/ 5
37

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

PHẨM PHỔ MÔN - BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM

Tập 2

Hoa Tạng Đồ Thư Quán, Cảnh Mỹ, [Đài Bắc], Đài Loan

Bài giảng thứ hai - Tháng 12 năm 1983

Số lưu trữ: 08-004-0002

Hòa Thượng Tịnh Không chủ giảng

(Nguyễn Minh Tiến dịch)


Mời quý vị mở [sách Pháp Hoa Kinh Đại Thành] quyển hạ, trang 798, dòng thứ 5. Trọn hàng này giới thiệu với quý vị đề mục của phẩm kinh: “Diệu Pháp Liên Hoa Kinh – Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm - Phẩm thứ 25.”

Phần trước đã giới thiệu với quý vị về tên kinh, hôm nay chúng ta xem đến tên phẩm kinh. Pháp sư Đại Nghĩa trong phần chú giải đã giải thích rất tường tận, chi tiết. Chúng ta đọc qua phần chú giải này, trước hết biết được vì sao Bồ Tát có danh hiệu này, nghĩa là vì sao ngài được gọi là Bồ Tát Quán Thế Âm.

Kinh Bi Hoa [quyển 3] nói rằng, ở thế giới Tán-đề-lam vào một kiếp quá khứ tên là Thiện Trì, có Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng, lại có vị Chuyển luân vương hiệu là Vô Lượng Tịnh. Vị thái tử thứ nhất [của vua này] sau 3 tháng cúng dường Phật và chư tăng liền phát tâm Bồ-đề, nguyện rằng: “Nếu có chúng sinh nào đang chịu những khổ não trong ba đường ác, thường niệm danh hiệu của ta, ta sẽ dùng thiên nhãn để thấy, dùng thiên nhĩ để lắng nghe, không cứu được [chúng sinh ấy] thoát khỏi khổ não thì ta nguyện không thành đạo Bồ-đề.” Đức Phật Bảo Tạng dạy rằng: “Ông quán sát hết thảy chúng sinh, muốn dứt trừ hết khổ não cho họ, vậy nay ta gọi tên ông là Quán Thế Âm.”

Điều này giải thích rõ do đâu Bồ Tát [Quán Thế Âm] có danh hiệu như vậy. Có thể thấy rõ, danh xưng này cùng với nguyện lực đại từ đại bi mà Bồ Tát thành tựu về sau là hoàn toàn tương ứng.

Trong đoạn văn này kể lại câu chuyện của Bồ Tát từ trong quá khứ, trong đó chúng ta thấy được điều quan trọng tối yếu chính là việc phát tâm Bồ-đề. Lời nguyện [của Bồ Tát] được nói đến sau đó là [một] trong Tứ hoằng thệ nguyện, tức là “chúng sinh vô biên thề nguyện độ”. Bồ Tát đã phát nguyện như thế.

Tâm Bồ-đề là căn bản tu học của chúng ta. Trong các kinh điển Đại thừa, đức Phật vẫn thường dạy về tâm Bồ-đề. Chúng ta hoặc là không phát tâm Bồ-đề, hoặc đã phát tâm rồi lại để mất đi. Chúng ta phát tâm Bồ-đề rồi thì sao? Rồi thì quên mất, để thối thất đi. Những trường hợp như vậy có thể nói là rất nhiều, cứ phát tâm rồi lại quên mất đi.

Tâm Bồ-đề là tâm giác ngộ. Chúng ta sống trong cảnh giới này, chỉ cần một niệm mê lầm liền quên mất tâm Bồ-đề.

Người quên mất tâm Bồ-đề, dù tu tập hết thảy các pháp lành cũng đều là bị ma dẫn dắt. Chúng ta thử nghĩ xem, vấn đề như thế thì có nghiêm trọng hay không? Cho nên nói đến việc học Phật, thật sự rất khó! Liệu có được mấy người giữ tâm an trụ nơi Phật đạo, giữ tâm an trụ nơi Bồ Tát đạo? Nếu quả thật chúng ta giữ tâm an trụ nơi Bồ Tát đạo thì có thể nói là không để mất tâm Bồ-đề. Nói thật với quý vị, nếu được như vậy thì việc tu hành chứng quả bất quá cũng chỉ trong khoảng ba đến năm năm mà thôi. Đúng thật như vậy không sai. Vậy thì vì sao tu hành không thành tựu? Chỉ vì không trụ tâm nơi đạo, thường xuyên để mất tâm Bồ-đề.

Hôm nay tôi cần phải giới thiệu sơ qua với quý vị về tâm Bồ-đề. Bởi vì trong giảng đường này không chỉ có quý vị ở địa phương này, mà còn có bộ phận thu hình nữa. Băng ghi hình hôm nay rồi sẽ đưa ra nước ngoài, sẽ lưu thông rất rộng rãi. Cho nên chúng ta có thể hình dung là sẽ có rất nhiều người xem băng ghi hình hôm nay.

Bây giờ chúng ta xem đến đoạn tiếp theo, [trang 799, dòng đầu tiên ]. Hai chữ “Lăng-nghiêm” là nói trích dẫn từ kinh Lăng-nghiêm. “Bồ Tát tự trần” là nói trong kinh Lăng-nghiêm, chương “Quán Thế Âm Bồ Tát nhĩ căn viên thông” thuộc quyển 6, [Bồ Tát tự nói ra với Phật rằng:] “Do con từng cúng dường đức Quán Âm Như Lai, nhờ ơn ngài truyền thụ cho phép Kim cang Tam-muội Như huyễn văn huân văn tu, thành tựu được 32 ứng hóa thân, 14 pháp Vô úy, bốn pháp Bất tư nghị. Đức Quán Âm Như Lai khen con khéo đạt được pháp môn viên thông, nên ở giữa chúng hội thọ ký cho con, hiệu là Quán Thế Âm.”

Đoạn này nói thêm nhân duyên thứ hai về danh xưng của Bồ Tát Quán Thế Âm. Đó là do ngài cúng dường, gần gũi đức Phật Quán Thế Âm, cùng với Phật Quán Thế Âm tương đồng về tâm nguyện, tương đồng về công hạnh, nên được Phật thọ ký cho hiệu là Quán Thế Âm.

/ 5