/ 2
340

LÀM SAO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI MẸ CHỒNG HOẶC MẸ VỢ TỐT

Trích từ “Phụ nữ 5 tốt trong thời đại mới”

Kì thứ 3

Ngày 19-22 tháng 5 năm 2010

Chủ giảng: Cô giáo Dương Thục Phân

Địa điểm: Trường Huấn luyện giáo dục dưỡng chánh Bắc Kinh

Tập 2

 

Các vị trưởng bối, các vị khách quý, các bạn thân mến, xin chào mọi người!

Tiết học trước chúng ta kể đến người bạn của tôi, bạn ấy ghét nhất là ngày mồng hai Tết, bận rộn túi bụi từ sáng đến tối, lại không được mẹ chồng thông cảm, không được chồng phụ giúp. Trong quan niệm của mẹ chồng thì cho rằng “Cô gả qua nhà chúng tôi, một năm chỉ bắt cô bận rộn một ngày, cô còn chịu không nổi sao?”. Người làm con dâu sẽ nghĩ “Bà mẹ chồng này cũng thật quá đáng, năm cô con gái của bà cũng đều về nhà hết rồi, bà cũng không chịu để tôi về nhà tôi, đều là con gái cả mà”. Như vậy trong tâm có nảy sanh mâu thuẫn không? Chắc chắn sẽ có, hơn nữa sự ấm ức này có phải mỗi năm đều sẽ tích lũy ngày càng nhiều hay không? Sẽ ngày càng nhiều, đã gia tăng như vậy nhưng hai bên lại không tìm được con đường hóa giải, lúc này nếu bạn là người chồng thì có đưa ra đôi tay chính nghĩa để ủng hộ vợ mình không? Có. Chúng ta vỗ tay cho thầy giáo này. Có, phải nên như vậy. Ở đây chúng ta xuất hiện một vấn đề, nếu người chồng nhìn thấy giữa mẹ mình và vợ mình phát sinh một số trở ngại và va chạm, lúc này, người làm chồng phải nên đứng ra hóa giải một chút. Ví dụ lúc này phải dùng rất nhiều chén bát thì chúng ta có thể lấy cái gì ra thay thế? Chén bát giấy, dùng chén bát giấy có thể tiết kiệm rất nhiều sức lao động. Nếu như thấy tốn tiền, chấp nhận rửa nhiều chén bát như vậy thì có nên kêu gọi các chị em gái của mình đến giúp đỡ không? Có, phải nên kêu gọi. Cho nên trước đây, chỉ cần đến ngày mồng hai Tết tất cả các anh chị em chúng ta về nhà, chị dâu trong nhà có phải sẽ rất vất vả không? Sẽ rất vất vả. Cho nên trước đây tôi thường giao hẹn với chị tôi là về nhà không ăn cơm, chỉ lấy bao lì xì ra xong là mau mau phủi mông đi về. Khi nào muốn ở lại thì chúng ta có thể đem theo một số thức ăn, khi bà con họ hàng ngồi chung lại với nhau, chỉ cần đem đi hâm nóng là có thể ăn được, nhất định phải chung sức chung tay, mỗi người mua về một ít, như vậy có thể giảm bớt lượng công việc cho chị dâu trong nhà. Khi rửa chén thì bởi vì có đến ba bốn chục người ăn, nên khi dọn dẹp chén bát sẽ nhiều vô cùng, tôi sẽ thường chỉ đạo các cháu gái của mình, cháu làm việc này, cháu làm việc kia, cháu pha trà, cháu gọt trái cây… trước đó phải phân công công việc cho ổn thỏa, để chị dâu còn có thời gian mà thở. Cô em chồng như tôi có món ăn nào sở trường thì phải đứng ra làm, để chị dâu bớt vất vả. Cho nên tôi sẽ xào mì, chiên bánh củ cải, làm một số bánh chiên, để tôi cũng có thể giảm bớt sự vất vả của chị dâu trong dịp lễ tết. Vì vậy, một gia tộc muốn hòa hợp thì thật sự phải nhờ các anh chị em, các chị em dâu giúp đỡ lẫn nhau. Chị dâu cả của tôi vừa về đến nhà cũng liền tranh thủ giúp chị dâu thứ hai làm một số việc nhà, sau khi làm xong, bởi vì kinh tế của chị dâu cả khá là tốt, nên chị ấy sẽ đem một bao lì xì khá lớn tặng cho chị dâu thứ hai, nói là “Tất cả các chi tiêu trong dịp lễ tết này sẽ do anh chị phụ trách”, cũng nhìn thấy chị dâu cả mua quần áo tặng cho chị dâu thứ hai. Khi nhìn thấy những hình ảnh này thì tôi thấy rất ấm lòng, và cũng rất an tâm, vì các chị em dâu đã biểu diễn một tình cảm hòa hợp cho các cô em chồng như chúng tôi xem, chị cả thương yêu chị hai, chị hai cũng rất tôn trọng chị cả, nhất là mỗi lần chị dâu cả của tôi quay về thì chị dâu thứ hai cũng sẽ gói ghém rất nhiều rau củ trái cây, đặc sản cho chị cả mang theo, tất nhiên khi chị cả từ thành phố trở về cũng đem theo rất nhiều trái cây và quà cáp về tặng. Cho nên hai bên có thể luôn luôn tôn trọng, thông cảm, quan tâm đến nhau thật sự cũng không hề dễ. Mẹ tôi khi sức khỏe còn tốt, lúc khoảng bảy tám chục tuổi, khi đến nhà chị dâu cả thì ngày nào bà cụ cũng ra ngoài tập thể dục, cụ rất thích tập xà đơn, hễ nhìn thấy xà đơn là liền qua đó đu. Rất nhiều người nhìn thấy chị dâu cả của tôi đều nói “Ồ, mẹ con khỏe thật đấy”, chị ấy liền nói “Dạ không phải, mẹ chồng con đó”. Cho nên các bạn xem, mẹ chồng nàng dâu khi cùng nhau đi ra ngoài cũng có thể khiến cho hàng xóm láng giềng sanh khởi tâm ngưỡng mộ, muốn học tập theo. Bởi vậy chúng ta xem, mẹ chồng nàng dâu có một duyên phận rất sâu sắc, duyên phận này chúng ta thường nói là “trời đã định”, đã là trời định thì mới đến nhà chúng ta ăn cơm, người làm mẹ chồng nếu biết hy sinh thì sau này sẽ được báo đáp rất tốt. Nếu mẹ chồng ngay từ đầu đã không thể chấp nhận con dâu, nếu sau này con dâu có sự nghiệp rất lớn, mẹ chồng về già sức khỏe lại không tốt, nhưng lại phải luôn dò xét nét mặt của con dâu thì lúc đó sẽ rất đau khổ, rất buồn phiền. Cho nên tôi thường cảm nhận được rằng, giữa mẹ chồng và nàng dâu không có chuyện thiệt thòi cũng chẳng có chuyện hám lợi, khi con dâu mới gả đến thì mẹ chồng có quyền lực lớn nhất, nhưng đến một ngày nào đó, sức khỏe chúng ta sẽ dần dần suy yếu, lúc này con dâu sẽ dần dần có thêm quyền lực. Chúng ta thường nói phụ nữ trong xã hội không có địa vị, từ xưa đến nay mọi người đều nói như vậy, nhưng trong gia đình thì người phụ nữ có địa vị không? Có, địa vị lớn lắm. Chúng ta nhìn thấy có rất nhiều người đàn ông trong xã hội có thể hô mưa gọi gió, nhưng về đến nhà thì phải nghe lời ai? Nghe lời vợ, nghe lời mẹ vợ, nghe lời mẹ ruột… Cho nên trong tình hình này, chúng ta làm mẹ chồng, khi lớn tuổi, với kinh nghiệm cả đời của mình, lúc này nếu có thể dùng tấm lòng của mẹ ruột đối với con dâu thì chúng ta sẽ có thêm một cô con gái. Do đó chúng ta biết, khi con dâu gả về nhà thì phải biết thông cảm, phải cho con dâu có thời gian thích nghi với môi trường mới, cho nên cần phải từ ái dẫn dắt và kiên nhẫn dạy dỗ.

/ 2