LÀM THẾ NÀO HÀNG PHỤC PHIỀN NÃO
Phần 2
(Trích lục từ Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm Thứ Nhất)
Người giảng: Lão Hòa Thượng Tịnh Không
Giảng tại: Báo Ân Đường Học hội Tịnh Tông Singapore
Địa điểm: Đạo tràng Cư Sĩ Lâm Singapore
Thời gian: Tháng 08 năm 2000
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: Diệu Hiền cư sĩ
Lớp bồi dưỡng chúng ta đã làm được ba năm rồi, có thể xem là có được chút thành tích, cũng nhận được sự khẳng định của quốc gia. Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thương lượng với chúng ta, cùng nhau hợp tác, việc này tốt. Ngày 15 tháng 10 khai giảng, đó là phía Trung Quốc hợp tác với chúng ta. Chúng ta nhận học sinh chỉ nhận 30 người, có người hỏi vì sao không nhận nhiều một chút? Chúng ta không có nhiều thầy giáo đến như vậy, hiện tại nhận 30 người là được rồi. Phương pháp giáo học của chúng ta, nhìn chung không giống như trường học khác, chúng ta ba người là một lớp, một thầy giáo dạy ba học trò, cho nên họ đưa qua 30 học trò thì chúng ta mở mười lớp, chúng ta phải có 12 vị thầy giáo. Có hai thầy giáo dự bị khi có thầy giáo bị bệnh hoặc có việc gì phải đi ra ngoài, chúng ta lập tức có thầy giáo thế vào. Chúng ta chuẩn bị 12 thầy giáo để mở mười lớp, cho nên ở đây không giống như cách dạy của nơi khác. Học sinh ở đây của chúng ta là mỗi một khóa, ngay trong một năm chỉ học một bộ kinh, không được học hai bộ, học bộ kinh đó phải có thể lên giảng đài giảng cho hay.
Trong ba ngày qua, buổi tối thời gian tiếp xúc với các vị ít, vì tiếp đãi một vị đồng tu phía bên nước Mỹ. Ông đến nơi đây thăm viếng Đại sứ của Trung Quốc đặt ở Singapore, đàm phán về vấn đề hòa bình thống nhất của đôi bên, đây là một việc tốt. Hôm nay ông đi rồi, tôi nghe nói hôm nay đến Đài Loan, ngày mai thì quay về Mỹ. Bởi vì ở Mỹ ông là người có quan hệ rất rộng, ông là một thương nhân. Tôi biết được ông cùng với tổng thống tiền nhiệm của Mỹ có quan hệ rất tốt, con của vị tổng thống này cũng đang ra tranh cử, cũng có quan hệ rất tốt với vị này, ông cũng quen biết rất nhiều vị trong nghị viện quốc hội Mỹ. Tôi thỉnh cầu ông là các học trò chúng ta sau khi tốt nghiệp, nhờ ông ở Mỹ xếp đặt cho họ tuần tự đi giảng kinh. Từ Canada đến nước Mỹ, học sinh chúng ta đến từng bang thành phố lớn giảng qua một lượt, sau đó trở về Trung Quốc thì cái nhìn của mọi người đối với các vị sẽ khác đi vì các vị là người giảng kinh ở nước ngoài về. Cho nên ở khắp các nơi trên toàn thế giới, tôi sẽ đến bố trí cho các vị, hy vọng khi đến mỗi quốc gia trên toàn thế giới giảng kinh, khi quay về Trung Quốc đi giảng, người ta không thể nói bạn là mê tín? Bạn xem, cái bạn giảng người ngoại quốc đều nghe, người ngoại quốc đều tin tưởng, hơn nữa mỗi lần bạn đến nơi nào giảng, chúng tôi đều thu hình cho bạn, băng thu hình thảy đều có thể lưu thông ở Trung Quốc. Mọi người nhất định phải chăm chỉ nỗ lực. Nếu bạn không chăm chỉ không nỗ lực, tương lai lưu thông băng thu hình của bạn, mọi người phê bình chỉ trích thì sẽ rất hỗ thẹn. Bạn chính mình nhất định phải chăm chỉ nỗ lực mà học tập, tôi toàn tâm toàn lực giúp đỡ mọi người. Tôi đi tìm quan hệ nước ngoài, chỉ cần các vị cố gắng nỗ lực, tất cả vì để đem giáo học chí thiện viên mãn của Phật đà mở mang rộng lớn, không những cứu người Trung Quốc, cứu người phương Đông, chúng ta cũng phải cứu người phương Tây.
Người Phương tây có thể tiếp nhận Phật pháp hay không? Không vấn đề gì. Họ đến hỏi tôi, phương Tây là quốc gia Cơ Đốc Giáo, so với văn hóa của chúng ta căn bản là không hề giống nhau, họ hỏi tôi làm thế nào để giới thiệu? Tôi nói rất đơn giản mà, Thích Ca Mâu Ni Phật là hóa thân của Thượng Đế, vấn đề này chẳng phải đã được giải quyết rồi sao? Là người một nhà, không phải người hai nhà đâu, Thích Ca Mâu Ni Phật là hóa thân của Thượng Đế. Nếu nói với người bên đây của chúng ta, thì nói Thượng Đế là hóa thân của Thích Ca Mâu Ni Phật, vậy chẳng phải bình đẳng sao? Như vậy thì không có việc gì xảy ra? Thần ái thế nhân, Phật lấy từ bi làm gốc, lý luận quan niệm căn bản hoàn toàn giống nhau, mục tiêu cũng hoàn toàn giống nhau, nhưng phương pháp không như nhau là vì văn hóa phương Đông và phương Tây không đồng nhau, bối cảnh lịch sử không giống nhau, cho nên trên phương diện giáo học có sự khác biệt, nhưng lý luận quan niệm cơ bản và mục tiêu thì không hề khác biệt. Cho nên tất cả tôn giáo trên toàn thế giới có thể hợp tác. Ngày nay chúng ta đang làm công việc này, như vậy mới chân thật gọi là tâm đại bi, tâm đại từ bi. Từ bi, hai chữ này hàm nghĩa ở trong Phật pháp là, bi là cứu khổ, xem thấy chúng sanh khổ nạn, chúng ta phải cứu giúp họ; Từ là ban vui, ban vui chân thật nhất chính là dạy bảo, điều này chúng ta phải nhận biết cho rõ ràng.