KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 5)
Mời mở bản Kinh ra. Lần trước giảng đến cõi trời Dục Giới, “Sở vị Tứ Thiên Vương thiên, Đao Lợi thiên, Tu Diệm Ma thiên, Đâu Suất thiên, Hóa Lạc thiên, Tha hóa Tự Tại thiên”.
Đoạn này chúng ta đã giảng cõi trời Tứ Vương rồi, quan trọng là phải hiểu được pháp biểu trưng của Tứ Vương Thiên thì chúng ta mới có thể được lợi ích đích thực.
Tứ Thiên Vương
Nói một cách đơn giản, Đông Phương Trì Quốc Thiên Vương, chúng ta xem tên là biết ý nghĩa. Vị thiên vương này dạy cho chúng ta làm thế nào bảo vệ quốc gia mãi mãi được hưng thịnh, không bị suy thoái. Từ ý nghĩa này suy rộng ra, làm thế nào có thể bảo vệ được gia đình mình, làm thế nào có thể bảo vệ chính mình. Chúng ta tạo dựng sự nghiệp trong đời này nổi danh bốn bể, để đức cho hậu thế, đây là thành tựu đích thực của chúng ta trong đời này, cho nên ý nghĩa này rất sâu rất rộng.
Nam Phương Thiên Vương dạy chúng ta phải mong cầu tiến bộ. Thời đại vĩnh viễn đang tiến bộ, chúng ta thường hay nói những người nào đó không theo kịp thời đại, ý nghĩa là ở chỗ này. Thời đại đang biến đổi mỗi ngày, đang tiến bộ mỗi ngày. Tiến có tiến về hướng thiện và cũng có tiến về hướng ác, đây là điểm mà chúng ta không thể không phân biệt. Nếu như tinh tấn theo hướng thiện thì là tích cực, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Nếu như tinh tấn theo hướng ác, đây là nói tinh tấn theo tham, sân, si, mạn, thì nhất định sẽ đem lại động loạn cho xã hội, thiên tai nhân họa, như vậy thì mọi người phải bị khổ rồi, đây là điều nhất định phải phân biệt rõ ràng.
Phần trước đã từng giảng qua rồi, chư Phật tán thán Thế Tôn biết pháp khổ lạc. Câu nói này rất tuyệt vời! Niềm vui đích thực, không những vui trong đời này, vui trong đời sau, mà kiếp sau vĩnh viễn vẫn hưởng vui thì đây mới là niềm vui đích thực. Nếu như nói là trong đời này chúng ta hưởng lạc, đời sau thọ khổ thì là sai rồi, quá đỗi sai lầm! Những người trong đời này được vui, nhưng đời sau phải chịu khổ báo không biết là nhiều bao nhiêu. Đây là điều chúng ta không thể không cảnh giác. Trong khi hưởng lạc thì thường tạo nghiệp, phước báo hưởng hết rồi, nghiệp ác hiện tiền, bạn sẽ đến tam đồ để thọ báo. Đây là sai lầm quá lớn. Nam Phương Thiên Vương đại biểu cho tinh tấn có trí tuệ, tinh tấn có lý tính, không phải si mê, không phải phàm tình.
Tây Phương Thiên Vương là Quảng Mục Thiên Vương, dạy chúng ta xem nhiều, cũng chính là học tập nhiều.
Bắc Phương Thiên Vương là Đa Văn Thiên Vương.
Xem nhiều, nghe nhiều, vĩnh viễn ở vị trí học trò, cũng chính là ta vĩnh viễn là một người học trò. Chỉ có chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn thì mới có thể chân thật làm lão sư. Bồ-tát Đẳng Giác vẫn là học trò, huống chi những cấp bậc khác. Chính mình vĩnh viễn phải ở địa vị học trò. Cổ nhân Trung Quốc nói: “Sống đến già, học đến già, học không dứt” cũng là ý nghĩa này. Suốt đời đến già vẫn còn ham học. Trong Phật pháp gọi là học nhân. Học nhân chính là làm học trò, học tập làm người, vĩnh viễn đều đang học tập làm người. Người nào có thể làm người tốt, làm được viên mãn không có một mảy may khiếm khuyết vậy? Người đã thành Phật. Chỉ có Phật mới là người hoàn hảo. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này, cần chăm chỉ học tập.
Vật trên tay Tứ Thiên Vương cầm, chúng ta dùng cách hiện nay để nói mọi người dễ hiểu, đó là “đạo cụ”. Đạo là pháp biểu trưng, khiến cho bạn nhìn thấy, tiếp xúc đến liền biết được đạo lý lớn của vũ trụ nhân sinh, liền biết phải nên nắm nguyên tắc này mà học tập.
Trên tay Đông Phương Thiên Vương cầm là đàn Tỳ-bà, là loại nhạc cụ. Không phải là Ngài thích ca hát, thích khiêu vũ, cách nghĩ này của bạn là sai rồi. Ngài dùng cái này để đại biểu bạn làm thế nào để hộ trì quốc gia của mình. Bảo vệ nước quan trọng nhất là phải hành trung đạo. Nho gia nói trung dung, là đạo trung dung, Phật pháp nói trung đạo đệ nhất nghĩa đế. Ngài dùng nhạc cụ này để làm pháp biểu trưng. Sợi dây đàn này nếu chỉnh quá căng nó sẽ bị đứt, chỉnh quá chùng thì âm thanh của nó không vang, nhất định phải chỉnh sao cho vừa đúng, biểu thị ý nghĩa này. Vừa đúng, không căng cũng không chùng gọi là trung đạo, là biểu thị ý nghĩa này. Chỗ cao minh của Thánh nhân là biết dùng tâm bình thường, không lệch hai bên. Đây là đạo cụ.
Trên tay Nam Phương Thiên Vương cầm là kiếm. Kiếm tượng trưng cho trí tuệ, kiếm tuệ, tượng trưng cho ý nghĩa này.
Trên tay Bắc Phương Thiên Vương cầm là rồng hoặc là rắn. Ở Ấn Độ và Trung Quốc đều cho rằng rồng, rắn biết biến hóa. Đại biểu cho mọi người, mọi sự, mọi vật trong xã hội này đều thiên biến vạn hóa, bạn phải thấy cho rõ ràng. Tay phải Ngài cầm hạt châu. Hạt châu biểu thị cho bất biến. Ở trong mọi biến đổi, bạn cần nắm vững được nguyên tắc bất biến. Bất biến chính là định, tuệ, chính là thành kính. Nắm vững nguyên tắc này để đối nhân xử thế. Bất kể xã hội biến đổi như thế nào, bạn chỉ cần nắm vững nguyên tắc này thì đều có thể ứng phó ung dung, đều có thể giáo hóa tự tại.