LÀM SAO ĐỂ XÂY DỰNG
CHÁNH TRI CHÁNH KIẾN TRONG TU HỌC
Tập 5
Chủ giảng: Pháp sư Thành Đức
Ngày 14 tháng 5 năm 2019
Xin chào cả nhà, chúc mọi người buổi sáng cát tường, A Di Đà Phật!
Khóa học “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” của chúng ta đã sắp xếp cũng được khoảng 4 tuần lễ rồi, tôi nghĩ chúng ta nhớ được bao nhiêu câu kinh, nhớ được bao nhiêu câu chuyện, đó đều là thứ yếu, điều quan trọng nhất nhất nhất là chúng ta phải thật sự tin sâu nhân quả. Quý vị không nhớ được điều gì hết, đừng lo, đừng quá chướng ngại, phải không? 4 chữ (tin sâu nhân quả) này nhất định phải đem về, 4 chữ này nhất định phải để trong tâm, không được rời xa giây lát, bài thuốc này đảm bảo sẽ trị được bách bệnh. Hình như tôi đã biến thành bác sĩ rồi, mọi người có cảm giác này không? Hình như tôi đã kê không ít bài thuốc. Thật sự tin sâu nhân quả, phiền não gì cũng không còn nữa.
Cho nên diệu pháp của Phật có thể chỉ 1 câu thôi cũng đủ giúp chúng ta khôi phục lại bản tánh. Câu tin sâu nhân quả này có giúp chúng ta khai ngộ được không? Có đấy, điều này không phải tôi nói, “Thâm tín nhân quả giả, chung tất đại minh phu tâm tánh” (Người tin sâu nhân quả, cuối cùng ắt hiểu được thấu suốt tâm tánh), “Thiện đàm tâm tánh giả, tất bất khế ly ư nhân quả” (Người khéo bàn tâm tánh ắt chẳng lìa nhân quả). Vậy nên những người thông đạt cả về giáo lý lẫn tâm tánh thì họ sẽ luôn nói về nhân quả, “Thâm tín nhân quả giả, chung tất đại minh phu tâm tánh” (Người tin sâu nhân quả, cuối cùng ắt hiểu được thấu suốt tâm tánh). Và sở dĩ chúng ta không thể minh tâm kiến tánh là chướng ngại từ đâu? Có phân biệt chấp trước, có vọng niệm. Người tin sâu nhân quả thì họ sẽ an trụ trong chân lý này, an trụ đến một ngày nào đó họ liền khai ngộ, bởi vì bất kì việc gì cũng sẽ không tác động đến tâm trạng của họ, phải không?
Tại sao người ta lại u buồn về quá khứ? Không cam tâm. Tại sao người ta lại lo lắng về tương lai? Họ sợ sau này không tốt. “Muốn biết kết quả trong tương lai, hãy hỏi công phu ở hiện tại”, tương lai và hiện tại có tách rời được không? Toàn bộ đều là nhân quả tương tục, sư trưởng chúng ta nhấn mạnh nhân quả ở đâu? Ở ngay trước mắt. Người biết quan sát, chư pháp thật tướng nằm ở đâu? Điều này phải khéo quan sát, khéo thể ngộ, người không khéo quan sát thể ngộ thì nghe kinh ba bốn chục năm, kinh điển vẫn là kinh điển, cuộc sống vẫn là cuộc sống, hai việc này chẳng hề liên quan đến nhau.
Vậy những người biết quan sát nhân quả, sư trưởng chúng ta có biểu diễn cho chúng ta xem nhân quả không? Có, phải không? Đúng rồi. Nhân quả mà sư trưởng chúng ta biểu diễn vô cùng đặc sắc, nhân quả thật ra chính là nhân duyên quả, “duyên”, nó có thiện duyên và ác duyên, chúng ta vừa nghe đến ác duyên thì có thấy buồn bã không? Khởi lên cái tâm buồn phiền này, không phải gió động, cũng không phải phướn động, mà tâm chúng ta động rồi. Vì thế trọng điểm thật sự không nằm ở cảnh duyên bên ngoài, mà nằm ở nhân tâm của chính chúng ta, chúng ta có khéo dụng tâm hay không. Người khéo dụng tâm thì khi đối mặt với những cảnh giới mà người đời không thể nào chịu đựng nổi, thì họ lại có thể không ngừng nâng cao cảnh giới của mình. Cho nên sư trưởng chúng ta nói, quý vị biết không? Câu nói này chúng ta đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần, chúng ta đã học được chưa?
Ngoài việc phải đem câu “tin sâu nhân quả” về, chúng ta còn phải đem câu “có biết không” về nữa, OK? Nhất định phải thể ngộ được câu này, thật ra “có biết không” tức là có biết dụng tâm hay không. “Tâm năng chuyển vật, tắc đồng Như Lai” (Nếu tâm có thể chuyển được mọi vật thì cũng giống Như Lai vậy), Như Lai và chúng ta khác nhau chỗ nào? Có khác biệt nhiều lắm không? Không có, chỉ giữa 1 niệm. Những việc mà đời này chúng ta cảm thấy không thể nào chịu đựng nổi, thậm chí đã để trong tâm 10 năm, 20 năm rồi, quý vị xem việc như vậy có nghiêm trọng không? Trên tướng mà nói, nút thắt trong tâm đã 20 năm trời không tháo gỡ được, tất nhiên là nghiêm trọng. Nhưng nói từ trên lý, thì chỉ khác ở 1 niệm mà thôi, thật sự biết dụng tâm, đau buồn phẫn nộ sẽ biến thành gì? Biến thành sức mạnh. Nguy cơ đều biến thành thời cơ, phiền não đều biến thành Bồ đề, thật ra các huynh trưởng ngồi đây có biểu diễn cho chúng ta xem không? Có không? Quý vị biết không? Quý vị phải biết xem.