/ 6
370

LÀM SAO XÂY DỰNG

QUAN HỆ HAI GIỚI

HÒA HỢP TÔN TRỌNG

 

Ý nghĩa truyền thống của hôn lễ

Cô giáo Lý Việt giảng

Cô giáo Lý Việt là giảng sư Trung tâm Giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia, chủ nhiệm Trung tâm Khởi mông quốc học hiếu liêm Hải Khẩu. Nhiều năm nay cô đã theo đuổi công tác giảng dạy văn hóa truyền thống, nhiều lần tiến hành bồi dưỡng lễ nghi cho các cơ quan chính phủ, các trường đại học cao đẳng, bộ đội, quan binh võ trang, doanh nghiệp... Nhận lời mời của phòng Tư pháp tỉnh Hải Nam, cô đã tổ chức toàn diện và phối hợp triển khai công tác giáo dục văn hóa truyền thống trong hệ thống nhà giam Hải Khẩu. Bài văn này được cô giáo Lý Việt giảng năm 2011 tại Trung tâm Giáo dục văn hóa truyền thống Malaysia tại buổi hôn lễ tập thể của ba cặp cô dâu chú rể.

 

Ý nghĩa chân chánh của hôn lễ

Xin chào các vị lãnh đạo, các vị cha mẹ và người thân của ba cặp cô dâu chú rể, xin chào ba cặp cô dâu chú rể, xin chào các vị khách quý, các bạn, chào mọi người!

Hôm nay là ngày đại hỉ của ba cặp cô dâu chú rể ở trung tâm chúng ta, cả hội trường tràn ngập không khí long trọng, trang nghiêm và hỉ khánh. Nhân cơ hội này, tôi hết sức vinh hạnh có thể cùng mọi người tìm hiểu một chút về hôn lễ truyền thống Trung Hoa. Trong kinh điển có ba bộ kinh Lễ học, trong đó có một bộ là “Lễ Kí”. Trong “Lễ Kí” có một bài văn tựa đề là “Hôn nghĩa”, khi mở đầu, đã giảng ra hết mục đích, nội hàm ý nghĩa chân chánh của hôn lễ. “Hôn lễ giả, tương hợp nhị tánh chi hảo, thượng dĩ sự tông miếu, nhi hạ dĩ kế hậu thế dã, cố quân tử trọng chi”.

Trong thời cổ đại, sau thời Hoàng đế đã có một quy định, là quy định gì? Đồng tánh bất hôn, người có cùng họ không thể thành hôn với nhau. Tổ tiên dân tộc Trung Hoa vào mấy ngàn năm trước đã hết sức coi trọng thuyết ưu sinh, thuyết di truyền. Chúng ta đều biết, người cùng tộc hoặc cùng họ, quan hệ huyết thống khá gần gũi mà thành hôn với nhau sẽ khiến cho trí lực, thể lực của con cháu đời sau bị giảm sút, thậm chí mấy đời sau có thể còn xuất hiện hiện tượng đoản thọ, chết yểu. Cho nên tổ tiên dân tộc Trung Hoa chúng ta hết sức hộ niệm con cháu hậu thế, hy vọng huyết thống của dân tộc chúng ta trong cả quá trình truyền thừa đều giữ được sự tốt đẹp của chúng, như vậy văn hóa chúng ta mới có thể truyền thừa, phát huy rộng rãi. Cho nên trước đây người ta lấy vợ không được có cùng họ, cùng họ trăm đời không cưới nhau. Chúng ta có lúc vừa gặp mặt liền nói “Anh cũng họ Lý sao, vậy chúng ta năm trăm năm trước là người một nhà”, tức là nói tới vấn đề huyết thống.

“Hợp nhị tánh chi hảo”, từ “hảo” này tức là đẹp, “nam lớn lên lấy vợ, nữ lớn lên gả chồng”, vợ chồng thành gia, nhất định là một việc tốt đẹp nhất trong cuộc đời chúng ta. Trong “Kinh Thi” cũng có nói “vợ con hòa hợp, như trống nhịp đàn”. Sự tốt đẹp này, không phải chỉ nói chuyện hai vợ chồng tâm đầu ý hợp, hai người vui vẻ, sau khi thành gia liền chăm lo vun bồi cho tổ ấm an lạc nho nhỏ của họ, hưởng thụ thế giới của hai người. Trong quan niệm hôn nhân thời cổ đại của chúng ta, không có lớp ý nghĩa này. “Thượng dĩ sự tông miếu”, cũng tức là vợ chồng một khi thành gia, phải cúng tế tổ tiên, phải thời thời ghi nhớ ân đức tổ tiên. “Hạ dĩ kế hậu thế”, tức là phải đem những gia đạo, gia phong, gia quy, gia nghiệp tốt đẹp mà tổ tiên để lại đời đời thế thế truyền thừa xuống, quang vinh dòng tộc, vinh hiển tổ tông, không khiến tổ tiên chúng ta mất mặt. Cho nên, chúng ta không những phải dưỡng dục con cái, giáo dục con cái, càng quan trọng hơn nữa là đem văn hóa lâu đời bất diệt của tổ tiên tiếp tục truyền thừa lại.

 

Quân tử kính trọng quan hệ giữa hôn lễ và sự đại trị thiên hạ

Hơn 2500 năm trước, Khổng Lão Phu Tử và Lỗ Ai Công có một đoạn đối thoại, có thể giúp chúng ta cảm nhận càng sâu sắc giá trị chân chánh của hôn nhân.

Lỗ Ai Công hỏi Khổng Lão Phu Tử: “Xin hỏi đại lễ là như thế nào? Khi quân tử nói về lễ, biểu hiện hết sức kính trọng, đây là bởi vì sao? Ngài có thể nói cho ta nghe không?”. Khổng Lão Phu Tử đáp: “Một bình dân bá tánh như tôi, sao có thể cùng ngài nói về lễ?”. “Ngài cứ nói cho ta nghe một chút, ta rất muốn tìm hiểu”. Khổng Lão Phu Tử liền nói: “Nghe nói những việc liên quan đến sự sinh tồn của nhân dân, là lễ lớn nhất”. Tại sao là lễ lớn nhất? Do không có lễ, thì không cách nào câu thông với thiên địa thần linh. Cúng tế, đều phải có lễ nghi cúng tế, mới có thể diễn đạt được thành ý thật sự trong tâm chúng ta đối với tổ tiên, thiên địa. Không có lễ, thì không cách nào phân biệt địa vị quân thần, thượng hạ, trưởng ấu; không có lễ, thì không cách nào phân biệt những quan hệ thân mật giữa nam nữ, phụ tử, huynh đệ. Cho nên, nếu không có lễ, quan hệ ngũ luân của nhân loại sẽ không còn tồn tại, luân thường sẽ không còn, thế giới này sẽ loạn, văn hóa của chúng ta không thể truyền thừa lại. Nói tới đây, Phu Tử nói “Cho nên, là một quân vương, thì phải dạy dỗ nhân dân những lễ này, không chỉ khiến họ hiểu rõ, học tập, còn khiến tất cả hành vi của họ đều phải tuân theo lễ mà hành”.

/ 6