học Phật nhiều năm, hành thiện nhiều năm mà không có quả báo tốt. Do đó hoài nghi Phật pháp không linh, quay lại học các pháp môn khác, học các Tôn giáo khác. Như vậy bạn có thể được quả báo tốt hay không? Chưa chắc, tại sao lại xảy ra tình huống này? Chính là đối với thiện rốt cuộc là chân thật hay giả dối, là lệch lạc hay chánh đáng, một phần hay viên mãn đều không biết, nhưng tự cho là thiện. Nhờ những người có trí tuệ đức hạnh phân tích thì chúng ta mới biết được, hóa ra là tội nghiệp. Nếu chúng ta muốn tu thiện tích đức thì trước tiên phải hiểu rõ những điều này. Bây giờ chúng ta sẽ nghiên cứu từng vấn đề. Bên dưới, đoạn thứ nhất là “chân thật và giả dối”.
Thế nào gọi là chân thật và giả dối.
Điều này cần phải phân biệt rõ. Ông đưa ra ví dụ rằng:
Xưa có mấy vị Nho sinh.
Nho sinh là người đọc sách.
Đi bái kiến hòa thượng Trung Phong.
Hòa thượng Trung Phong là người thời nhà Nguyên, là cao tăng một thời, ngài có rất nhiều trước tác. Chúng ta thành lập Tịnh tông Học hội, có khi cũng không tránh khỏi tùy thuận tập tục, làm pháp hội siêu độ. Nhưng chúng tôi siêu độ không giống với các tự viện khác, chúng tôi chỉ áp dụng một phương pháp. Đa phần là ngày cuối cùng sau khi Phật thất viên mãn, chúng tôi sẽ tổ chức một khóa Phật sự Tam Thời Hệ Niệm. Nghi thức Phật sự Tam Thời Hệ Niệm này do hòa thượng Trung Phong viết, là tác phẩm của ngài, Phật sự này âm dương đều lợi ích. Những năm gần đây, chúng tôi tuyên dương khắp nơi ở Trung Quốc và ở nước ngoài. Cho nên đồng học Tịnh tông đối với hòa thượng Trung Phong không hề xa lạ.
Hỏi rằng:
Có một vài người đọc sách thỉnh giáo thiền sư Trung Phong.
Nhà Phật luận về thiện ác báo ứng như bóng theo hình.
Phật giáo và Đạo giáo thường nói: “Thiện ác báo ứng, như bóng theo hình”.
Hiện nay có một số người làm việc thiện, nhưng con cháu lại không hưng thịnh; còn một số người làm việc ác, nhưng gia đình lại rất hưng vượng. Vậy thì Phật nói về thiện ác không có căn cứ.
Cách nói này của Phật không đáng tin! Vì sao thấy người này làm thiện, nhưng con cháu họ không phát đạt? Còn người này làm ác, nhưng gia đạo của họ lại rất hưng thịnh? Trong xã hội hiện nay có trường hợp như vậy, chẳng những chúng ta có nghe nói, mà còn tận mắt chứng kiến. Thiền sư Trung Phong giải thích với họ như thế nào?
Thiền sư Trung Phong nói: “Người phàm tâm tánh chưa được gột rửa, huệ nhãn chưa khai mở, nên cho thiện là ác, cho ác là thiện. Những việc như vậy thường thấy rất nhiều. Họ thấy biết sai rồi nhưng không tự ân hận chính mình đúng sai điên đảo, mà ngược lại còn oán trách trời đất bảo là báo ứng không đúng”.
Lời của thiền sư Trung Phong nói rất thâm thúy, người thường không hiểu. Chúng ta là phàm phu, phàm phu chưa gột sạch tình nhiễm. Pháp nhãn, huệ nhãn của chúng ta chưa khai mở, cho nên thường thấy sai, nhìn sai lệch vấn đề. Coi thiện thành ác, coi ác thành thiện, có việc như vậy không? Thật có! Cho nên, bạn không cảm nhận được bản thân mình đúng sai điên đảo, trái lại oán trách ông trời báo ứng không công bằng, như vậy tội càng nặng hơn.
Họ nói:
Những người học trò này nói:
Thiện ác làm sao có thể lẫn lộn được.
Vì sao chúng ta lại xem thiện ác lẫn lộn như thế?
Hòa thượng Trung Phong bảo họ nói thử xem, thế nào là thiện, thế nào là ác.
Lão Hòa thượng có trí tuệ, ngài có phương pháp dạy học. Không cần giải thích, dạy họ tự nói thử xem. Quý vị nói thử xem thiện là gì, ác là gì? Nói cho tôi nghe thử xem.
Một người nói: “Mắng người đánh người là ác, cung kính, lễ phép với người là thiện”.
Có một học trò nói mắng người, đánh người là ác. Cung kính người, lễ kính người là thiện.
Hòa thượng Trung Phong nói: “Không nhất định là như vậy”.
Lời ông nói cũng chưa chắc. Lại có một học trò nói:
Có người nói: “Tham tài, dùng thủ đoạn xấu để đạt được là ác, liêm khiết có phẩm hạnh là thiện. Hòa thượng Trung Phong nói: “Chưa chắc đã như vậy”. Mỗi người đều nói ra cái hiểu của mình về thiện và ác, nhưng hòa thượng đều bảo không hẳn là vậy, nên có người hỏi ngài: “Thế nào là thiện, thế nào là ác”.
Rất nhiều học trò, mỗi người đều nói ra cách nhìn của mình về thiện và ác, thiền sư Trung Phong đều không đồng ý. Cho thấy những người trẻ tuổi này kiến thức nông cạn, nhìn vấn đề chỉ nhìn bên ngoài, không nhìn sâu xa thấu đáo, thế nên luôn nhìn sai vấn đề. Thiền sư Trung Phong phủ định tất cả cách nhìn của họ. Những học trò này lại thỉnh giáo thiền sư, rốt cuộc như thế nào là thiện, như thế nào là ác?
Hòa thượng Trung Phong nói với họ rằng: “Có lợi cho người là thiện, có lợi cho mình là ác”.
Đây là định ra tiêu chuẩn của thiện và ác, bạn khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác là lợi ích người khác, lợi ích xã hội, lợi ích đại chúng thì đây là thiện, còn nếu như tự tư tự lợi là ác.
Có lợi cho người thì đánh người mắng người đều là thiện.
Bạn vì muốn tốt cho người này, thì dù đánh họ mắng họ cũng là thiện! Cha mẹ dạy con cái có khi đánh, có khi mắng, vì sao vậy? Vì tốt cho con, đó không phải ác, mà là thiện. Học trò không giữ phép tắc, thầy giáo xử phạt chúng, thời xưa có xử phạt về thể xác, hiện nay ở trường học hình như không còn nữa. Khi tôi đi học từng bị phạt về thể xác, thầy đánh bàn tay, phạt quỳ, chúng tôi đều từng bị phạt. Đây không phải ác, đây là thiện.
Nếu chỉ lợi ích cho riêng mình thì cung kính, lễ phép với người cũng đều là ác.
Nếu vì tự tư tự lợi, cung kính người khác, lễ kính người khác, đó là gì? Đó là nịnh bợ, đó là ác không phải thiện. Đây là thiền sư Trung Phong dạy bảo nhóm thanh niên này.
Do đó người hành thiện, lợi ích cho người chính là việc công, việc công chính là chân thật. Lợi ích cho mình chính là việc tư, việc tư chính là giả dối.
Nhất định phải hiểu rõ thiện thật và thiện giả. Tuyệt đối không có tư tâm, tuyệt đối không có tư lợi, khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác đều là lợi ích xã hội, lợi ích đại chúng, ngày nay chúng ta gọi là lợi ích thế giới. Lợi người, đại công vô tư, công là thật, thiện này là thật. Lợi mình, đó là tư tâm, tư tâm thì thiện này là giả, không phải thật.
Làm việc thiện xuất phát từ tâm chân thành là chân thật, còn chỉ bắt chước làm theo là giả dối.
Thêm một bước nữa nói, nếu tâm này bạn phát ra từ trong chân tâm, lợi ích đại chúng, thì đây là thật. Nếu thấy người khác làm chúng ta cũng bắt chước, “tập tích” là làm theo, đây là giả, không phải phát ra từ chân tâm, làm việc thiện quan trọng nhất là chân tâm. Ở trước, chúng ta đọc qua mười trường hợp, mười người này tu thiện, về sau đều có quả báo tốt, nguyên nhân là gì? Nhờ vào chân tâm. Chỉ biết giúp người khác, tuyệt đối không cầu chút tự tư tự lợi nào, thật hay giả đều phân biệt từ đây.
Lại nữa, làm thiện mà không cầu quả báo là chân thật, còn mong cầu quả báo là giả dối. Những việc như vậy bản thân cần phải tỉ mỉ xem xét để phân biệt.
Tự mình phải quan sát tường tận. “Làm thiện mà không cầu quả báo”, chính là những việc thiện chúng ta làm, không lộ dấu vết, không cần để người khác biết thì việc thiện bạn làm là thật, đây gọi là âm đức. Nếu là “làm thiện mà mong cầu quả báo”, bạn có ý đồ, có mục đích thì bạn mới làm những việc thiện này, vậy việc thiện này là giả. Những vấn đề này đều phải tự mình nghiêm túc phản tỉnh, quan sát. Thứ hai là ngay thẳng và tà vạy:
Thế nào là ngay thẳng và tà vạy.
Tiên sinh Liễu Phàm nói:
Người đời nay thấy những kẻ cẩn thận dễ sai bảo đều cho họ là người thiện mà chọn dùng, nhưng thánh nhân lại chọn dùng những người có chí khí, biết vươn lên, quyết không làm điều quấy. Những người cẩn thận dễ sai bảo tuy ở trong 1 thôn xóm mọi người đều thích, nhưng lại là giặc làm hại đạo đức. Ở đây nói rõ tiêu chuẩn thiện ác của người đời hoàn toàn trái ngược với thánh nhân. Từ đó mà suy ra, mọi tiêu chuẩn lấy bỏ của người đời đều có sai lầm.
Đoạn này nói, thế nào gọi là ngay thẳng, thế nào gọi là tà vạy. Người bây giờ, nhìn thấy người cẩn thận, không cứng cỏi, đều nói họ đây là người thiện, trong xã hội đều rất tôn trọng họ. Nhưng thánh hiền thời xưa, họ lại yêu thích người có chí khí, có chí tiến thủ, hoặc là biết giữ bổn phận, không làm chuyện sai trái. Vì người như vậy mới có lòng gan dạ và hiểu biết, họ mới thật sự có thể phục vụ cho quần chúng, gánh vác trọng trách cho quốc gia. Nếu người trong xóm làng, tuy rất cẩn thận, tuy là người tốt, nhưng cá tính rất nhu nhược, như nước chảy bèo trôi, không có chí khí, không chịu gánh vác. Người như vậy, Phu tử gọi là “kẻ giả nhân giả nghĩa”, cho đó là “giặc làm hại đạo đức”. “Giặc làm hại đạo đức”, họ không phải là tấm gương tốt, mọi người đều học theo họ, như vậy thì hỏng rồi. Cho nên, người thế gian đối với tiêu chuẩn về người thiện, người ác hoàn toàn trái ngược với thánh nhân. “Từ đó mà suy ra, mọi tiêu chuẩn lấy bỏ của người đời đều có sai lầm”, “mậu” là sai lầm. Thánh nhân lấy và bỏ như thế nào? Thánh nhân là người hiểu biết, người có học vấn, có đức hạnh, có kinh nghiệm, họ có thể phân biệt người thiện, kẻ ác. Mấy câu bên dưới nói rất hay:
Tiêu chuẩn phước thiện, họa ác của quỷ thần cũng giống với thánh nhân mà không tương đồng với quan niệm lấy bỏ của người phàm tục.
Đây là nói đến thiên địa quỷ thần, kiến giải của họ tương đồng với thánh hiền nhân, nhưng đích thực không giống với cách nhìn của người thế tục. Tiêu chuẩn phước thiện họa ác của quỷ thần như thế nào? Ở trước đưa ra những ví dụ này, chúng ta đều có thể quan sát được. Chúng ta muốn hỏi, phải chăng quỷ thần có quyền đem phước họa giáng xuống cho con người? Không có, cần phải hiểu điều này, quỷ thần không có quyền. Như người thế gian chúng ta, có người làm việc thiện, có người làm việc ác. Nhân viên chấp pháp, cảnh sát hình sự dùng hình phạt với bạn, phải chăng họ có quyền? Không phải. Là vì bạn phạm tội nên họ mới lấy còng ra còng tay bạn lại. Nếu bạn không phạm tội thì họ không dám xâm phạm bạn. Trời đất quỷ thần cũng giống như cảnh sát hình sự vậy, là vì bạn tạo việc thiện và bất thiện, cho nên họ đến khen thưởng bạn, họ đến trừng phạt bạn. Khen thưởng hay trừng phạt đều là tự làm tự chịu, nhất định phải hiểu đạo lý này.
Tốt rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây.