/ 3
9

LÀM THẾ NÀO HÀNG PHỤC PHIỀN NÃO

Phần 3

(Trích lục từ Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm Thứ Nhất)

Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Giảng tại: Báo Ân Đường Học hội Tịnh Tông Singapore

Địa điểm: Đạo tràng Cư Sĩ Lâm Singapore

Thời gian: Tháng 08 năm 2000

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ


Không luận là ở thuận cảnh hay là nghịch cảnh, thiện duyên hay là ác duyên, bạn đều tự tại, bạn đều tràn đầy trí tuệ. Vì sao vậy? Vì chính bạn không có ý niệm được mất. Việc này ta đã làm tốt rồi, ta không có được cái gì tốt cả, mọi người được tốt thôi; nếu việc này ta làm không thành công thì ta cũng không có tổn thất, tổn thất của mọi người, tổn thất của xã hội, không hề có liên quan với cá nhân ta, bạn nói xem cá nhân ta làm sao không an vui, làm sao không tự tại?! Cho nên cá nhân tràn đầy trí tuệ thì nhất định không có phiền não, trí tuệ mất đi rồi thì phiền não liền hiện hành, đó là vì sao vậy? Ý niệm tự tư tự lợi xen tạp ở trong đó. Việc này Phật đã nói, chính là bạn tu học tất cả thiện pháp nhưng trong đó xen tạp bất thiện, sợ được sợ mất, có được rồi thì hoan hỉ, mất đi rồi thì đau buồn, vậy thì bất thiện, xen tạp bất thiện. Thuần thiện là nhất định không có xen tạp danh vọng lợi dưỡng ở trong đó, không xen tạp tham sân si mạn, nhất định là vô ngã. Trên Kinh Kim Cang nói: “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, thì họ làm sao mà không tự tại chứ? Như vậy thì câu “chúng tướng vi nghiêm thật đã thông hiểu rồi, thật có thể triển khai ngay trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Làm sao để triển khai ngay trong cuộc sống hiện tại của chúng ta? Vì tất cả chúng sanh làm ra tấm gương tốt nhất, chúng sanh khởi tâm động niệm đều vì lợi ích của chính họ, bạn khởi tâm động niệm đều vì xã hội, vì chúng sanh, không vì chính mình, thì đây chính là “chúng tướng vi nghiêm”.

Xã hội hiện tại mọi người tranh lợi, người học Phật chúng ta xem cái lợi rất nhạt, xem cái lợi rất nhẹ, cho nên người học Phật cùng với bất cứ người nào trong mọi tầng lớp đều không có xung đột, đều có thể làm bạn rất tốt. Vì sao vậy? Cái họ muốn ta đều không muốn, cái ta muốn thì họ lại không muốn nên không có xung đột. Họ muốn tranh thì ta muốn nhường, họ không muốn nhường thì ta lại không muốn tranh, vậy thì không thể thành bạn tốt được hay sao? Không thể làm bạn là vì có xung đột, hai người đều tranh nhau thì sẽ khó thôi, hai người nhường nhau thì sẽ tốt hơn. Một người tranh một người nhường thì bình an vô sự, tai nạn sẽ không thể xuất hiện. Cho nên chúng ta xem thử xã hội hiện tại, cách nghĩ và cách nói của mọi người là gì? Cách làm của họ ra sao? Chúng ta nên tỉ mỉ quan sát, họ đều là trái nghịch với tánh đức nhưng tương ưng với tai nạn. Chư Phật Như Lai rủ lòng thương bằng cách nào? Nhà Phật giảng từ bi, giảng nói phương tiện, giảng nói Tứ nhiếp pháp, Lục độ, Tam vô lậu học. Giảng ở đâu vậy? Không phải ở trong sách vở, mà muốn học trò đời sau chúng ta làm ra để cho người xem. Từ bi của Phật ở đâu vậy? Từ bi của Phật ở trong tâm của ta, ở ngay hành vi của ta; phương tiện của Phật ở ngay trong đối nhân xử thế tiếp vật thường ngày của chúng ta. Phật giảng Tứ nhiếp pháp, Lục độ, chúng ta đều phải đem ra thực hiện thì việc này chính là “chúng tướng vi nghiêm”.

Học trò của Phật là đại biểu cho Phật, thế nhưng chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta có phải thật là học trò của Phật hay không? Khởi tâm động niệm, đời sống việc làm có giống một Bồ Tát hay không? Quả nhiên giống thì không hổ thẹn là đệ tử của Như Lai. Nếu như không giống, khởi tâm động niệm, hành vi việc làm hoàn toàn trái với dạy bảo của Phật thì sai rồi, đó là học trò hư của Phật, là đứa con hư của Phật. Chúng ta có thể làm việc như vậy sao? Không thể đem Phật đức từ ngay trong tâm hạnh của chúng ta biểu hiện ra thì chúng ta có tội, chúng ta có lỗi với Phật Bồ Tát. Nhìn thấy người khác làm thiện, xem thấy người khác làm việc tốt thì chúng ta hay khởi tâm đố kỵ, nhìn thấy người không bằng như ta thì chúng ta hay khởi tâm ngạo mạn, xem thường người ta. Như vậy không phải đệ tử Phật. Chúng ta phải cố gắng nghĩ xem chúng ta có những tâm bệnh này hay không? Nếu có thì phải mau sửa đổi, không có thì càng thêm khích lệ là chính mình làm được không tệ, loại tâm bệnh này vĩnh viễn không được phạm phải.

/ 3